Bà Clinton rộng cửa vào Nhà Trắng

Gần 42 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu trước khi có thông báo mới nhất của FBI, trong đó nhiều triệu người chỉ đưa ra quyết định cuối cùng trong tuần rồi

Hai ngày trước khi bầu cử Mỹ chính thức diễn ra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm 6-11 lại tự biến mình thành tâm điểm chú ý khi thông báo xóa nghi vấn mới liên quan đến bê bối sử dụng email của bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ.

Thở phào nhẹ nhõm

Trong lá thư gửi các nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa, Giám đốc FBI James Comey nói cuộc điều tra mới không dẫn đến bất kỳ cáo buộc hình sự nào nhằm vào bà Clinton. Đây được xem là quả bom tấn thứ hai được ông Comey “thả” vào chặng nước rút của cuộc đua tới Nhà Trắng sau lá thư đầu tiên hôm 28-10 với nội dung FBI đang xem xét những email mới có thể liên quan đến cuộc điều tra vụ bê bối email của bà Clinton. Lá thư đầu tiên không chỉ làm rúng động chiến dịch tranh cử của bà Clinton, chọc giận Đảng Dân chủ mà còn giúp tỉ phú Donald Trump như được “hồi sinh”.

Giờ đây, lá thư thứ hai của ông Comey có thể khiến phe ủng hộ bà Clinton thở phào nhẹ nhõm nhưng có lẽ không đủ sửa chữa những thiệt hại mà lá thư đầu tiên gây ra trong 9 ngày trước đó. Theo thống kê, gần 42 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu trước khi có thông báo mới nhất của FBI, trong đó nhiều triệu người chỉ đưa ra quyết định cuối cùng trong tuần rồi. Điều này khiến phe Dân chủ “sôi máu” trong khi các đồng minh, cố vấn của bà Clinton lo ngại nữ ứng viên này có thể đã bị mất không ít phiếu từ cử tri độc lập và phụ nữ đang ủng hộ Đảng Cộng hòa nhưng tính chuyển sang bỏ phiếu cho bà vì chán ghét ông Trump.

Không muốn để vụ việc làm sao nhãng, nữ cựu ngoại trưởng Mỹ không đả động gì đến động thái của FBI tại cuộc vận động ở bang Ohio chiều tối 6-11 (giờ địa phương). Ngược lại, tỉ phú Trump dĩ nhiên cảm thấy bất mãn. Sau khi ca ngợi ông Comey vì tiết lộ thông tin cuộc điều tra, ứng viên Đảng Cộng hòa giờ đây chuyển sang giọng điệu cáo buộc quen thuộc là bà Clinton đang được bảo vệ bởi một hệ thống “gian lận”. Một số cố vấn của ông Trump gọi việc FBI xem xét hết 650.000 email mới trong 8 ngày là điều “bất khả thi”.

Bà Hillary Clinton vận động tranh cử tại TP Manchester, bang New Hampshire hôm 6-11Ảnh: Reuters

Ông Trump gặp khó

Điều khích lệ bà Clinton là vụ lùm xùm mới nhất nói trên không thay đổi quá nhiều cục diện cuộc đua. Theo CNN, bà Clinton dẫn trước ông Trump 4-5 điểm trong các cuộc thăm dò được công bố ngay trước khi có thông tin về lá thư thứ hai của giám đốc FBI. Ngoài ra, ông Dan Pfeiffer, cựu cố vấn cấp cao của Tổng thống Barack Obama, tin rằng tác hại của vụ việc đối với bà Clinton đã bị thổi phồng. “Chắc chắn đây là tin tốt lành đối với bà Clinton. Tôi không nghĩ lá thư đầu tiên khiến bà thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng và lá thư thứ hai giúp bà giành chiến thắng” - ông Pleiffer nhận định. Tóm lại, như tờ The Washington Post chỉ ra, hai bên có thể sẽ còn tranh cãi trong nhiều năm tới về chuyện ai được, ai mất từ 2 lá thư của ông Comey.

Thông tin tích cực từ FBI và vị thế dẫn trước trong các cuộc thăm dò mới nhất được cho là sẽ giúp bà Clinton thêm tự tin bước vào ngày bầu cử. Theo tờ The Wall Street Journal, con đường vào Nhà Trắng của ứng viên Dân chủ rộng mở hơn đối thủ nhiều. Cụ thể, bà Clinton chỉ cần thắng tại 1 hoặc 2 trong số những bang “chiến địa” cũng như bảo đảm không đánh mất bang truyền thống nào của Đảng Dân chủ vào tay đối thủ. Trong khi đó, để chiến thắng, ông Trump cần phải đánh bại bà Clinton tại các bang “chiến địa” Florida, Ohio và Bắc Carolina. Một thách thức lớn không kém là tỉ phú bất động sản này còn phải thắng tại ít nhất 1 bang lâu nay vẫn ủng hộ Đảng Dân chủ.

