Ba vấn đề chiến lược cần giải quyết

Quanh những vướng mắc và thách thức đang đặt ra đối với việc hiện thực hóa chủ trương Thí điểm thuê CEO điều hành bệnh viện công, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tuấn, một chuyên gia độc lập, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng.

- Thưa ông, chủ trương thí điểm thuê CEO bệnh viện của Bộ Y tế đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình song bên cạnh đó nhiều ý kiến lo ngại về nguồn lực để tìm kiếm đội ngũ CEO, ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, lãnh đạo Bộ Y tế khi chủ trương thí điểm thuê CEO cho vị trí giám đốc bệnh viện công là đang cụ thể hóa vấn đề nhân sự trong triển khai chính sách “tự chủ bệnh viện công” và “hợp tác công- tư” trong cung cấp dịch vụ y tế hướng đến mục tiêu bệnh viện công vận hành theo mô hình “doanh nghiệp”. Mặc dù cách làm này nhiều nước đã làm với các mức độ khác nhau, với ta đây là hoàn toàn mới. Quan điểm của tôi, muốn thí điểm CEO đưa vào hệ thống quản lý bệnh viện công thuận lợi, phải giải quyết căn bản ba vấn đề chiến lược đi trước. Trước hết, tạo hành lang pháp lý cho sự tồn tại bình đẳng của ba chủ thể cung cấp dịch vụ y tế trong nền kinh tế thị trường: Công, tư, nhân đạo/ phi lợi nhuận, trong đó làm rõ sứ mệnh của y tế công và phi lợi nhuận, để tránh tình trạng “công - tư lẫn lộn”. Tiếp đó là, xây dựng được gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả, với tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, đi kèm thực hiện tính giá khách quan, khoa học cho gói dịch vụ y tế cơ bản này. Gói dịch vụ cơ bản sẽ là nền tảng để y tế công vận hành, thiết lập mặt bằng chất lượng cơ bản, tối thiểu phải đạt cho phần dịch vụ y tế vì mục tiêu an sinh xã hội, mà bất cứ chủ thể nào khi tham gia cung cấp dịch vụ y tế cũng phải tuân thủ, và đó cũng là cơ sở để thực hiện quản lý theo mục tiêu chất lượng, công bằng, hiệu quả trên toàn hệ thống y tế. Mặt khác, phải thiết lập xong căn bản hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ y tế độc lập với hệ thống cung cấp dịch vụ y tế và dịch vụ bảo hiểm. Bởi nếu không có đánh giá độc lập, không có hành lang pháp lý hợp lý sẽ không thực hiện được việc minh bạch hóa và giải trình trách nhiệm khi xảy ra các xung đột giữa bệnh nhân và cơ sở y tế, cơ sở bảo hiểm y tế, khi đó khó có thể đạt được sự giải quyết xung đột trên cơ sở cân bằng lợi ích các bên, và rộng ra không thể có sự minh bạch giữa giá cả và chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

- Do môi trường bệnh viện khá khác với môi trường doanh nghiệp, theo ông, nguồn lực CEO từ đâu là phù hợp, và việc đào tạo CEO nên được tiến hành ra sao, lộ trình từng bước cụ thể như thế nào để thu được hiệu quả cao nhất?

- Về nguồn lực của đội ngũ CEO, đây thật sự là một thách thức, bởi hệ thống đào tạo hiện hành chưa đủ khả năng tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thực tế, trong khi nguồn CEO từ ngoài nước khó phù hợp, nói đúng ra là không hiệu quả. Có rất nhiều lý do, bao gồm cả yếu tố văn hóa. Vì thế, chủ trương đưa CEO vào quản lý bệnh viện công, phải bắt đầu giải bài toán tổ chức lại chương trình đào tạo trong nước, loại hình thạc sĩ quản lý bệnh viện, có thể phải làm mới hoàn toàn. Bài toán giảng viên và cơ sở thực hành quản lý bệnh viện là khâu then chốt. Cần có đột phá cải cách ở khu vực này.

Tôi cho rằng, thí điểm chọn CEO không phải là bác sĩ chỉ là mở rộng nguồn tuyển chọn vị trí giám đốc bệnh viện, không nên tuyệt đối chỉ tuyển CEO không phải là bác sĩ bởi thực tế cho thấy CEO xuất thân từ bác sĩ vận hành bệnh viện cân bằng tốt hơn bài toán hiệu quả và đạo đức chuyên môn, tránh được sự quá đà chạy theo lợi nhuận của các CEO gốc kinh doanh đơn thuần. Bởi sứ mệnh của bệnh viện công là bảo đảm “cho một nền y tế vì dân”, chứ không phải đơn thuần “ vì hiệu quả tài chính - lợi nhuận!”, cho chính sự tồn tại của bản thân bệnh viện như bên tư nhân.

- Vậy thì thước đo nào sẽ đánh giá hiệu quả quản lý của đội ngũ CEO tại bệnh viện?

- Bộ Y tế đã đưa vào thực hành tiêu chí đánh giá các bệnh viện với 83 tiêu chí. Bên cạnh đó, khi đi vào tự chủ, rõ ràng sự minh bạch và cân bằng thu chi để cân bằng lợi ích của cả ba bên: Nhà nước (không đánh mất đi chức năng của bệnh viện công)- Bệnh viện (sự tồn tại của bản thân)- hiệu quả trên người bệnh và cộng đồng dân nghèo (chức năng của bệnh viện công), sẽ là thước đo hiệu quả của CEO. Khi đã có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể công-tư-phi lợi nhuận được pháp lý bảo vệ, thì khả năng giữ được đội ngũ y bác sĩ chuyên môn có tay nghề cho bệnh viện cũng là một tiêu chí đánh giá thành công.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/31307902-ba-van-de-chien-luoc-can-giai-quyet.html