Bác Hồ nói về pháp luật

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp của nước ta. Sinh thời, Người luôn chú trọng đến pháp luật, làm sao để đưa pháp luật đến với cuộc sống của từng người dân, phù hợp với lợi ích của nhân dân. Trải qua thời gian, tư tưởng, những lời dạy của Người về pháp luật vẫn luôn được các thế hệ ghi nhớ và làm theo.

Sau khi giành được chính quyền, ngày 28/8/1945, Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò là Chủ tịch nước, đứng đầu Chính phủ. Sau đó, trong Thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 2/1948, Người viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Tháng 2/1946, Người nói chuyện với hơn 10 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội sau Cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Người nhấn mạnh: “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động… Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động....Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”.

Người căn dặn: “... Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.…Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …”. Người hết sức quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện.

Là người suốt đời đấu tranh cho lẽ phải và sự công bằng, Người coi nạn tham ô, nhũng nhiễu nhân dân như là một loại giặc cần phải diệt trừ. Người thể hiện thái độ nghiêm trị đối với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi của nhân dân.

Bác Hồ đang phát biểu tại kỳ họp thứ năm Quốc hội Khóa I ngày 20-9-1955.jpg

Người nói: “Chính phủ đã cố gắng liêm khiết. Nhưng nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ”. Người đề cao Đức trị, nhưng đó phải là Đức trị đi liền với Pháp trị. Trong Di chúc trước lúc đi xa, về bên kia thế giới với cụ Các Mác, cụ Lê Nin, Người đã viết “Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v.. thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Ngay cả khi nói về Đảng, gắn với vấn đề pháp luật chống tham nhũng, Người khẳng định “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.

Có thể thấy rõ, Người đã đặt ngang hàng kẻ tham ô với kẻ phản quốc. Và hai tội danh này đều xếp vào khung hình phạt tử hình theo Quốc lệnh 10 điều thưởng và 10 điều phạt ngày 26/1/1946 do chính Người ký.

Ngày 5/9/1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3. Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: “Đại hội lần thứ hai là đại hội kháng chiến. Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (tháng 11 năm 1946), có đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ về các vụ việc ăn hối lộ, tham ô, tham nhũng xảy ra gần đây. Thay mặt Chính phủ, Bác Hồ đã trả lời thẳng thắn rằng: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các ủy ban làng, đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nghiêm trị của pháp luật thật cương quyết: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Với tư cách là vị lãnh tụ của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ, Người đã lấy chính mình làm tấm gương cho toàn thể cán bộ, trí thức, công nhân, nông dân noi theo trong việc thượng tôn và bảo vệ pháp luật. Hơn ai hết, Người hiểu rõ vai trò và tác động to lớn của người làm lãnh đạo đối với tính nghiêm minh của pháp luật.

Thái Bình

(Tổng hợp)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201611/ky-niem-ngay-phap-luat-viet-nam-911-bac-ho-noi-ve-phap-luat-2753142/