Ba nghi ngờ quanh vụ Triều Tiên phóng vệ tinh thất bại

(Toquoc)-Một vụ phóng vệ tinh gây sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế với số tiền bỏ ra nuôi gần đủ cả nước Triều Tiên trong một năm vì sao lại có thể cáo chung bằng thất bại đơn giản như vậy?

Tờ Đại Công báo của Hong Kong bình luận về vụ phóng vệ tinh thất bại của CHDCND Triều Tiên hôm 13/4 với ít nhất ba nghi ngờ lớn: một là về thời gian phóng vệ tinh; hai là việc tên lửa đẩy đã nổ tung sau khi rời bệ phóng khoảng 1 phút; thứ ba là một vụ phóng gây sự chú ý đặc biệt của cộng đồng thế giới, vậy làm sao có thể cáo chung bằng thất bại đơn giản như vậy?

Theo báo trên, trước hết, việc Bắc Triều Tiên lựa chọn thời điểm 7 giờ sáng để phóng vệ tinh, chứ không phải theo như thông lệ của thế giới là vào 11 giờ khi bầu trời sáng rõ, dường như cho thấy Bắc Triều Tiên muốn “tự hủy” (vệ tinh) hoặc có thể muốn che đậy điều gì. Nhà bình luận quân sự Lý Vĩ chỉ ra rằng trước khi phóng vệ tinh, các chuyên gia tên lửa của Bắc Triều Tiên từng nhiều lần nhấn mạnh trên tên lửa đẩy để phóng vệ tinh lần này có trang bị hệ thống tự phá hủy, động thái này là một ám thị rằng có khả năng tên lửa đẩy sẽ tự phá hủy. Việc Bắc Triều Tiên cố ý lựa chọn thời điểm sáng sớm với điều kiện quan sát kém để phóng vệ tinh có thể là nhằm mục đích sau khi tên lửa đẩy tự phá hủy, Bình Nhưỡng còn có điều gì đó để nói với cộng đồng quốc tế.

Trước đó, Bắc Triều Tiên một mực nói rằng đây là một vụ phóng vệ tinh, trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khăng khăng cho là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, một hành động vi phạm nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc Bắc Triều Tiên không được phép phóng thử tên lửa tầm xa. Vụ phóng vệ tinh lần này của Bắc Triều Tiên đã thất bại, song tranh cãi của cộng đồng quốc tế về thực chất của vụ phóng này sẽ không vì sự thất bại của nó mà kết thúc, có thể nói là bây giờ mới bắt đầu. Thất bại quá sớm này sẽ có lợi cho Bắc Triều Tiên bởi nó đã không cho thế giới biết thêm nhiều về thực chất của vụ phóng này.

Về bề ngoài, Bắc Triều Tiên dường như chỉ có thể ngồi chờ phán quyết, song một số phân tích chỉ ra rằng tuy Bắc Triều Tiên lần này phóng vệ tinh thất bại, song nước này vẫn có lựa chọn như trước đây, đó là nếu cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt quân sự, Bắc Triều Tiên có thể lập tức chuyển sang nghiên cứu thử nghiệm hạt nhân. Nếu cộng đồng quốc tế lần này chủ yếu chỉ là chỉ trích, Bắc Triều Tiên vẫn còn cơ hội trở lại đàm phán sáu bên để tiến hành đối thoại, thương lượng.

Thứ hai, vệ tinh phóng lên được khoảng 1 phút thì tên lửa đẩy đã phát nổ, điều này cho thấy nguyên nhân vụ nổ chủ yếu là do nhân tố con người. Các nước trên thế giới đang tập trung dõi theo vụ việc. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc còn sử dụng hệ thống theo dõi tiên tiến nhất để tiến hành quan trắc hành trình bay của tên lửa. Do đó, nhiều khả năng Bắc Triều Tiên cho tên lửa tự phá hủy để các nước khác không lưu lại được tham số hành trình bay của tên lửa.

Cuối cùng, vụ phóng vệ tinh thất bại trên thực tế cũng là một thắng lợi lớn về mặt chính trị của Bắc Triều Tiên bởi vì vụ phóng thất bại quá sớm đã tránh được việc bị Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bắn chặn, đồng thời cũng thể hiện được tư thế "hiên ngang" của Bắc Triều Tiên, đó là bất chấp 3 nước này phản đối và đe dọa, Bình Nhưỡng vẫn làm những gì mà nước này cần làm, cấm vận và đe dọa của các nước không hề có tác dụng đối với Bắc Triều Tiên.

Kim Jong-ul đã được bầu giữ ba chức vụ cao nhất trong đảng, chính quyền và quân đội Triều Tiên: Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng lao động Triều Tiên, chủ tịch Quân Ủy Trung ương của Đảng và Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên. Điều này có nghĩa là vị trí người lãnh đạo của Kim Jong-ul về cơ bản đã được củng cố, “thời đại Kim Jong-ul” của Bắc Triều Tiên đã đến, đây có thể mới là ý nghĩa thực sự của vụ phóng vệ tinh. Xét từ góc độ này, vụ phóng vệ tinh đã thành công, đây mới đúng bản chất của Bắc Triều Tiên./.

PV (Theo báo nước ngoài)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/8/o-cua-chau-a/103156/ba-nghi-ngo-quanh-vu-trieu-tien-phong-ve-tinh-that-bai.aspx