Bà Merkel gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Nga thế nào?

Lo sợ chính sách đối ngoại và nỗ lực tranh cử thất bại, Thủ tướng Merkel đã thực hiện nhiều biện pháp tác động lên thái độ của Mỹ với Nga.

Thủ tướng Đức Merkel

Tờ Bloomberg mới đây đưa tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nỗ lực rất nhiều để Mỹ có lập trường cứng rắn hơn đối với Nga.

Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần bóng gió về khả năng loại bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga,vốn được áp đặt sau khi Moscow sát nhập bán đảo Crimea. Hãng tin Bloomberg nhận định rằng động thái này của nhà lãnh đạo Mỹ có thể làm mất đi đòn bẩy của phương Tây đối với Nga, còn đối với bà Merkel điều đó có nghĩa là chính sách của bà đã thất bại và kéo theo cơ hội của bà trong cuộc bầu cử Đức năm nay sẽ khép lại.

Tờ Bloomberg dẫn nguồn tin thông thạo chính sách đối ngoại của Đức cho hay, chính vì lý do trên mà Đức đã có nhiều nỗ lực đáng kể để thuyết phục ông Trump nhằm hỗ trợ NATO và duy trì các biện pháp trừng phạt Nga. Nguồn tin này tiết lộ, bà Merkel không chỉ bày tỏ quan điểm với ông Trump mà còn nỗ lực lôi kéo thêm các đồng minh châu Âu của mình.

Tác giả bài báo tin rằng có khả năng chính sách cứng rắn của chính quyền Mỹ đối với Nga gần đây là do ảnh hưởng của bà Merkel. Vì thế mà hôm 7/2 trên trang Twitter ông Trump đã cho thấy thái độ không thân mật với ông Putin, còn hôm 15/2 ông lại tự vấn rằng liệu mình có quá khoan dung đối với Moscow khi mà Nga đã "lấy" mất Crimea của Ukraine dưới thời ông Obama.

Tại Hội nghị An ninh Munich, các quan chức EU đã nhận được sự đảm bảo từ chính quyền mới của Mỹ rằng nước này sẽ không thay đổi lập trường đối với thỏa thuận Minsk, dù cho vấn đề quan điểm của ông Trump đối với Nga vẫn chưa rõ ràng.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố, Nga nên "chịu trách nhiệm" cho hành động của mình ở Ukraine. Sau cuộc gặp với bà Merkel bên lề hội nghị An ninh, ông Pence đã cảm ơn bà Thủ tướng về vai trò lãnh đạo của bà trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine. Bloomberg đi đến kết luận rằng, điều này chứng tỏ rằng các chính sách của bà Merkel đã mang lại lợi ích nhất định.

Mỹ và EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga do liên quan đến vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột ở miền đông Ukraine năm 2014.

Đối với phương Tây thì việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt phải đi kèm với thỏa thuận hòa bình Minsk. Moscow cho rằng lập luận trên là vô lý, bởi Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột hay đối tượng của thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề của Ukraine.

Đức Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ba-merkel-gay-anh-huong-den-chinh-sach-cua-my-doi-voi-nga-the-nao-post221382.info