Ba Lan định đoạt số phận máy bay Nga

Là thành viên NATO, vì vậy Ba Lan đang dần loại bỏ máy bay có nguồn gốc Liên Xô/Nga thay vào đó là chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất.

Thẳng tay loại bỏ

Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết, cơ quan này chuẩn bị khởi động đối thoại kỹ thuật với các nhà sản xuất máy bay chiến đấu nhằm tìm ra gương mặt mới thay thế cho phi đội Mi-24 trong biên chế.

Nguồn tin cho biết, hiện nay có bốn công ty tham gia tranh tài để giành lấy hợp đồng trên, bao gồm Airbus Helicopters (với mẫu trực thăng EC665 Tiger), Bell Helicopter (AH-1Z Cobra), Boeing (AH-64E Apache) và Công ty Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ TAI (T129 ATAK).

Các cuộc đối thoại được dự định sẽ bắt đầu từ ngày 26/10, với mỗi công ty kéo dài một tuần, cho đến 26/11. Dựa trên các tài liệu liên quan được trình bày tại đây, Ba Lan sẽ “chọn mặt gửi vàng” và chốt giá cả cũng như số lượng máy bay đặt hàng.

Tiêm kích MiG-29 của Ba Lan.

Trước khi đưa ra quyết định thay thế này, Không quân Ba Lan cũng có quyết định quan trọng khi cho loại biên 2 chiếc cường kích Su-22M4 với số hiệu N7411 và N8102. Cả hai chiếc chiến đấu cơ này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1985, cùng năm đó chính thức biên chế cho Không quân Ba Lan.

Những chiếc Su-22M4 đã thực hiện an toàn, thành công gần 3.000 lần cất hạ cánh trong suốt 30 năm qua. Cường kích Su-22M4 là biến thể xuất khẩu của mẫu Su-17M4 do Liên Xô sản xuất.

Su-22M4 được nâng cấp mạnh mẽ về hệ thống điện tử hàng không với hệ thống định vị RSDN, hệ thống định vị quán tính, hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE Sirena, la bàn vô tuyến, đặc biệt là hệ thống đo xa laser Klyon-54 (đặt ở đầu mũi).

Dù vẫn sở hữu khả năng cực ấn tượng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, dòng chiến đấu cơ này đang dần bị loại bỏ và thay thế bằng những sản phẩm hiện đại hơn do phương Tây sản xuất.

Theo Tạp chí hàng không Aviationist, Không quân Ba Lan bắt đầu đưa vào trang bị F-16 từ năm 2006 với 48 chiếc được đặt mua. Hiện tại phi đội tiêm kích đa năng F-16 của Không quân Ba Lan tập trung chủ yếu tại hai căn cứ Krzesiny-Poznan và Lask ở miền trung nước này.

Tuy nhiên nền tảng chính của Không quân Ba Lan vẫn dựa trên các dòng máy bay quân sự do Liên Xô chế tạo trước đây điển hình như MiG-29 mặc dù nước này đang nỗ lực loại biên.

Để thay thế cho Su-22M4 và MiG-29, Ba Lan đã tính đến các ứng viên như JAS 39 Gripen, F-35 và mua thêm F-16. Tuy nhiên, mọi phương án mới đang nằm trên giấy và hiện tại, sức mạnh của Không quân Ba Lan phần lớn đều dựa trên sự hỗ trợ của NATO.

Tăng cường mua sắm

Sau khi mua tên lửa hành trình AGM-158, nâng cấp F-16 và mua pháo tự hành K-9, Ba Lan tiếp tục chi 173,5 triệu USD mua tên lửa chống hạm NSM do Na Uy sản xuất.

Theo Jane's Defence Weekly, Bộ quốc phòng Ba Lan và công ty quốc phòng Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy đã đạt được thỏa thuận trị giá khoảng 173,5 triệu USD cho hợp đồng mua sắm các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng thủ bờ biển Navy Strike Missile (NSM) thứ hai cho Quân đội Ba Lan.

Từ năm 2008, Ba Lan đã bắt đầu đàm phán đặt mua các hệ thống tên lửa chống hạm NSM đầu tiên của mình gồm 6 bệ phóng di động cùng với 12 đạn và đã được chuyển giao vào giữa năm 2013.

Tên lửa chống hạm NSM.

Cũng trong năm 2008, Ba Lan cũng đã đặt mua thêm 38 tên lửa NSM và các thiết bị hậu cần có liên quan, nước này cũng là quốc gia đầu tiên được Kongsberg xuất khẩu biến thể trên bờ của NSM. Sau thành công của đơn vị tên lửa phòng thủ bờ biển NSM đầu tiên, Ba Lan đã bắt lên kế hoạch mua thêm các đơn vị tên lửa chống hạm NSM thứ hai.

NSM là viết tắt của cụm từ Naval Strike Missile (tên lửa tấn công hải quân) là một loại tên lửa hành trình chống hạm thế hệ 5 do Kongsberg Defence & Aerospace, Na Uy phát triển. NSM là một sự phát triển kế thừa từ tên lửa chống hạm Penguin. Nó là loại tên lửa chống hạm tấn công chính xác thế hệ 5 duy nhất trên thế giới.

Trước khi ký vào bản hợp đồng tên lửa NSM thứ 2 lần này, Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng đã bạo chi khi quyết định gần như đồng thời mua tên lửa hành trình AGM-158, nâng cấp tiêm kích F-16 và mua 120 pháo tự hành K-9.

Theo Cơ quan quản lý các chương trình mua sắm vũ khí Hàn Quốc (DAPA) cho biết, công ty công nghiệp quốc phòng Samsung Techwin đã nhận được hợp đồng xuất khẩu 120 pháo tự hành K-9 Thần Sấm cho Ba Lan có trị giá 320 triệu USD.

Theo điều khoản trong hợp đồng ký kết, Samsung Techwin sẽ tiến hành sản xuất 24 chiếc K-9 đầu tiên tại Hàn Quốc và bàn giao số pháo tự hành trên trước năm 2018 và 96 chiếc còn lại sẽ được sản xuất tại Ba Lan.

Trước khi đưa ra quyết định mua lô pháo K-9, chính phủ Ba Lan cũng đã dặt bút ký vào bản hợp đồng với Mỹ có trị giá khoảng 250 triệu USD để mua lửa hành trình không - đối - đất (JASSM) AGM-158 cho phi đội gồm 48 chiến đấu cơ F-16.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ba-lan-dinh-doat-so-phan-may-bay-nga-3324139/