Ba giàn cẩu Formosa dạt bờ Quảng Bình: Chốt phương án cuối

Phương án di dời sà lan cùng 3 chiếc cẩu của Formosa bị mắc kẹt tại đảo Hòn La đã được Quảng Bình và các đơn vị liên quan thông qua.

Trục vớt, di dời cẩu trong 2 tuần

Liên quan đến việc một chiếc xà lan lớn chở theo 3 giàn cẩu đặt ở cảng Sơn Dương của Formosa (Hà Tĩnh) đã bị sóng đánh dạt vào gần đảo Hòn La sau cơn bão số 4, chiều 13/10, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình cho biết phương án di dời đã được các bên thông qua.

Theo ông Lương, phía chủ sở hữu tàu người Trung Quốc đã thuê công ty Hải Vân tham gia trục vớt sà lan này khỏi vị trí hiện tại.

“Phía chủ tàu làm việc trước với công ty Hải Vân để lên kế hoạch trục vớt. Sau đó khi làm việc với Quảng Bình, họ trình bày phương án và chúng tôi có góp ý thêm 1 số vấn đề khác. Cảng vụ hàng hải Quảng Bình cũng vừa ra quyết định để trục vớt”, ông Lương khẳng định.

Phương án chi tiết di dời sà lan cùng 3 chiếc cẩu của Formosa bị mắc kẹt tại đảo Hòn La đã được Quảng Bình và các đơn vị liên quan thông qua. Ảnh: SGGP

Về thời gian trục vớt, ông Lương cho biết, các bên đã thống nhất việc di dời sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 2 tuần, bắt đầu từ ngày 12/10 đến hết tháng 10.

Ba giàn cẩu Formosa dạt bờ Quảng Bình: Formosa làm ẩu?

“Chủ tàu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì hàng này chưa thông quan. Đơn vị cứu hộ huy động 4 phương tiện tham gia trục vớt xà lan. Trong đó tàu trục vớt có trọng lượng 4500 tấn, cần cẩu nặng 820 tấn và cao 150 m đủ sức để trục vớt và chứa 3 cẩu bị trôi dạt. Sau khi vớt xong phía công ty Hải Vân sẽ chở về hãng sản xuất ở Trung Quốc sửa chữa, phục hồi rồi chuyển lại Formosa. Đặc biệt, tôi yêu cầu phải có hoa tiêu của Việt Nam dẫn đường.

Chiếc sà lan còn lại sẽ hút nước ra, làm nổi lên và kéo về phía Formosa chứ không nằm ở địa phận tỉnh Quảng Bình”, ông Lương thông tin chi tiết.

Lai dắt phải đảm bảo an toàn

Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Bình cũng khẳng định, trong buổi làm việc, các cơ quan chức năng cũng có những lưu ý đối với phía chủ tàu Trung Quốc và công ty Hải Vân trong quá trình lai dắt con tàu về xưởng sửa chữa.

“Dù họ lên 1 phương án khá chi tiết tuy nhiên chúng tôi vẫn đưa ra 3 chú ý. Thứ nhất là phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trong quá trình di chuyển. Thứ hai lực lượng biên phòng và công an có trách nhiệm thông báo cho các chủ tàu của địa phương biết để khi gặp sự cố gì thì kịp thời thông báo. Thứ ba là có hệ thống phao để lỡ có sự cố dầu tràn thì quay lại để hút. Còn trong xà lan hiện nay hút hết dầu rồi.

Rất may nơi giàn cẩu bị đánh dạt vào khu vực đảo La là bãi cạn, không có tàu thuyền qua lại nên chưa ảnh hưởng gì cả. Dầu vẫn nằm trong xà lan chứ chưa trôi dạt ra biển”, ông Lương nói.

Từ trường hợp này, ông Lương cũng lưu ý, Formosa cần có những phương án hợp lý trong việc neo đậu, gia cố xà lan và các giàn cẩu.

“Trong điều kiện thời tiết bình thường thì chỉ cần 1 tàu có thể lai dắt được chiếc xà lan với 3 giàn cẩu. Tuy nhiên khi bão xảy ra, gió to quá, ở gần bờ cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 nhưng ngoài biển giật cấp 9, cấp 10 thì phải có 2-3 chiếc mới đảm bảo an toàn được”, ông Lương nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ba-gian-cau-formosa-dat-bo-quang-binh-chot-phuong-an-cuoi-3320760/