Bắc Cạn gặp khó khi xây dựng nông thôn mới

Đến nay Bắc Cạn là tỉnh duy nhất trong cả nước chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Nguyên nhân quá trình xây dựng NTM tại đây gặp nhiều khó khăn là do dân số ít, cư trú phân tán, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nguồn lực rất hạn chế. Tỉnh đang có những giải pháp để xây dựng NTM theo đặc thù của mình.

Tỉnh Bắc Cạn tập trung chỉ đạo, đầu tư vốn để xây dựng các công trình hạ tầng, phấn đấu đưa xã Quân Bình, huyện Bạch Thông trở thành xã NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2015, tuy nhiên đến nay Quân Bình mới đạt được 18 tiêu chí. Cấp ủy, chính quyền địa phương đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thành tiêu chí về môi trường để cuối năm nay đưa Quân Bình sẽ trở thành xã NTM.

Thời gian vừa qua, cấp ủy và chính quyền địa phương đã chỉ đạo, vận động nhân dân xã Quân Bình phát huy cao độ nội lực, phát huy tiềm năng đất đai, phát triển chăn nuôi lợn để tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từ đó nhân dân có điều kiện đóng góp xây dựng các công trình công cộng ở thôn, xóm. Tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng cho xã.

Chủ tịch UBND xã Quân Bình Đàm Mạnh Cường cho biết: Đối với tiêu chí về môi trường, chúng tôi đang chỉ đạo các gia đình xây dựng công trình vệ sinh, đưa chuồng nuôi gia súc ra xa nhà, xử lý môi trường ở các trang trại, hộ chăn nuôi lớn, quy hoạch nghĩa trang, thu gom rác, vệ sinh môi trường nông thôn. Chúng tôi xác định xây dựng về lâu dài tập trung củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm tốt việc cung ứng vật tư nông nghiệp, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng thu nhập cho nhân dân.

Bên cạnh Quân Bình, năm 2016 tỉnh Bắc Cạn còn chọn ba xã khác làm điểm xây dựng NTM. Tuy nhiên, đến nay các xã này mới chỉ đạt từ 13 đến 16 tiêu chí, khả năng rất khó “về đích” trong năm nay. Khó khăn lớn nhất của các xã này, là đội ngũ cán bộ xã chưa đạt chuẩn, hạ tầng kinh tế- xã hội thiếu, tiêu chí về môi trường rất khó thực hiện, nguồn lực đầu tư của hạn chế, trong khi nguồn lực huy động trong nhân dân cũng hạn chế, thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Các xã khác trên địa bàn tỉnh, đến nay đều chỉ đạt dưới mười tiêu chí về NTM.

Bên cạnh những khó khăn nội tại, một số tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, như rất nhiều thôn, bản ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có có từ 20 đến 25 hộ, nhu cầu làm nhà văn hóa từ 50 đến 70 chỗ ngồi là đủ, nhưng làm như vậy thì không đáp ứng tiêu chí về văn hóa, mà làm đúng tiêu chí thì sẽ rất lãng phí, không cần thiết.

Hoặc như tiêu chí về đường giao thông yêu cầu phải rộng ba mét thì sẽ không bao giờ thực hiện được, vì dân cư thưa thớt, từ trung tâm xã đến các thôn, bản dài hàng chục km, địa hình đồi núi, sông suối, nhiều nơi là núi đá, phải phá núi, mở đường sẽ cần kinh phí rất lớn, trong khi kinh phí không có.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi, dân cư thưa thớt, cư trú phân tán, nguồn lực hạn chế, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Bắc Cạn không “chạy theo” xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mà chú trọng xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, bằng cách tập trung đào tạo nghề để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Tỉnh có chính sách tập trung phát triển một số cây trồng đặc hữu, có thương hiệu như cam, quýt, hồng không hạt, miến dong... thành hàng hóa; xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông- lâm sản; giữ gìn an ninh nông thôn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31283302-bac-can-gap-kho-khi-xay-dung-nong-thon-moi.html