Ba ông lớn ngân hàng 'chật vật' với phương án tái cơ cấu

Một vấn đề trọng yếu trong phương án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội thông qua, đó là áp dụng Basel II. Để đáp ứng các chỉ tiêu khắt khe của Basel II, 3 “ông lớn” ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, BIDV sẽ phải “chật vật” chạy đua với thời gian để nâng vốn và đây là mục tiêu không hề dễ dàng.

Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thông qua một loạt quyết định về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020với trọng tâm là xử lý nợ xấu và áp dụ Basel II.

Điểm đáng lưu ý là Chính phủ sẽ không sử dụng ngân sách để bổ sung vốn cho các ngân hàng quốc doanh và có ít nhất 12-15 NHTM sẽ áp dụng Basel II (ở mức độ tiêu chuẩn hoặc cao hơn) trước 2019.

Khó tăng trưởng nếu không tăng được vốn

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 9.2016, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR) của toàn hệ thống ngân hàng là 12,73%, trong đó NHTM quốc doanh là 9,48%, còn NHTM cổ phần là 12,10%.

Tác động của Basel II đối với hệ số CAR của các ngân hàng sẽ tùy thuộc từng ngân hàng cụ thể. Tuy nhiên, với những tiêu chí khắt khe hơn của Basel II, thì hệ số CAR hiện nay (được tính dựa trên Thông tư 36 và 06) sẽ giảm 25-30%.

Hiện hệ số CAR của Vietcombank là 10,8% và có thể tăng lên 12,7% sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ. Nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ chưa nhận được chấp thuận, Vietcombank có thể phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để cải thiện hệ số CAR trước khi Basel II được áp dụng.

Trong khi đó, hệ số CAR tính theo Basel II là trên 7% và có thể tăng lên 9,5% sau khi phát hành riêng lẻ để tăng vốn cấp 1 thành công. Theo quan điểm của Vietcombank, hệ số CAR này đủ để ngân hàng tăng trưởng trong hơn 2 năm nữa trước khi phải tăng vốn tiếp.

Hệ số CAR của Vietinbank hiện ở mức 11,0% nhưng sẽ giảm vào cuối năm nếu ngân hàng không hoàn thành tăng vốn theo kế hoạch. Trong năm nay, Vietinbank đã có kế hoạch tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng thông qua hoàn thành thương vụ sáp nhập với PGBank và không thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt.

Việc áp dụng Basel II sẽ làm thay đổi lớn đến ước tính hệ số CAR của Vietinbank. Do vậy, muộn nhất là đến cuối năm sau, Vietinbank sẽ cần huy động thêm khoảng 5.500 tỷ đồng vốn cấp 1 (tăng 14,7% từ mức hiện tại).

Hệ số CAR của BIDV hiện xấp xỉ 9% và phương án tăng vốn cho ngân hàng hiện khá hạn chế. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức để báo cáo kết quả kinh doanhnăm 2015, BIDV đã được cổ đông phê duyệt 4 phương án tăng vốn: tăng 8,5% vốn chủ sở hữu từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2015; tăng 4,4% vốn chủ sở hữu từ phát hành cổ phiếu thưởng nhờ khoản lãi từ thoái vốn khỏi VID – Public; tăng 8,54% vốn chủ sở hữu từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; tăng 6,2% vốn chủ sở hữu từ phát hành quyền mua với giá không thấp hơn 12.500 đồng/cổ phiếu trong đó NHNN có thể chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho các bên khác.

Dự báo đến cuối năm 2017,BIDV sẽ cần tăng ít nhất 25% vốn cấp 1 để tăng hệ số CAR lên 9,3% (với giả định tổng tài sản tăng trưởng 16-18% trong năm tới). Triển vọng tăng trưởng cho năm tới có thể bị ảnh hưởng đáng kể cho đến khi BIDV triển khai các kế hoạch tăng vốn.

“Cửa hẹp” tăng vốn của 3 ông lớn

Với tác động trên, ba ông lớn ngân hàng quốc doanh đang chịu áp lực tăng vốn trong thời gian tới. Về nhu cầu tăng thêm vốn cấp 1 và vốn cấp 2, ở thời điểm hiện tại Vietcombank là ngân hàng thoải mái nhất vì có nhiều phương án tăng vốn với thời gian không bị hạn hẹp.

Trong khi đó Vietinbank cần phải sớm cải thiện hệ số CAR và sẽ phải tăng vốn cấp 1 nhiều hơn so với vốn cấp 2. Còn BIDV là ngân hàng hệ số CAR thấp nhất và hiện không còn dư địa để nâng vốn cấp 2 nên sẽ ít lựa chọn hơn cả đối với việc tăng vốn.

Điều đáng nói, phương án tăng vốn từ lợi nhuận chưa phân phối không khả thi vì đây được coi là một phần của ngân sách. Do vậy Bộ Tài chính đã không đồng ý với quyết định không trả cổ tức của Vietinbank và trả cổ tức bằng cổ phiếu của BIDV với tỷ lệ 8,5% cho năm 2015. BIDV cuối cùng đã phải trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 8,5%. Theo đó tỷ lệ lợi nhuận trước thuế dùng để trả cổ tức của BIDV cho 2015 là 49,7%.

Một giải pháp nữa để tăng vốn cấp 1, đó là giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại BIDV là 95,28%; Vietcombank là 77,1% và Vietinbank là 64,46%.

Với room hiện đã đầy ở gần 30% và tỷ lệ sở hữu nhà nước ở 64,46%, Vietinbank sẽ không thể phát hành thêm cho nhà đầu tưcả trong và ngoài nước trừ khi Nhà nước cho phép nới các giới hạn này.

Trường hợp của BIDV, room dành cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhưng ngân hàng lại gặp khó khăn khi tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong vài năm qua.

Với Vietcombank, phương án phát hành 10% vốn cấp 1 cho GIC vẫn chưa nhận được chấp thuận cuối cùng. Sự trì hoãn kéo dài cho thấy việc phát hành vốn cấp 1 và xin chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp của các NHTM quốc doanh là không hề dễ.

Một giải pháp khác là nâng vốn cấp 2. Vietcombank hiện có tỷ lệ vốn cấp 2/vốn cấp 1 là 24% và Vietinbank có tỷ lệ vốn cấp 2/vốn cấp 1 là 38%. Do vậy 2 ngân hàng này vẫn còn dư địa để tăng vốn cấp 2 và phương án có thể sử dụng trong trung ngắn hạn. Tuy nhiên tỷ lệ vốn cấp 2/vốn cấp 1 của BIDV đã chạm đến mức tối đa theo quy định là 50% nên hiện không thể phát hành trái phiếu nâng vốn cấp 2.

Nếu không nâng vốn, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank và BIDV có thể sẽ bị hạn chế đáng kể trong nửa đầu 2017 cho đến khi các ngân hàng này có thể tăng vốn thành công. Tại thời điểm tháng 9.2016, thị phần cho vay của Vietinbank là 12.10% và BIDV là 12,86%.

Riêng BIDV, với 4 phương án tăng vốn được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, có vẻ như BIDV chỉ có thể thực hiện phương án tăng vốn cuối cùng. Tuy nhiên,do thời gian eo hẹp và thủ tục giấy tờ phức tạp để phát hành quyền mua, BIDV có thể không thể hoàn tất kế hoạch này trong năm 2016.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/ba-ong-lon-ngan-hang-chat-vat-voi-phuong-an-tai-co-cau-726613.html