Ba anh trai mà bó tay trước thằng em rể vũ phu à?

Một nách ba con, dựa vào người mẹ yếu ớt nữa, em cháu chống đỡ kém quá. Chỉ còn cách trốn trong biền lá dừa nước ư? Anh Ba của cháu cũng yếu hay là chán rồi? Anh Hai thì cũng hụ hợ sao?

Cô Dạ Hương kính!

Cháu lớn lên ở nông thôn, học trung cấp nông nghiệp xong thì về lại nông thôn phục vụ bà con, xóm ấp, đồng bào. Cháu là người có uy tín ở địa phương dù cháu chỉ làm việc chuyên môn thôi. Nhưng có một việc của gia tộc mà cháu không thể giải quyết bằng uy tín được.

Ba má cháu nhà nghèo con đông, có tới bảy người con mà cháu là con thứ tư. Rồi ba cháu mất sớm bởi một căn bệnh nan y, ông chết đi mang hết tiền má cháu bán đất để trị bệnh cho ông. Đất đai ra đi mà ông cũng không thể ở lại với vợ con, chuyện đó liên quan đến đứa em gái út của cháu.

Nó là đứa em ụt ịt nhứt nhà vì các anh chị đi làm, đi học, lấy vợ lấy chồng rồi ra riêng. Nó ở nhà với má, học chỉ hết cấp hai rồi tiếp má chăm sóc ba bệnh tật. Ba cháu mất ít lâu thì nó gặp thằng chồng nó bây giờ, nhà ở xã bên, nghèo, hay tới xóm cháu làm mướn việc nọ việc kia. Biết gả em cho cái đứa như vậy thì cũng thiệt thòi cho em nhưng mà nó sẽ ở rể.

Lúc đầu má cháu rất vui vì có rể như có đứa con trai trong nhà. Anh Hai của cháu lấy vợ xã khác, ban đầu nhờ bên vợ tối và đã ở riêng; anh Ba ở gần với má, nhờ cần cù mà khá lên, đã cất được nhà tường. Cháu với ba đứa em gái thì không gần cũng không quá xa, cũng ở trong huyện đây thôi. Em út ở chung với má, nó nhờ má rất nhiều vì bà còn ẵm bồng cơm nước cho con của nó được. Anh chị Ba ở kế bên, qua lại, dòm ngó, cháu rất yên tâm.

Nhưng con út đẻ dầy, 5 năm ba đứa. Thằng chồng lại sinh tật rượu, mà rượu trời ơi đất hỡi mới khổ chớ. Túng thiếu, đánh chửi nhau hàng tháng, rồi hàng tuần. Má cháu thì xưa nay cũng không mạnh mẽ nên thằng rể không sợ. Cả năm nay nó sinh thêm tật đánh vợ, có bữa ban đêm mà vợ nó phải luồn trong biền lá đi trốn. Anh Ba cháu đã đôi ba lần khóa tay nó nhưng sợ nó thù, đành thôi. Cháu đã qua nhà ba má ruột của thằng rể nói chuyện nhưng ông bà bên đó nói nghiện rượu thì hết cách, kệ, sớm muộn gì nó cũng chết sớm. Chúng cháu đã nghĩ đến chuyện thưa lên xã, nhưng má cháu khuyên thôi, rồi về nó lại chứng nào tật nấy, thù cả nhà thì nó giết cả nhà. Cái chính là vợ nó không dứt khoát, vừa thương con, thương chồng mà cũng ngán cái tánh vũ phu của nó.

Đành bó tay với bạo lực gia đình, nhìn em mình chết dưới tay thằng nát rượu sao cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Sao bây giờ ở phố ở quê gì cũng bết bát, tệ nạn, bạo lực, chém giết, sợ hãi? Cô cũng không biết lý giải sao cho đủ với tình trạng hỗn loạn này. Hay là thời công nghệ thông tin phủ kín, chuyện cẩu tặc bị nhốt như chó ở Thanh Hóa cũng làm ta nhói lòng, hoặc một vụ giết hai em bé ở ngoài kia cũng làm mình thất thần? Thông tin dễ dàng, nhu cầu thông tin mỗi ngày khiến mọi thứ dồn dập và xám xịt chăng?

Cô nghĩ rượu là tệ nạn ở nông thôn, nó phá hỏng mọi thứ quan hệ. Mà rượu đểu nữa thì trước khi cơ thể nát, nhân cách nát trước. Do ít học, do đẻ dày, do đất đai nghèo nàn nữa. Nói chung là lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Một gã chuyên đi làm việc cơ bắp độ nhật và chắc là học thấp hơn cô gái, vậy mà rước vào và hy vọng nó ở như là có thêm một đứa con trai để nhờ cậy, tin yêu, sai lầm là ở đây cháu ơi. Chính vì thất học, cục súc mà đẻ nhiều, không biết làm gì hơn ngoài việc cho vợ đẻ thoải mái. Cũng do em gái cháu buông xuôi.

Một nách ba con, dựa vào người mẹ yếu ớt nữa, em cháu chống đỡ kém quá. Chỉ còn cách trốn trong biền lá dừa nước ư? Anh Ba của cháu cũng yếu hay là chán rồi? Anh Hai thì cũng hụ hợ sao? Ba anh trai mà bó tay trước thằng em rể vũ phu à? Dĩ nhiên cô cũng ngại nó thù nó thủ dao, hoặc nó đốt vợ nó đốt nhà. Bây giờ sự hình dung của con người trước cơn cuồng nộ của ai đó không đủ với thực tế, bởi thực tế diễn ra choáng váng, nhanh gọn hơn nhiều.

Vẫn phải dùng biện pháp giáo dục từ gia tộc trước. Và giúp đỡ nữa. Tiền bạc, lui tới thường xuyên, các mợ chăm lo các cháu giúp, có đầy tình với chúng đi rồi có thể nói chúng nghe. Nhất là chăm má, lo cho má, tiền bạc để má đừng quá túng thiếu, từ đó cuộc sống của em gái và các cháu cũng đỡ ra. Đừng nghĩ ngay tới biện pháp hành chính, em gái cháu nó sợ và nó không thể bỏ chồng nó thì sao. Và khuyên can, cai rượu, tạo công việc có thu nhập thường xuyên cho em rể. Vậy nha, xúm vào lo cho em là lo cho má và lo cho mấy đứa cháu bất hạnh của mình, may ra.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ba-anh-trai-ma-bo-tay-truoc-thang-em-re-vu-phu-a-post181200.html