Bắc Giang: Sân golf Yên Dũng và bi kịch của người dân mất đất sản xuất

Khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng sân golf Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang mới chỉ ban hành thông báo mốc tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng (GPMB) cho nhà đầu tư và hộ ông Lương Văn Nam (trú tại thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng) chưa nhận bồi thường; vậy mà, khoảng 6.000 cây lấy gỗ của hộ ông Nam đã bị nhà đầu tư (được chính quyền huyện “bật đèn xanh”) cho chặt phá khiến người dân lâm vào cảnh lao đao, bức xúc.

Ông Lương Văn Nam đối mặt với nguy cơ trắng tay khi mất đất sản xuất.

Việc thu hồi diện tích lớn đất ở và đất sản xuất để thực hiện Dự án sân golf và dịch vụ Yên Dũng tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, do Công ty Cổ phần QNK Bắc Giang (Công ty QNK Bắc Giang) làm chủ đầu tư, ngay từ ban đầu đã vấp phải nhiều ý kiến quan ngại từ phía người dân, bởi vị trí xây dựng sân golf gồm cả khu dân cư, đất lâm nghiệp trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp đang canh tác đem lại hiệu quả kinh tế cao và bao trọn hồ Bờ Tân từ nhiều đời nay là nguồn nước chính phục vụ tưới tiêu cho cả một vùng rộng lớn. Chưa kể đến, khi sân golf mới hình thành sẽ phải sử dụng một lượng cực lớn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, với sân golf nằm gần nguồn nước sinh hoạt hay khu dân cư thì hiểm họa của nó là không thể đo đếm nổi. Chất độc hại rất dễ chảy tràn ra lòng hồ, thẩm thấu xuống đất và người dân ở xung quanh đó sẽ lãnh đủ.

Bất chấp các nguy hại về môi trường sẽ phải đối mặt, tính hiệu quả của dự án khi người dân mất đất sản xuất, Bắc Giang vẫn coi đây là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Để hiện thực hóa dự án này, tỉnh Bắc Giang đã ráo riết chỉ đạo UBND huyện Yên Dũng, cùng các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Tiền Phong tiến hành thu hồi đất, bồi thường tái định cư cho người dân.

Tới đây, khi dự án mới hình thành sẽ xóa sổ phần lớn diện tính đất lâm, nông nghiệp truyền thống, để thay vào đó là một sân golf hào nhoáng và các dịch vụ tiện ích kèm theo mà chúng ta có thể gặp ở bất kỳ nơi đâu trên khắp cả nước. Vậy có nhất thiết, có tất yếu để một tỉnh nghèo như Bắc Giang phải quy hoạch, phải xây dựng khu sân golf hoành tráng như dự án của Công ty QNK Bắc Giang thực hiện hay không? Mọi chuyện càng đáng bàn hơn, khi dự án đang “đẩy” người dân vào cảnh bần cùng, túng quẫn.

Lùm xùm 2,3 ha đất công ích hay đất vườn?

Theo phản ánh của ông Lương Văn Nam, năm 2005, ông Nam đã ký Hợp đồng số 01/HĐ với thôn Bình An nhận thầu “hồ Bờ Tân” thì diện tích chỉ có 6ha. Sau đó, ông Nam nhận chuyển nhượng của 4 hộ dân xung quanh hồ và đề nghị UBND xã Tiền Phong gộp lại cả diện tích nhận hồ và diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất xung quanh hồ khi tiến hành đo đạc là 7,7ha (sau này đo đạc bằng máy là 8,3ha~83.666,2m2). Hợp đồng này đã được ông Nguyễn Văn Diện lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong xác nhận hai bên đã thực hiện đúng theo hợp đồng đã thỏa thuận.

Ông Nam cho rằng, phần diện tích chênh lệch khoảng 2ha là diện tích ông bỏ tiền ra mua. “…Tuy nhiên, khi tiến hành đền bù GPMB, Tổ công tác GPMB huyện Yên Dũng tính tất cả 8,3ha diện tích thầu hồ là đất công mà không phân định ra 6ha đất thầu hồ là đất công và 2,3ha là đất trồng cây thuộc sở hữu của gia đình ông. Nếu bồi thường theo giá đất trồng cây hằng năm là 70 triệu đồng/sào thì tổng giá trị bồi thường sẽ khoảng 4,4 tỷ đồng” - Ông Nam bức xúc dẫn giải.