Nhận thấy sự thất thế này, ông Trump hôm 6-11 bắt đầu hành trình tranh cử qua các bang Iowa, Minnesota, Michigan, Pennsylvania, Virginia với hy vọng cải thiện cơ hội phút chót. Ngoài việc kỳ vọng chiến lược này phát huy hiệu quả, ông Trump còn cần chiến thắng tại một loạt bang “chiến địa” Florida, Ohio, Bắc Carolina, Iowa, Nevada và New Hampshire. Khi đó, 2 ứng viên được dự báo có cùng 269 phiếu đại cử tri. Chiến thắng sẽ về tay ông Trump nếu nhận được phiếu đại cử tri duy nhất của khu bầu cử quốc hội số 2 của bang Maine.

Dĩ nhiên, bà Clinton không chịu ngồi yên để kịch bản này xảy ra. Trong ngày 7-11 (giờ địa phương), bà Clinton tiếp tục vận động tại 2 thành phố Pittsburgh, Philadelphia ở bang Pennsylvania sau khi có mặt tại bang này cuối tuần rồi. Đáng chú ý là vợ chồng ông Obama đồng loạt “ra quân” tại sự kiện ở TP Philadelphia để trợ lực. Chưa hết, bà Clinton còn xuất hiện tại bang Michigan ngày 7-11 và cho phát quảng cáo tranh cử trên truyền hình ở bang này một ngày sau đó.

Khó đoán cử tri gốc Việt

Người Mỹ gốc Việt - nhóm dân nhập cư lớn thứ 6 ở Mỹ - từng được xem là cộng đồng ủng hộ đáng tin cậy của Đảng Cộng hòa. Thế nhưng, kể từ năm 2008 đến nay, ngày càng nhiều cử tri gốc Việt quay lưng lại với phe Cộng hòa. Xu hướng này cũng xảy ra với nhóm cử tri gốc Á nói chung và đặc biệt lan rộng theo sau các phát ngôn bài xích dân nhập cư và đạo Hồi của ứng viên Cộng hòa Donald Trump, theo đài phát thanh NPR.

NPR dẫn báo cáo của Cơ quan Khảo sát người Mỹ gốc Á quốc gia cho hay: “Trước đây, người Mỹ gốc Việt là cộng đồng châu Á duy nhất đứng về phía Cộng hòa hơn là Dân chủ. Năm 2008, 42% cử tri Mỹ gốc Việt tự nhận là thành viên Cộng hòa, so với 23% của năm 2016. Thế nhưng, hiện số người không đảng phái trong cộng đồng này đang gia tăng. Cụ thể, năm 2008, 40% cử tri gốc Việt đăng ký là người độc lập hoặc “không có khái niệm về đảng phái”; tỉ lệ này tăng lên 47% vào năm 2016”.

GS Linda Vo, thuộc Trường ĐH California - Irvine, chỉ ra những người Việt đến Mỹ sau chiến tranh Việt Nam ủng hộ Đảng Cộng hòa - vốn có quan điểm phù hợp với họ hơn. Trong khi đó, con cháu của họ có xu hướng bỏ phiếu cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ, chẳng hạn ông Barack Obama năm 2012. Đơn cử, ông Cuong Dinh - 74 tuổi, sống tại Vienna, bang Virginia - là thành viên tích cực của Đảng Cộng hòa, trong khi 3 trong số 4 người con của ông là người của Dân chủ. Tờ Financial Times cho biết Tini, cô con gái 35 tuổi của ông Dinh, từng bỏ phiếu cho ông George W. Bush vào năm 2000 nhưng nay cô theo Dân chủ, đảng mà cô cho là quan tâm đến các vấn đề xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và quyền bình đẳng.

Nhà nghiên cứu Janelle Wong, Trường ĐH Maryland, đánh giá nhiều người Mỹ gốc Việt có xu hướng đứng về phía chính phủ ủng hộ phúc lợi xã hội, như chính sách y tế Obamacare, nhưng họ cũng không thoải mái với cái mác “Dân chủ”.

Theo website calmatters.org, sự chia rẽ về thế hệ giữa cử tri gốc Việt hết sức rõ rệt. Khoảng 4/10 cử tri gốc Việt trên 55 tuổi đăng ký là thành viên Cộng hòa. Tuy nhiên, tỉ lệ này giảm xuống còn 1/10 trong số cử tri độ tuổi 18-34. “Cử tri gốc Việt sinh năm 1980 trở về sau có quan điểm tương tự giới trẻ các cộng đồng khác về các vấn đề như công bằng chủng tộc và công bằng xã hội” - GS Karthick Ramakrishan, Trường ĐH California-Riverside, nhận định.

Chưa rõ con số chính xác cử tri gốc Việt đi bầu tổng thống Mỹ lần này. Căn cứ theo bản phân tích dữ liệu đăng ký cử tri của Công ty Tư vấn Dữ liệu Chính trị, suýt soát 300.000 người Mỹ gốc Việt ở California đã đăng ký bỏ phiếu, chiếm chưa đến 2% tổng cử tri đăng ký ở bang này. Trong khi đó, đài VOA đưa tin nhiều cử tri Mỹ gốc Việt, cả già lẫn trẻ, đều nói thật khó chọn lựa ứng viên nào. Một số thậm chí tiết lộ họ sẽ không bầu cho người họ thích mà là bỏ phiếu cho người mà họ… đỡ ghét hơn.

Lục San

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ba-clinton-rong-cua-vao-nha-trang-20161107205626222.htm