Bác Hồ trong trái tim Việt kiều ở Thái Lan

Con đường vào di tích Nhà Bác Hồ ở bản Na-Chok, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan mùi rơm rạ thoang thoảng dưới cái nắng thu nhè nhẹ. Bên ao nước hoa sen nở đầy, hương thơm nhè nhẹ len lỏi vào tận ngôi nhà của Bác khiến du khách không khỏi nao lòng. Hơn 80 năm trước, tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã có những tháng ngày sinh sống cùng Việt kiều để tìm đường cứu nước, cứu dân.

Người kể chuyện “Thầu chín” Trước lúc đến Thái Lan tôi gọi điện xin được hẹn gặp cụ Võ Trọng Tiêu, năm nay 89 tuổi, người quản lý di tích Nhà Bác Hồ tại bản Na- Chok. Nhiệm vụ hàng ngày của cụ Tiêu là giới thiệu cho du khách về di tích Nhà Bác Hồ ở Na- Chok. Rót nước chè xanh, têm vội đĩa cau tươi mời khách, cụ Tiêu kính cẩn thắp hương lên bàn thờ của Bác Hồ rồi bắt đầu câu chuyện. Những chuyện xoay quanh thời gian Bác Hồ sống trong gia đình cụ tại bản Na- chok để hoạt động yêu nước. Tháng 7-1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Thái Lan tìm đường giải phóng dân tộc, Người lấy tên Thầu Chín, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở các tỉnh Udon Thaini, Phi Chit, Sakon Nakhon... trước khi về ở tại bản Na- Chock của tỉnh Nakhon Phanom. Ngày mới về, Bác cùng bà con dân bản dựng lên ngôi nhà gọi là nhà hợp tác để làm nơi sinh hoạt tập trung. Hồi ấy cụ Tiêu mới là đứa bé lên 7-8 tuổi nhưng chú bé Tiêu hiểu rằng Bác là khách quý, bạn thân của bố mình. Cụ Tiêu kể trong ngôi nhà hợp tác rộng chừng 50 m2 , lúc nào cũng có 5 đến 7 hội viên sinh hoạt thường trực.Nhà được thiết kế có hai phòng khá kín đáo, phía giữa là lối đi nhỏ thông ra sau vườn cây. Bác Hồ không bao giờ ngủ trong hai phòng riêng biệt đó. Đêm đến, Bác thường kê tấm phản nằm giữa nhà. Đang kể say sưa, cụ quay sang hỏi tôi: cậu có biết hai phòng này Bác làm ra để có mục đích gì? Tôi đang ngập ngừng thì cụ tiếp tục câu chuyện: Thế rồi, sau một thời gian sinh sống ở Na- Chock, có hai hội viên của Bác gặp được những Việt kiều tâm đầu hợp ý nên họ se duyên cùng nhau. Bác dựng hai căn phòng lên để làm phòng cưới cho hai hội viên của mình.“Trong những lúc khó khăn như vậy mà Bác vẫn quan tâm, chăm lo cho hội viên của mình, việc làm thật ý nghĩa”, cụ Tiêu trùng giọng. Những ngày ở trên đất Thái Lan, thời gian rãnh rỗi, Bác thường ra đồng giúp dân trồng lúa, trồng rau, bắt cá cải thiện cuộc sống. Có lần Bác đi bắt cá với mấy anh em chú bé Tiêu và các hội viên. Mọi người hì hục bắt rồi gửi vào oi đựng cá Bác mang bên người. Khi trở về Bác hỏi đố các chú, các cháu hôm nay Bác bắt được mấy con cá? Kính nể Bác nên tất cả đồng thanh Bác bắt được nhiều nhất. Bác ôn tồn nói: “Cứ đếm xem mà biết, Bác chỉ bắt được ít cá thôi. Những con cá của Bác bắt được làm dấu bằng cách đã ngắt vây ở sau đuôi ”. Nghe vậy mọi người tham gia bắt cá hôm ấy đều im lặng thán phục. Bác nhắc nhở mọi người ở đâu, làm gì cũng phải biết lượng sức mình, không phải cái gì mình cũng hơn người khác, làm gì cũng phải rõ ràng, chu đáo... Ngắm nhìn ngôi nhà, khu vườn của Bác Hồ với hàng cau xanh, cây khế ngọt ở trước sân, hai cây dừa cao vút thân hình xù xì , mấy cây bưởi xòe tán cho trái nặng trĩu... tôi có cảm giác tất cả như vẫn còn mang hơi ấm của Người, như khung cảnh hữu tình ở làng Sen quê Bác. Ở Phía sát phòng dành cho du khách ngồi nghỉ, làn điệu nhẹ nhàng, sâu lắng của bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” phảng phất, đung đưa: “Đêm sông Lam dạt dào sông nước, vọng câu đò đưa. Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa. Tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca. Rồi từ ấy, ơ... Bác tìm đường cứu nước non.Đêm quê hương nhớ Bác, lòng ta thêm ấm lòng, vườn nhà ngát hương cau, mái tranh quê xôn xao mấy tình đời...” khiến không ít du khách hôm ấy bùi ngùi, đỏ hoe đôi mắt. Đang kể chuyện, cụ Võ Trọng Tiêu khoe: “Năm 1960, khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Bác Hồ mời tôi sang Hà Nội thăm chơi. Bác đã đích thân về Hải Phòng đón tôi lên Phủ Chủ Tị­­ch hàn huyên chuyện cũ. Lần đó, Bác dành nhiều thời gian hỏi chuyện bà con Việt kiều, Bác gửi lời thăm hỏi động viên bà con... Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam”. Thờ ảnh Bác Hồ ở NakhonPhanom Nakhon Phanom, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan có rất đông bà con Việt kiều sinh sống, nhà nào cũng thờ ảnh Bác Hồ.Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên trước tấm lòng tri ân của các Việt kiều dành cho Bác, anh Trần Văn Phước, 46 tuổi, giám đốc Công ty Du lịch Kao Klai Travel là một người Thái gốc Việt ôn tồn: “Việt kiều ở Thái Lan xem Bác Hồ như người mẹ hiền, như ông tiên giữa đời thường. Không tin, anh đi thăm nhà bà con Việt kiều mà xem, ai cũng có bàn thờ Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất”. Ngôi nhà đầu tiên tôi hướng đến là ...nhà của anh. Ngôi nhà nằm ngay giữa trung tâm thị xã Thetsaban lãng mạn bên bờ sông Mê Kông. Vừa bước chân vào nhà, tôi quá bất ngờ khi nhìn lên bên phải của căn phòng đầu tiên , nơi anh tiếp khách giao dịch hàng ngày, là bức chân dung Bác Hồ cao hơn 2 m, rộng hơn 1 m, sừng sững, uy nghi nhưng phong thái thật giản dị. Anh Phước cho biết anh đã mời họa sĩ nổi tiếng Phon Shay của miền Bắc Thái Lan về nhà mình thực hiện bức ảnh Bác Hồ trong thời gian 4 tháng. Ngắm nhìn hồi lâu, tôi thấy ảnh Bác Hồ thật đẹp, được người họa sĩ thể hiện với tất cả tấm lòng yêu quý, ngưỡng vọng của mình. Chị Nukeo Khunxen vợ anh Phước kể, từ khi mới về làm dâu đã thấy bố mẹ anh hàng ngày thắp hương lên bàn thờ Bác Hồ. Là người Thái nhưng mỗi lần thấy bố mẹ chồng tri ân Bác chị rất tôn kính. Đến ngày sinh nhật Bác 19-5 hay ngày 2-9, bố mẹ lại làm mâm cơm thật đàng hoàng, theo thực đơn của người Việt để cúng Bác Hồ. Dịp nào cũng vậy, trước khi thắp hương ông bà thường tập trung các con về có mặt đông đủ để việc tri ân thêm có ý nghĩa. Anh Phước ngậm ngùi: “Tôi luôn nói với các con mình dù sống ở đâu cũng phải học lịch sử về Bác Hồ, đó là tấm lòng yêu nước, thương dân.... Tôi muốn các con được hiểu về Bác nhiều hơn. Ai cũng muốn nhìn về Bác để soi sáng con đường mình đang hướng tới. Hình ảnh và tình yêu thương Bác Hồ luôn có trong máu huyết, trong trái tim của người dân Việt tha hương trên đất Thái Lan. Đến gặp bà con Việt kiều ai cũng kể vanh vách những câu chuyện về Bác Hồ trong thời gian ở tỉnh Nakhon Phanom. Như thời gian rãnh rỗi Bác tranh thủ học tiếng Thái. Chỉ bốn tháng sau, Bác đã sử dụng tiếng Thái một cách thành thục... Những ngày này, bà con Việt kiều ở Nakhon Phanom lòng luôn nhớ về Bác Hồ kính yêu. Ông Đào Trọng Lý- Hội trưởng hội Việt kiều ở Nakhon Phanom, nói: “Tôi rất khâm phục khi biết gia đình anh Trần Văn Phước thờ bức ảnh Bác Hồ lớn nhất vùng.Trong cộng đồng người gốc Việt ở Thái Lan nói chung và Nakhon Phanom, gia đình nào cũng thờ ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất. Yêu quý Bác, muốn thấy Bác và làm theo lời Bác dạy, bà con thờ Bác từ khi Bác chưa mất. ”. Việt Yên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=20138