Theo ông Lương Văn Thành (anh trai ông Nam), người đứng tên kê khai và sử dụng khu đất cho biết, trong diện tích đất 83.666,2m2, UBND huyện Yên Dũng đã có quyết định thu hồi đứng tên ông Thành, khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, UBND huyện Yên Dũng đã xác định giao thầu (công ích) do UBND xã quản lý tại khu hồ Bờ Tân cho ông Lương Văn Nam. Trong 2,3ha đất vườn, ông Thành đã mua của một số hộ (ông Lương Văn Doanh, ông Lê Văn Nam chuyển nhượng cho ông Thành; ông Nguyễn Văn Thuần chuyển nhượng cho ông Lương Văn Vân; ông Nguyễn Văn Sở chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Giàng - có giấy viết tay của 4 hộ chuyển nhượng ghi tháng 11-12/2004). Sau khi mua đất các hộ, ông Thành đã thống nhất gộp cả diện tích đất này vào diện tích đất hồ Bờ Tân để ban lãnh đạo thôn Bình An cho ông Lương Văn Nam thuê.

Đứng tần ngần trước thửa đất tan hoang mà bấy lâu nay gia đình dày công bồi đắp, ông Nam cho biết thêm, trong hợp đồng thầu hồ ngày 21/4/1989 giao thầu cho ông Đào Xuân Vệ và Biên bản cam kết cải tạo hồ Bờ Tân ngày 15/5/2005 với thôn Bình An thì trước khi cải tạo, hồ Bờ Tân có tổng dung tích nước cao nhất (tính theo bờ kè) là 114.500m3. Nhưng sau khi cải tạo, tổng dung tích chứa nước tính theo đập kè tràn khoảng 200.000m3. Vậy, tổng khối lượng đất cát cải tạo mà ông Nam ước tính khoảng 80.000m3 đất, cát (nếu theo giá thị trường vào thời điểm đền bù là 70.000 đồng/m3 thì tổng số đền bù vào khoảng 5,6 tỷ đồng).

Ông Nam đứng bần thần trước hồ Bờ Tân, nơi người nông dân nghèo bỏ biết bao công sức cải tạo.

Điều khiến gia đình ông Nam cảm thấy “đau xót” nhất đó là khi gia đình ông chưa nhất trí về phương án bồi thường đất và khu hồ cải tạo đã nhận thầu 6ha hồ(thời hạn hợp đồng đến hết năm 2017), tính vào thời điểm đền bù thì thời gian còn lại của hợp đồng là 3 năm 5 tháng nhưng tổ công tác GPMB đã không kiểm đếm, đưa vào đền bù. “Tôi vốn đam mê nuôi thả cá từ nhỏ. Mỗi năm, thu nhập đến từ thu hoạch cá là 1 tỷ đồng, việc thu hồi hồ sớm trước thời hạn làm tôi thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng. Mặc dù đã chấp nhận hy sinh nhiều thứ, nhưng việc không kiểm đếm, đền bù đối với hồ cá dẫn đến thiệt hại rất lớn cho gia đình tôi” - Ông Nam trần tình những thiệt hại về kinh tế mà bản thân và gia đình phải gánh chịu.

Việc thu hồi đất của dân để xây dựng sân golf là bất khả kháng. Trong khi, người dân nhận thức được việc làm của họ và chấp nhận hy sinh vì sự phát triển quê hương, vậy tại sao chính quyền địa phương vẫn thờ ơ không có biện pháp giải quyết triệt để, đền bù thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện kéo dài tại địa phương?

Huyện “to” hơn tỉnh, “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp chặt cây của dân

Luật Đất đai mới ban hành năm 2013 đã đưa vào luật quy định về trình tự thủ tục thu hồi đất, cho thấy đã có sự coi trọng vấn đề thu hồi đất.

