Âu lo mùa nước lớn

Mỗi mùa mưa về, các con sông ở Quảng Ngãi vốn hiền hòa thơ mộng lại trở mình hung dữ khi dòng nước đỏ ngầu luôn cuồn cuộn chảy. Nằm giữa lòng sông, xóm làng bị bao vây, chia cắt bởi những con nước siết, người dân sống trong các “ốc đảo” ở đây lại bắt đầu một mùa thấp thỏm lo âu mới.

Chông chênh mùa lụy đò

Cây cầu tre bắc qua thôn Đông Yên 3 bị nước lũ cuốn trôi.

Từ lâu các địa danh Ân Phú, xóm Lân, Đông Yên 3 ở Quảng Ngãi luôn được biết đến với cái tên “ốc đảo”, bỡi lẽ những làng này đều nằm ở giữa lòng sông. Mỗi mùa mưa về, khi nước sông dâng cao, những “ốc đảo” này bị bao vây bởi tứ bề mênh mông nước. Bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, muốn vượt qua con sông với dòng nước siết rộng hơn trăm mét, không còn cách nào khác người dân nơi đây phải lụy đò.

Nhiều trận mưa to không ngớt liên tiếp mấy ngày qua khiến mực nước sông Trà Khúc dâng cao nhấn chìm con đường độc đạo dẫn vào thôn Ân Phú và xóm Tân Lập xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi). Đây là nơi sinh sống của hơn 400 hộ dân với gần 1.500 nhân khẩu. Đã hơn 10 năm nay, ông Lê Minh Châu, ngụ xóm Tân Lập, đảm nhận công việc lái đò ngang đưa người dân qua sông mỗi khi nước lớn. Trên chiếc ghe máy được thành phố trang bị, hằng ngày, ông cùng vợ mình chống hàng trăm chuyến đò qua lại giúp người dân “ốc đảo” này vượt sông.

Giữa lòng sông chảy siết, con đò nhỏ chở gần chục người trôi theo dòng nước, lúc này, những đứa trẻ còn mãi cười đùa mà không hề biết hiểm nguy đang kề cận mình, có lẽ vì chúng đã quá quen với hình ảnh này khi một năm đã có gần sáu tháng chúng phải đến trường bằng đò.

“Cháu đâu có sợ, vì từ lớp một cháu đã đi đò qua sông rồi”, em Phạm Dĩ Khang, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Tịnh An hồn nhiên nói. Để con đò không bị nước đẩy trôi đi quá xa, ở phía đầu ghe vợ ông Châu liên tục dùng chiếc sào tre dài đẩy mạnh xuống đáy sông để hướng mũi ghe vào bến trong lúc chồng mình đang cố gắng điều khiển bánh lái. Vừa đáp chuyến đò “hình vòng cung” đưa nhóm học sinh tiểu học qua sông đến lớp, ông Châu lý giải: “nước chảy mạnh lắm nên mình phải đi vòng và hết sức cẩn thận chứ không là nó sẽ đánh úp ghe liền”.

Trong suốt hơn một thập kỷ làm nghề “vác tù và hàng tổng” này, ông Châu không thể nhớ hết mình đã đưa bao nhiêu trường hợp người đi cấp cứu, sinh đẻ… vào những đêm khuya mưa gió bão bùng nữa. “Chỉ khi nào xã báo xuống là nước sông vượt báo động hai thì mới không chạy thôi, chứ hễ ai có việc gấp cho dù khuya cỡ nào, tôi cũng chèo. Nếu tôi không làm thì làm sao dân họ qua sông ?”, ông Châu chia sẻ.

Để chuẩn bị phương án dự phòng trong những ngày “cấm đò”, trong nhà người dân ở các “ốc đảo” này luôn tích trữ đầy đủ mì tôm, thuốc men và dầu hỏa…vđủ sử dụng trong nhiều ngày. Trong những ngày ấy, học sinh ở đây phải nghỉ học hoàn toàn, mọi công việc của người lớn đều phải bị gác lại.

