Bà Clinton làm tổng thống, điều gì xảy đến với Thái Lan và Myanmar?

Trong khi Thái Lan ngày càng gần gũi với Trung Quốc thì Myanmar dường như làm điều ngược lại, cho Mỹ một cơ hội trở thành đối tác chiến lược của khu vực Đông Nam Á.

Có một quốc gia mà sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, đó là Myanmar.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ứng viên tổng thống Donald Trump không nói bất kỳ điều gì đáng chú ý về Đông Nam Á, nhưng bà Hillary Clinton, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, lại là một người bạn thân thiết của Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, người mà trong thực tế đang đứng đầu chính phủ nước này.

Biểu tượng dân chủ Aung San Suu Kyi gặp mặt Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: AP)

Trong khi Myanmar dường như đang xa rời mối quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự vốn gần gũi với Trung Quốc thì chính phủ Thái Lan lại đang tăng cường hợp tác với Bắc Kinh. Điều đó mở ra khả năng về một đối tác chiến lược mới của Mỹ trong khu vực.

Trong cuốn sách dày 656 trang mang tên Hard Choices kể về những chuyến công du trên khắp thế giới, bà Hillary Clinton đã dành hẳn một chương cho Myanmar. Đây là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc nhận được sự ưu ái như vậy.

“Trong khi Mùa xuân Arab đang dần mất đi vẻ đẹp ở Trung Đông thì Myanmar đang truyền cho cả thế giới một niềm hi vọng rằng việc một nhà nước chuyển giao từ chế độ độc tài sang dân chủ là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, bà Clinton viết.

Mặc dù nhiều người cho rằng quá trình chuyển giao trên còn lâu nữa mới hoàn thành bởi quân đội vẫn kiểm soát những bộ quan trọng nhất và có quyền ngăn chặn sửa đổi hiến pháp năm 2008 nhưng bà Clinton vẫn thấy rằng Myanmar là một câu chuyện thành công trong thời gian bà làm Ngoại trưởng Mỹ.

Ngược lại, Mỹ đã hạn chế tương tác với chính quyền Thái Lan sau khi giới quân sự tiếp quản nhà nước vào tháng 5/2014. Theo Đạo luật Viện trợ Nước ngoài, Mỹ có nghĩa vụ phải cắt viện trợ với các quốc gia nơi chính phủ được bầu bị lật đổ bằng vũ lực.

Nhằm thực hiện đạo luật trên, Mỹ đã lên án cuộc đảo chính nhưng chỉ có những động thái thiếu mạnh mẽ như đình chỉ gói viện trợ quân sự 3,5 triệu USD cho Thái Lan, cắt ngắn cuộc tập trận hải quân thời điểm đó và đình chỉ một chương trình huấn luyện cảnh sát.

Mỹ hành động như vậy bởi Thái Lan là một đối tác mà Washington không thể hoàn toàn làm ngơ. Hai nước là đối tác chính thức trong Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á từ khi nó được thành lập năm 1954 cho tới khi tổ chức này giải tán năm 1977.

Bất chấp cuộc đảo chính, Washington vẫn coi Bangkok là một đối tác quân sự quan trọng, thể hiện qua việc cuộc tập trận thường niên Cobra Gold, diễn ra hồi đầu năm nay.

Nhưng cùng lúc đó, Thái Lan tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc. Hồi tháng 5/2016, lực lượng hải quân Thái Lan và Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung mang tên Blue Strike ở ngoài khơi bờ biển Thái Lan. Và hồi đầu tháng 10, việc thủ lĩnh đảng chính trị Demosisto của Hồng Kông không được nhập cảnh vào Thái Lan được cho là một hành động của Bangkok nhằm lấy lòng Bắc Kinh.

Như vậy, có thể thấy rằng quân đội Thái Lan đang tiến gần hơn tới Trung Quốc và dần xa rời Mỹ.

(Ảnh: AFP)

Những diễn biến với Myanmar dường như đang đi theo hướng ngược lại. Myanmar đã là quan sát viên của cuộc tập trận Cobra Gold từ năm 2013, giới chức quân sự Mỹ đã tới thăm học viện quân sự của Myanmar và vào ngày 9/5 năm nay, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Nam Á Patrick Murphy đã nói rằng Mỹ sẽ không thiết lập quan hệ song phương thông thường với lực lượng vũ trang Myanmar mà Mỹ cần “mở rộng mối quan hệ” hơn nữa.

Sau khi quân đội Myanmar đàn áp một cuộc nổi dậy đòi dân chủ vào năm 1988 và giết hại hàng ngàn người, mối quan hệ giữa quân đội nước này và Mỹ trở nên xấu đi. Mỹ hạ cấp hiện diện ngoại giao với Myanmar, cắt toàn bộ viện trợ và áp đặt lệnh trừng phạt. Myanmar trở thành một nước mà Mỹ và hầu hết các quốc gia phương Tây đều hiếm khi tương tác.

Bước ngoặt với Myanmar xuất hiện sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2010 với sự hình thành chính phủ bán dân sự do ông Thein Sein đứng đầu. Cựu Tổng thống Thein Sein đã cho thả những tù nhân chính trị. Đặc biệt, vào ngày 20/9/2011, tân tổng thống tuyên bố ông đã đình chỉ một dự án thủy điện với Trung Quốc trị giá 3,6 tỉ USD.

Hai tháng sau, bà Clinton, trong chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ tới Myanmar sau hơn nửa thế kỷ, đã có một cuộc gặp thân mật với bà Suu Kyi và đàm phán với Tổng thống Thein Sein.

Đây được xem như mốc lịch sử trong quan hệ song phương Myanmar – Mỹ, nó mở đường cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 11/2012. Sau đó, tháng 10/2016, Mỹ đã chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt kéo dài gần 2 thập kỷ với Myanmar, mở ra trang mới trong quan hệ hai nước.

Không ai đoán được ông Trump sẽ mang điều gì đến cho Đông Nam Á, nhưng nếu bà Clinton bước vào Nhà Trắng, chúng ta sẽ thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Washington và Naypyidaw, và có thể mối quan hệ này sẽ còn nồng ấm hơn với đồng minh cũ Thái Lan.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ba-clinton-lam-tong-thong-dong-minh-o-dong-nam-a-se-ra-sao-a303788.html