Những cây bạch đàn cao sản vốn tốt tươi bị chặt hạ, thiệu trụi chỉ còn trơ gốc.

Thế nhưng, theo phản ánh của ông Lương Văn Nam, vào ngày 15/3/2016, Ban GPMB huyện Yên Dũng đã ngang nhiên cho chặt phá gần như toàn bộ cây trồng trên diện tích 8,3ha, bao gồm khoảng 6.000 cây lấy gỗ mà không có thông báo trước, lấn chiếm vào đất của gia đình trái pháp luật.

Để biện minh cho hành động này, ông Ong Thế Chung, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường - Tổ trưởng Tổ GPMB đã có văn bản trả lời người dân bằng cách viện dẫn hàng loạt các văn bản như Thông báo số 12-TB/VPTU ngày 04/11/2015 của Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang; Thông báo số 240/TB-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ các mốc thời gian bàn giao cho nhà đầu trước ngày 10/11/2015.

Theo đó, “toàn bộ cây cối, tài sản trên đất đã được hộ gia đình ông Lương Văn Thành tự kê khai, Tổ công tác cùng UBND xã cùng các ngành liên quan tổ chức kiểm kê, kiểm đếm, công khai lập phương án bồi thường hỗ trợ, vận động nhận tiền theo đúng quy định. Ngày 11/11/2015, Tổ công tác đã gửi tiền bồi thường, hỗ trợ vào Kho bạc nhà nước huyện Yên Dũng và gửi Thông báo số 39/TB-TNMT về việc gửi tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho ông Lương Văn Thành. Ngày 11/11/2015, UBND huyện Yên Dũng đã có biên bản tạm bàn giao đất khu vực hồ Bờ Tân cho nhà đầu tư, diện tích 83.666,2m2. Nhà đầu tư đã thực hiện thi công theo kế hoạch của đơn vị”.

Thông báo số 12-TB/VPTU ngày 04/11/2015 của Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang.

Thông báo số 240/TB-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, tại Thông báo số 12-TB/VPTU ngày 04/11/2015 của Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang và Thông báo số 240/TB-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang lại không hề có nội dung chỉ đạo UBND huyện Yên Dũng và nhà đầu tư dự án chặt hạ cây của hộ gia đình ông Nam (Thành) để phục công tác GPMB và thi công dự án.

Theo quy định của pháp luật, tại Khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất như sau:

“2. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;

b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;

d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.”

Điều khiến dư luận bức xúc là phải chăng chính quyền huyện Yên Dũng đã lạm quyền khi lợi dụng các thông báo của tỉnh, “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư chặt khoảng 6.000 của gia đình ông Nam (Thành)? Trong khi, Tổ công tác GPMB chỉ gửi Thông báo số 39/TB-TNMT về việc gửi tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho ông Lương Văn Thành. Nghiêm trọng hơn, việc chặt hạ khoảng 6.000 cây xanh là tài sản của ông Nam (Thành), có dấu hiệu phạm tội “hủy hoại tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự? Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ vần đến này.

Ông Lương Văn Nam (Lương Văn Thành) đã có đơn khiếu nại vụ việc đến Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Để tránh cho người dân lâm vào bi kịch trắng tay sau quyết định thu hồi đất và lặp lại vụ việc “Tiên Lãng, Hải Phòng thứ hai” tại Yên Dũng, Bắc Giang, ông Lương Văn Nam (Lương Văn Thành) đã có đơn khiếu nại vụ việc đến Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Vụ Theo dõi khiếu nại tố cáo và Phòng, chống tham nhũng (Văn phòng Chính phủ) đề nghị giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Dưới đây một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại hiện trường vụ việc.

Thân cây bị chặt hạ không thương tiếc nằm ngổn ngang trên khu đất.

Ông Nam lo lắng khi trại nuôi gia cầm sẽ bị phá sụp bất cứ lúc nào.

Máy xúc ngang nhiên xúc đất, thi công không an toàn gây ô nhiễm nặng nề quanh khu vực.

Khởi Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/bac-giang-san-golf-yen-dung-va-bi-kich-cua-nguoi-dan-mat-dat-san-xuat.html