Xuôi về phía đông khoảng hơn một cây số, cũng trên con sông Trà Khúc, xóm Lân (xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi), nơi có 39 hộ dân đang sinh sống cũng chung tình cảnh. Mùa nắng, cây cầu tre do chính quyền và người dân chung tay đóng góp làm nên tuy tạm bợ nhưng vẫn là con đường độc đạo giúp kết nối người dân nơi đây với thế giới bên ngoài. Mùa mưa đến, khi “bảo vật” cầu tre của làng được tháo cất vào kho, xóm làng ở đây bị chia cắt hoàn toàn. “Ốc đảo” không cầu nằm giữa lòng sông rộng hơn trăm mét, nên muốn qua bên kia bờ người dân nơi đây không còn giải pháp nào khác là phải đánh liều tính mạng mình trên những con đò ngang, vốn dĩ là ghe chở cát sạn thường ngày được trưng dụng vào mỗi mùa nước lớn. Con đò nhỏ tròng trành giữa dòng nước dữ là phương tiện duy nhất của người dân làng này trong suốt những tháng mùa mưa.

Giống người dân xóm Lân, 240 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) thường ngày cũng đi lại trên chiếc cầu tre dài gần 200 mét bắt qua con sông Trà Bồng. Những năm trước, cứ gần đến mùa mưa là cả thôn họp nhau lại để cùng nhau tháo dỡ cây cầu cất vào kho để không bị nước cuốn trôi. Nhưng năm nay, người dân ở đây không còn được làm việc ấy nữa, khi chiếc cầu trị giá hơn 250 triệu đồng đã bị nước sông cuốn trôi ra biển do nước thượng nguồn đổ về bất ngờ hồi tháng tám.

Bao giờ mới hết âu lo?

Một năm có sáu tháng học sinh thôn Đông Yên 3 phải đến trường bằng đò ngang.

Theo thống kê, hiện tại, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 600 hộ với gần 2.700 nhân khẩu đang sống trong các “ốc đảo”. Nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai nên đời sống và sản xuất của người dân ở các địa phương này chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đây là những đối tượng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, tính mạng và tài sản thường xuyên bị đe dọa bởi diễn biến ngày càng thất thường của thời tiết.

Năm 2003, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành di dời 139 hộ dân xóm Lân lên khu tái định cư đồng Bến Sứ để ổn định cuộc sống, thế nhưng hiện tại còn 39 hộ dân vẫn chưa được di dời ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Thực tế, hiện tại xóm Lân còn 50 hộ dân với gần 130 nhân khẩu đang sinh sống, trong đó 11 hộ đã được bố trí đất tái định cư nhưng chưa di dời. Ông Tuấn cho hay, hiện nay việc di dời 39 hộ dân còn lại đang gặp vướng mắc, mặc dù chủ trương đã có từ lâu và quỹ đất cũng đã được bố trí. “Lúc trước khi di dời 139 hộ dân là chỉ bố trí đất tái định cư chứ không thu hồi đất, nhưng theo quy định hiện tại khi bố trí đất tái định cư phải đi kèm với tổ chức thu hồi phần đất bị ảnh hưởng nên một số hộ không đồng tình. “Sau nhiều lần tổ chức gặp gỡ giải thích và vận động, đã có 19 hộ dân đồng ý với chủ trương di dời, những hộ còn lại không đồng tình. Đây là vấn đề vượt khả năng của xã nên chúng tôi đã kiến nghị lên thành phố để trình tỉnh cho hướng chỉ đạo giải quyết”. Ông Tuấn nói.

Còn với các địa phương không thể lập phương án di dời vì số hộ quá lớn như thôn Đông Yên 3, Ân Phú và xóm Tân Lập, theo chính quyền và người dân ở đây, giải pháp được xem là tối ưu và thiết thực nhất là một cây cầu bê-tông kiên cố bắt qua sông. Có cầu kiên cố, mùa nắng, người dân những làng này sẽ không phải đi trên cầu tre tạm bợ, còn mùa mưa không còn nỗi lo bị chia cắt hay phải lụy đò. Nhưng cây cầu, thứ được bao nhiêu thế hệ người dân ở các làng này mong mỏi mãi vẫn chưa thấy bóng dáng.

Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Minh Huấn cho biết: Địa phương đã nhiều lần kiến nghị về việc hỗ trợ người dân thôn Đông Yên 3 xây dựng một cây cầu bê-tông kiên cố nối thôn này với trung tâm xã. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết. “Mỗi mùa mưa về, người dân Đông Yên 3 lại đau đáu một nỗi no bị chia cắt. Một cây cầu kiên cố là ước mơ từ bao đời của người dân nơi đây, vì chỉ khi có cầu người dân ở đây mới bớt nhọc nhằn và yên tâm làm ăn ổn định cuộc sống được”, ông Huấn chia sẻ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31240802-au-lo-mua-nuoc-lon.html