Bắc Giang: 'Máu và nước mắt' của rừng vẫn chảy nơi đại ngàn

Theo phản ánh của người dân, xã Lục Sơn – Lục Nam – Bắc Giang đang xảy ra nạn chặt, phá rừng, đốt rừng để chiếm đất canh tác. Người dân nơi đây đã nhiều lần kêu cứu nhưng nạn phá rừng vẫn tiếp diễn…

Tiếng kêu cứu nơi đại ngàn xanh thẳm...

Khi phóng viên đặt chân trên những cánh rừng có địa chỉ tại thôn Bãi Đá – xã Lục Sơn – Huyện Lục Nam thật bất ngờ và đau xót khi những màu xanh mơn mởn của núi đồi đã không còn nữa, mà thay vào đó là cảnh tượng hoang tàn, u ám còn sót lại. Đâu đó ở các dãy núi bên kia vẫn còn tiếng cưa, tiếng chặt vọng lại như muốn nuốt chửng toàn bộ mảnh rừng.

Một phần cánh rừng bị chặt phá rồi thiêu rụi

Theo lời kể của anh P. là dân bản địa tại đây cho biết: “Hàng ngày, rất nhiều xe chở gỗ ra khỏi rừng mà không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào xử lý. Trong rừng những cây gỗ to đã được chặt trước đó nhiều tháng, sau đó họ mới chặt và đốt những cây con còn sót lại”. Một điều kỳ lạ là khi phóng viên lên đến đỉnh núi thì ngay lập tức những tiếng cưa máy, chặt phá rừng im bặt lại, chỉ đến khi chúng tôi đi xuống phía dưới thì mọi hoạt động chặt phá rừng lại diễn ra. Anh P. cũng cho biết: “Chúng có nhiều “chim lợn” từ đầu đường đến cuối đường, thấy người lạ cái là rút ngay…”.

Sự thật cần được phơi bày để làm rõ

Để làm sáng tỏ vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ với nhiều đơn vị liên quan để làm rõ sự việc này. Tại UBND xã Lục Sơn, ông Phạm Văn Thể, chủ tịch UBND xã nói: “Việc phá rừng như trên là hình thức lách luật của Nhà nước. Nhưng do lực lượng quá mỏng nên cũng không thể xử lý triệt để vấn đề…”. Tiếp tục câu chuyện, chúng tôi đã liên hệ với công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn. Đây cũng chính là đơn vị bị người dân tố đã “thuê người để đốt rừng, để rừng nghèo kiệt thì xin cấp trên chuyển mục đích sử dụng”.

Điều mập mờ và cũng là khó hiểu ở đây là theo chính phía Công ty Mai Sơn đề xuất lên các cơ quan chức năng (ngày 20/7/2016) nói rằng: “Nếu các đối tượng không nhận phát rừng, lấn rừng để trồng cây trồng trái phép trên đất của công ty thì đề nghị UBND huyện ra quyết định công nhận toàn bộ diện tích trồng rừng trái phép này là tài sản thuộc sở hữu công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Mai Sơn”.

Rất nhiều cây gỗ to bị đốn hạ không thương tiếc. (Ảnh do người dân cung cấp).

Và ngay sau đó vào ngày 03/08/2016, UBND huyện Lục Nam ra công văn số 112/TB- UBND chấp thuận để công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Mai Sơn quản lý nếu trong 30 ngày kể từ khi có thông báo những ai là chủ sở hữu những cây trồng trên đất lấn chiếm trên. Chỉ trong một thời gian rất ngắn mà có đến 2 văn bản “kẻ tung – người hứng” giữa Doanh nghiệp và UBND huyện Lục Nam. Một câu chuyện logic đến lạ thường… Tiếp đó, phóng viên đã có buổi làm việc với Hạt kiểm lâm Lục Nam. Trước đó, người dân nói về việc đơn vị này buông lỏng quản lý để hàng ngày rất nhiều xe gỗ được “hiên ngang” chở gỗ ra khỏi rừng mà không vấp phải sự cản trở nào từ phía cơ quan chức năng.

Ông Phạm Bằng Giang, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Lục Nam né tránh trách nhiệm bằng cách: “Do lực lượng chỉ có 19 người nên không thể hỗ trợ thường xuyên cho công ty (công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Mai Sơn) chỉ khi nào có điểm nóng thì sẽ tăng cường vào. Còn đâu chúng tôi sẽ giao cho công ty quản lý”. Ông Giang cũng nói thêm: “Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không có cơ quan nào dám cấp phép cho khai thác rừng tự nhiên, kể cả các hoạt động khai thác rừng. Tỉnh ủy đã ra chỉ thị nghiêm cấm cấp phép cải tạo rừng và các hoạt động khai thác là không được cho phép…”.

Được biết trước đó liên quan đến việc đốt, chặt phá rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ông Dương Xuân Bánh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã thay mặt tập thể lãnh đạo chi cục nhận hình thức nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nhưng đến nay sự việc vẫn diễn ra bình thường. Để làm sáng tỏ việc rừng hàng ngày vẫn “chảy máu”. Chúng tôi đã làm việc với ông Đặng Văn Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam. Vị lãnh đạo này cho biết: “Đã nắm được thông tin trên địa bàn và cũng đã chỉ đạo các đơn vị giải quyết dứt điểm vấn đề trên…”!? Nhưng cho đến nay rừng thì vẫn bị chặt, phá, đốt rừng khiến kiệt quệ tài nguyên.

Khi câu chuyện đến đây chắc hẳn quý độc giả sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi: Phải chăng các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, hay tiếp tay cho lâm tặc trong vụ việc này? Phải chăng huyện Lục Nam đang đi ngược lại với chỉ thị của tỉnh Bắc Giang hay có sự bắt tay giữa các cấp chính quyền với Công ty Mai Sơn?

Nhóm phóng viên điều tra/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/bac-giang-mau-va-nuoc-mat-cua-rung-van-chay-noi-dai-ngan-p46013.html