Bà Clinton và ông Trump sẽ tác động thế nào đến châu Á nếu đắc cử tổng thống?

Châu Á có lẽ đang nín thở theo dõi cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ bởi bất cứ ai trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng sẽ tác động đáng kể đến châu Á cả về kinh tế và địa chính trị, theo báo Asia Times.

Ứng viên tổng thống Cộng hòa Donald Trump (trái) và ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)

Được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới, tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ có tác động lớn đến châu Á. Asia Times đã chỉ ra những tác động đối châu Á cả về kinh tế thương mại cũng như các vấn đề địa chính trị nếu ứng viên Dân chủ Hillary Clinton hay ứng viên Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Về thương mại

Để tận dụng những lợi ích từ tiềm năng phát triển kinh tế của châu Á, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thúc đẩy tự do thương mại với khu vực này.

Tuy nhiên, hiệp định này đang đối mặt với nguy cơ lắng xuống, thậm chí có nguy cơ bị hủy bỏ cho dù bà Clinton hay ông Trump đắc cử.

Bà Clinton kể từ khi giành được đề cử đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống đã thể hiện sự hoài nghi về các hiệp định thương mại, trong đó có TPP mà trước đó bà từng ủng hộ. Ứng viên Trump vốn không ủng hộ các hiệp định thương mại tự do vì cho rằng đó là nguyên nhân khiến người Mỹ mất việc làm. Ngoài ra, trong một nỗ lực nhằm tái cân bằng tình trạng thâm hụt thương mại với châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, ông Trump tuyên bố sẽ tăng các rào cản thương mại đối với các quốc gia có nền sản xuất mang tính cạnh tranh cao, ví dụ tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản.

Hơn nữa, nếu ông Trump đắc cử, căng thẳng liên quan đến cáo buộc “thao túng” tiền tệ giữa Mỹ và châu Á có thể sẽ leo thang bởi tỷ phú New York này cho rằng một số nước nhất định đã thao túng tiền tệ.

Về địa chính trị

Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều cam kết sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc nếu đắc cử. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là chiến thuật phát ngôn nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Theo Asia Times, trong nhiều thập niên qua, gần như tất cả các ứng viên tổng thống Mỹ đều sử dụng lá bài “cứng rắn hơn với Trung Quốc” trong chiến dịch tranh cử của mình, tuy nhiên, khi nhậm chức không tổng thống nào có thể phớt lờ sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc.

Bà Clinton ít nhiều cho thấy sự “cứng rắn” đó khi ủng hộ chiến dịch xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama, ủng hộ quyết định triển khai 60% Hải quân Mỹ ở châu Á trước năm 2020. Ông Miles Yu, giáo sư về lịch sử ngoại giao tại Học Viện Hải Quân Mỹ ở Maryland, cho rằng bà Clinton sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh hơn ông Trump. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc có thể ăn mừng nếu ông Trump đắc cử bởi lẽ, trong khi Bắc Kinh hiểu quá rõ về bà Clinton thì ông Trump với họ vẫn là một ẩn số và Bắc Kinh không thể biết được liệu ông Trump sẽ làm gì nếu đắc cử.

Đối với các đồng minh, nếu như bà Clinton ủng hộ chiến lược xoay trục sang châu Á cũng như tán thành việc ủng hộ hơn nữa cho NATO, ngược lại, ông Trump tuyên bố các đồng minh, trong đó có đồng minh châu Á Hàn Quốc và Nhật Bản phải trả tiền để được Mỹ bảo vệ. Ông Trump từng nói, ông ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình.

Về biến đổi khí hậu - vấn đề quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi châu Á, quan điểm của 2 ứng viên tổng thống Mỹ cũng trái ngược nhau. Trong khi ông Trump phủ nhận các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu thì bà Clinton cho rằng đó là “mối đe dọa cấp bách”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ba-clinton-va-ong-trump-se-tac-dong-the-nao-den-chau-a-neu-dac-cu-tong-thong-post179085.html