Ba giải pháp giúp giải phóng mặt bằng cho dự án: Liệu có khả thi?

(NDH) Giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là vấn đề vướng lớn nhất để đẩy nhanh tiến độ những công trình trọng điểm hiện nay. Tuy nhiên, muốn công tác giải quyết mặt bằng được trơ tru cần một giải pháp đồng bộ từ kế hoạch, kỹ thuật...

Ông Trương Quang Thiều

Cả nước hiện có 26 công trình, dự án giao thông trọng điểm với tổng kinh phí đầu tư khoảng 576.484 tỷ đồng. Đến nay đã có 7 dự án bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng, 19 công trình đang trong giai đoạn thực hiện, chuẩn bị hoàn thành, khởi công và đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, một trong những điểm nghẽn lớn nhất là việc giải phóng mặt bằng.

Để tháo gỡ nút thắt này, tại buổi Tọa đàm về tiến độ và chất lượng công trình giao thông sáng 12/10, ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo Giải phóng Mặt bằng Thành phố Hà Nội cho rằng, việc thực hiện công tác GPMB cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề.

Khu tái định cư phải làm trước một bước khi GPMB

Về tái định cư, theo ông Thiều cho rằng, đây là một vấn đề quan trọng bậc nhất trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với những hộ phải di chuyển đến chỗ ở mới.

Khu tái định cư phải làm trước một bước nhưng trên thực tế thời gian lên phương án xác định số lượng hộ dân phải di chuyển, xác định vị trí tái định cư, triển khai các quy trình xây dựng khu tái định cư thường chậm.

Trong khi, khu tái định cư đã lựa chọn vẫn có thể chưa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân như xa vị trí họ đang ở, không thuận lợi cho quá trình tổ chức cuộc sống sau này.

Kỹ thuật di chuyển hạ tầng kỹ thuật khiến GPMB bị kéo dài

Ông Thiều cho rằng, khi phải di chuyển một công trình hạ tầng kỹ thuật phải mất nhiều giai đoạn như khảo sát, lên phương án, thẩm định, phê duyệt.

Do đó, những hạng mục quá trình đó cũng ảnh hưởng đến thời gian giải phóng mặt bằng cho tổ chức thi công và bàn giao cho chủ đầu tư.

Một vướng mắc nữa trong việc GPMB là tổ chức thực hiện giải pháp kỹ thuật, cắm mốc, xử lý bàn giao cho địa phương trong qua trình tổ chức giải phóng mặt bằng.

Khi chủ đầu tư bàn giao lại cho địa phương để xử lý kỹ thuật trong các dự án, mốc có thể phải điều chỉnh, cắm lại nên cũng bị chậm. Tiếp đó, địa phương phải điều tra, kiểm định, lên phương án, xác định nguồn gốc hồ sơ, xác định quá trình tái định cư, cả quá trình đó hết sức khó khăn.

Xử lý linh hoạt các nguồn vốn trong quá trình giải phóng mặt bằng

Ở đây nguồn vốn trong giải phóng mặt bằng được lập vào tổng mức đầu tư trong dự án. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư đó thường chưa chính xác. Thêm nữa, khi người dân đồng thuận thì có lúc nguồn vốn có nhưng chưa giải ngân được.

Ông Thiều đưa ra ví dụ, đường nối cầu Nhật Tân-Nội Bài, cuối năm 2012, Bộ GTVT đã chuyển 500 tỷ đồng cho địa phương nhưng lúc đó các phương án tái định cư cơ bản chưa xong nên chưa thể giải ngân được nguồn vốn này.

Nhưng đến giữa và cuối năm 2013 này thì khi dân đã đồng thuận, điều kiện chúng ta đủ và xử lý được những vấn đề vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì nguồn vốn lại thiếu. Do đó, phải xử lý linh hoạt các nguồn vốn sao cho phù hợp.

Về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhận định, chính sách giải phóng mặt bằng hiện nay của chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện khác nhau trong các vùng miền, chưa bao quát được hết nên việc không chấp nhận, không bằng lòng của người dân xảy ra khá lớn.

Thứ trưởng cho biết, Bộ đang tìm các giải pháp cùng chính quyền địa phương, đặc biệt xung quanh vấn đề đền bù, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ việc làm trên tinh thần bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Huyền Thương - NDH

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ba-giai-phap-giup-giai-phong-mat-bang-cho-du-an-lieu-co-kha-thi--20131112030715618p148c173.news