Bắc Cạn, phong trào thi đua ngày càng hiệu quả, thiết thực

ND - Thấm nhuần lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác Hồ, hơn 60 năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và phát huy truyền thống cách mạng, phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Cạn đã thật sự là động lực để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trong các giai đoạn lịch sử.

Bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào thi đua yêu nước lại được tỉnh Bắc Cạn phát huy cả trên bề rộng và chiều sâu. Trong bộn bề các công việc cần kíp phải giải quyết khi tái thành lập tỉnh năm 1997 là củng cố hệ thống chính trị, xây dựng kết cấu hạ tầng vốn yếu kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỉnh còn phải lo cái ăn hằng ngày cho nhân dân đang bị thiếu đói ở nhiều nơi. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự trông chờ ỷ lại, tập quán canh tác lạc hậu, chỉ sản xuất một vụ trong năm, hệ số sử dụng đất chỉ đạt 1,1 lần. Khắc phục vấn đề này, tỉnh đã phát động toàn dân thực hiện phong trào khai thác đất một vụ, đẩy nhanh tiến độ chuyển giao kỹ thuật, đưa vào sử dụng các giống lúa, ngô mới có năng suất cao thay thế giống cũ, có chính sách khuyến khích mỗi gia đình, khu dân cư, làng xã khi khai thác được một ha đất một vụ lên canh tác hai vụ trong năm thì sẽ được thưởng 200 nghìn đồng. Vì vậy, đã khơi dậy phong trào thi đua sôi nổi, nhà nhà thi đua với nhau, địa phương này thi đua với địa phương khác, làm cho nội lực dồi dào tiềm ẩn bấy lâu được phát huy cao độ, rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 1997 toàn tỉnh chỉ có khoảng 16 nghìn ha lúa, đến nay tăng lên 21 nghìn ha lúa, diện tích ngô tăng từ hai nghìn ha lên mười nghìn ha, hệ số sử dụng đất tăng lên 1,9 lần; năng suất lúa bình quân tăng từ 32 tạ/ha lên 45 tạ/ha, ngô tăng từ 23 tạ lên 35 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực tăng từ 70 nghìn tấn lên 152 nghìn tấn, đưa bình quân lương thực tăng từ 270 kg/người lên 520 kg/người. Vài năm trở lại đây, không những đã giải quyết được vấn đề an ninh lương thực mà nông dân còn có lúa gạo để làm hàng hóa. Những năm gần đây, tỉnh cũng phát động phong trào thi đua để nông dân nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi mà địa phương có tiềm năng, lợi thế. Các loại cây ăn quả như: cam, quýt trước đây chỉ có ở xã Quang Thuận (Bạch Thông) với diện tích vài chục ha, năng suất, chất lượng bấp bênh, nhưng từ khi tỉnh lai ghép thành công giống cam, quýt địa phương để giữ hương vị đặc trưng, hỗ trợ kinh phí, giống, kỹ thuật, bảo quản sau thu hoạch thì không những diện tích loại cây đặc sản này đã nhanh chóng phát triển lên 500 ha mà năng suất, chất lượng cũng tăng lên theo hướng bền vững. Nhờ đó, hộ nghèo ở xã Quang Thuận giảm xuống chỉ còn 11%. Thành công ở Quang Thuận, việc trồng cam, quýt lan rộng ra xã Dương Phong, dọc sông Cầu lên các xã phía đông huyện Chợ Đồn sang cả huyện Ba Bể vì sản phẩm đã có đầu ra. Mô hình trồng hồng không hạt, cây công nghiệp ngắn ngày, chè shan tuyết đặc sản ở một vài xã thuộc huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Chợ Mới được thử nghiệm thành công và nhờ có chính sách hỗ trợ, phong trào thi đua sâu rộng của nông dân nên các loại cây đặc sản này đã phát triển từ tự cung tự cấp thành vùng sản xuất hàng hóa. Chăn nuôi trâu, bò cũng có khởi sắc khi mỗi năm tỉnh xuất bán khoảng 25 nghìn con về các tỉnh, thành miền xuôi. Phong trào thi đua đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng đang gặt hái được những kết quả khả quan, đáng khích lệ. Toàn tỉnh đã có gần 3.000 ha, chiếm hơn 20% diện tích đất sản xuất đạt giá trị từ 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất lâm nghiệp cũng có nhiều khởi sắc, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới được năm nghìn ha rừng, trong đó có gần một nghìn ha do dân tự đầu tư vốn trồng. Nhờ đó, so năm 2005, đến nay thu nhập bình quân đạt 9,6 triệu đồng/người, tăng 2,7 lần, tỷ lệ hộ nghèo từ 50,8% giảm xuống còn 19,8%; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tấm gương vượt khó có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Đó là em Nông Hải Thụy, dân tộc Tày, ở xã Cao Tân (Pác Nặm) gia đình rất nghèo, bố qua đời từ khi em học lớp tám, nhà cách trường 18 km nên em phải đi ở trọ để theo học, nhưng kỳ thi đại học vừa qua em đã đỗ đại học Công đoàn Hà Nội. Em Đặng Thị Tiệu, người dân tộc Dao, ở xã Bình Trung (Chợ Đồn) có bố bị liệt toàn thân, ba bố con phải sống nương nhờ người anh họ cũng rất nghèo, nhưng 12 năm liền em là học sinh tiên tiến, vừa qua thi đỗ đại học Nông - Lâm Thái Nguyên. Đồng chí Nguyễn Thành Lại ở xã Huyền Tụng (thị xã Bắc Cạn) mỗi tháng vận động nhân dân khu dân cư tiết kiệm được hơn ba trăm kW giờ điện. Đồng chí Triệu Thị Bình, người dân tộc Dao, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn) đã làm sáng lên tinh thần tương thân tương ái khi đã tổ chức và duy trì "hũ gạo tình thương" để giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo, đơn thân, tàn tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp xuất hiện từ các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh. Thực tế, phong trào thi đua trong tỉnh không những là động lực để vượt khó, mà còn khơi dậy nội lực, góp phần tích cực củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ ba, năm 2010 này là cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng để đúc kết phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong xã hội. Đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm để đề ra mục tiêu, giải pháp đưa phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mới, trở thành động lực hoàn thành mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra đến năm 2015 là: Khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Trung ương để tổng sản phẩm của tỉnh tăng hơn hai lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng, tăng hơn hai lần so với năm 2010, đưa Bắc Cạn thoát khỏi tình trạng là một tỉnh kém phát triển. Do vậy, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự kiên trì, nỗ lực bền bỉ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó giải pháp quan trọng là làm cho phong trào thi đua yêu nước trở thành động lực thực hiện các mục tiêu rất có ý nghĩa đó. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, căn cứ vào tình hình thực tiễn để tạo dựng và phát triển phong trào thi đua mới, hấp dẫn, hiệu quả, có mục tiêu, thời gian rõ ràng, gắn phong trào thi đua với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" để phát huy nội lực của toàn dân, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, sẽ làm tốt công tác khen thưởng sao cho đúng người, đúng việc một cách dân chủ, minh bạch, kịp thời nhằm tôn vinh cá nhân điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo xuất hiện từ các phong trào thi đua để cổ vũ phong trào phát triển mạnh mẽ, liên tục, sôi nổi, ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, hiệu quả thiết thực ở các cấp, các ngành, trên mọi lĩnh vực và trở thành sự tự giác của mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hoàng Ngọc Đường Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh Bắc Cạn

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184355&sub=130&top=37