'Bà đỡ' của mô hình Tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên biển

Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị đã và đang giữ vai trò là “bà đỡ” trong việc hỗ trợ những Tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên biển tại địa bàn để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương.

Cảng Cửa Việt là nơi tập trung nhiều tàu thuyền nhất của tỉnh Quảng Trị. Với mong muốn hỗ trợ người dân an toàn đánh bắt trên biển cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt đã tham mưu cho chính quyền địa phương vận động người dân thành lập các “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên biển".

Từ năm 2006 đến nay Đồn biên phòng Cảng Cửa Việt đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập được 9 tổ gồm 297 tàu thuyền với sự tham gia của 652 thành viên chuyên đi biển ở các xã Trung Giang, Gio Hải và Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Hoạt động này giúp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự tại bến tàu cũng như giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Ông Bùi Đình Thủy, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên biển xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết: "Được thành lập từ đầu năm 2016, đến nay tổ tự quản của chúng tôi hoạt động rất hiệu quả trong việc đoàn kết đánh bắt cũng như bảo vệ nhau trong những chuyến khơi xa.

Hàng ngày, chúng tôi vẫn luôn cập nhật thông tin liên tục thông qua bộ đàm từ các chiến sỹ Đồn biên phòng để có phương án xử lý trong mọi tình huống. Đặc biệt, khi có sự việc đột xuất xảy ra, các tổ đều tích cực phối hợp với lực lượng biên phòng để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn".

Các thành viên trong tổ luôn nỗ lực góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng, bảo vệ biên giới biển đảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đặc biệt, khi gặp tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển quốc gia, chúng tôi đã kịp thời trao đổi về bờ để các cấp chỉ huy có phương án xử lý…

Sau khi được thành lập, Tổ tự quản tàu thuyền an toàn trên biển đã xây dựng các quy ước, quy chế hoạt động cụ thể, thường xuyên hỗ trợ nhau trong sản xuất, bảo vệ tài sản và nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền vùng biển, đảo.

Đối với các phương tiện làm ăn dài ngày trên biển, ngư dân thường xuyên thông báo tình hình an ninh, trật tự trên biển về đồn thông qua hệ thống thông tin liên lạc trên tàu. Bên cạnh đó, tổ chức phối hợp cứu nạn, cứu hộ người và tàu thuyền trên biển cũng như bảo vệ sản xuất và xử lý các tình huống đột xuất xảy ra trên biển.

Đối với các phương tiện nhỏ, hoạt động chủ yếu ven bờ, theo thời vụ và đi về trong ngày khi về bến neo đậu, thống nhất ở một khu vực, tổ phân công lực lượng trông coi bảo vệ tài sản. Nhờ có sự phân công trách nhiệm để bảo vệ nhau nên mọi người trong tổ yên tâm hơn trong việc đầu tư những con tàu lớn để vươn khơi đánh bắt tại các ngư trường xa như: Trường Sa, Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ…

Hiện nay, trên địa bàn Đồn phụ trách có 116 tàu đánh bắt xa bờ với công suất 300CV trở lên, đặc biệt có 12 tàu sắt đóng mới theo Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ có công suất lớn trên 600CV.

Với sự kết hợp đoàn kết gắn bó lẫn nhau, trong những chuyến đi biển đầu năm vừa qua, có nhiều tầu thuyền trúng lớn như tầu ông Bùi Đình Thủy (khu phố 6, thị trấn Cửa Việt) thu được trên 250 triệu đồng, ông Võ Văn Huỳnh (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) thu được trên 290 triệu đồng… Đây chính là tín hiệu vui cho bà con sau sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng trong năm 2016.

Dù thời gian hoạt động chưa lâu, nhưng rõ ràng những Tổ tự quản an toàn trên biển đã bước đầu phát huy được vai trò của mình trong việc hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho ngư dân nơi dây. Trong năm 2016, các tổ tự quản đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt và chính quyền địa phương cứu hộ, cứu nạn 18 thuyền viên đưa vào bờ an toàn, thông báo hàng chục lượt tàu lạ xâm nhập lãnh hải Việt Nam.

Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt cho biết: "Trong những năm qua, Đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền ngư dân hiểu được Luật biển 1982, Nghị định 71 của Thủ tướng Chính phủ để bà con hiểu được không vi phạm khi ra đánh bắt trên biển.

Bên cạnh đó, chúng tôi vận động bà con giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt xa bờ, cung cấp thông tin khi thấy tàu nước ngoài xâm chiếm ngư trường hoặc có các hoạt động vi phạm chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".

Điều thành công nhất mà mô hình đạt được đến nay chính là mỗi ngư dân tham gia tổ tự quản trên địa bàn đều hiểu rõ pháp luật, ý thức cảnh giác đánh bắt hải sản cũng như bảo vệ tài nguyên môi trường, lãnh hải quốc gia rất cao…

Với phương châm đoàn kết cùng nhau như trong một ngôi nhà, các thành viên trong tổ tự quản tàu thuyền luôn quan tâm, thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Đặc biệt, mỗi khi có sự cố không may xảy ra đối với những thành viên còn lại như: đau ốm, tàu bị hư hại hay chìm do thời tiết, hư hại hay mất mát ngư lưới cụ, máy móc hỏng hóc… các thành viên còn lại của tổ đều tích cực tham gia đóng góp hỗ trợ cả về vật chất lẫn công sức để giúp đỡ những trường hợp rủi ro.

Với những kết quả đó, mô hình “tổ tự quản tàu thuyền an toàn” trên biển đã và đang là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi làm giàu từ biển. Đồng thời, giúp ngư dân nâng cao ý thức tương trợ nhau xử lý, khắc phục những sự cố trên biển và tự quản tàu thuyền, bến bãi, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm.

Đây cũng chính là “tai, mắt” cho lực lượng Bộ đội Biên phòng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trần Tĩnh - Thanh Thủy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/ba-do-cua-mo-hinh-to-tu-quan-tau-thuyen-an-toan-tren-bien-20170225090720973.htm