'ASEAN giống hành khách hơn là tài xế ở Châu Á'

Khi sự chia rẽ xuất hiện trong 10 nước ASEAN, như đã từng xảy ra, hoặc khi tiến trình hội nhập kinh tế chậm hơn so với thời hạn, ASEAN trông giống như một hành khách hơn là tài xế của chủ nghĩa khu vực ở Châu Á.

Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ, ngày 8.9 tại Lào.

Tổng thống Mỹ - Barack Obama - vừa có chuyến công du cuối cùng đến Châu Á trên cương vị tổng thống, dự Hội nghị G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc và dự Hội nghị Đông Á ở Vientiane, Lào. Lãnh đạo các nước Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có một số nước lớn và hùng mạnh nhất trên thế giới bao gồm 8 nước là thành viên G20, cũng đã gặp nhau ở Vientiane vì Lào là nước chủ tịch ASEAN năm 2016.

10 quốc gia Đông Nam Á đã tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN ở Lào, cùng với các hội nghị liên quan như Hội nghị Đông Á. Tất cả tập trung ở Lào vì ASEAN đang là trọng tâm của hợp tác khu vực và chủ nghĩa khu vực. ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào năm tới và sẽ tiếp tục trải qua những thử thách về sự đoàn kết. Được hình thành vì những lý do địa chiến lược, ASEAN nhiều lần bị chỉ trích là kém hiệu quả trong khi lại đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý các mối quan hệ nước lớn ở Châu Á và Thái Bình Dương.

Một ASEAN đoàn kết và đồng thuận sẽ phục vụ lợi ích tốt nhất của 625 triệu dân của một tập hợp đa dạng các nước khác nhau, từ một số nước giàu nhất và hiện đại nhất đến một số nước nghèo nhất Châu Á và toàn thế giới. Nhìn chung, ASEAN là thu hút đầu tư trực tiếp lớn hơn của Mỹ so với Trung Quốc hay Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi sự chia rẽ xuất hiện trong 10 nước ASEAN, như đã từng xảy ra, hoặc khi tiến trình hội nhập kinh tế chậm hơn so với thời hạn, ASEAN trông giống như một hành khách hơn là tài xế của chủ nghĩa khu vực Châu Á.

Vì Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc gặp rắc rối vì những xung đột chính trị, ASEAN +3 lại tỏ ra hữu ích cho việc thúc đẩy hợp tác chính trị và kinh tế khu vực rộng lớn hơn. Australia, Ấn Độ và New Zealand, những nước trong khu vực láng giềng và có lợi ích mạnh mẽ ở Đông Á, cùng với ASEAN +3 để trở thành ASEAN +6. Liên kết này được khởi xướng một phần bởi mong muốn của Nhật Bản có thêm nhiều nước cùng khuynh hướng trong khu vực Đông Á. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được thiết lập bao gồm cả Nga và Mỹ. Việc ASEAN cung cấp diễn đàn để những cường quốc này có cơ hội gặp gỡ đã là một thành tựu của khối, mặc dù ASEAN có thể làm nhiều hơn nữa để thiết lập chương trình nghị sự và thúc đẩy hợp tác Châu Á và xuyên Thái Bình Dương.

ASEAN đã thành công trong việc giúp thể chế hóa quan hệ các nước lớn ở Đông Nam Á và định hình vai trò của những cường quốc này, trong khi đem lại tiếng nói cho những quốc gia nhỏ hơn. Một ASEAN suy yếu sẽ đặt tất cả những yếu tố này vào nguy cơ rủi ro.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tác động kinh tế của ASEAN trở nên quan trọng hơn tác động chính trị. Một điều kiện cần thiết để các nước thành viên ASEAN thịnh vượng là tăng cường hội nhập kinh tế chủ yếu như một nền tảng cho chuỗi cung cấp lớn hơn ở Châu Á, kéo theo tăng trưởng thương mại và kinh tế khu vực.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015. Đó là một dự án tiến tới một thị trường duy nhất, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi, đòi hỏi các nước thành viên cam kết và thực hiện những cải cách khó khăn - điều mà không nhiều nước sẵn sàng làm trong những năm gần đây. Nếu tất cả các nước đồng lòng cải cách sẽ giúp mở rộng lợi ích của hội nhập khu vực, nhưng đó là một quá trình chậm chạp và những cơn gió ngược của phong trào chống toàn cầu hóa ở phần còn lại của thế giới không làm cho nó nhanh hơn. Nhiều khu vực của ASEAN vẫn còn rất nghèo hoặc có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, không thể có thu nhập cao. Nâng cao mức sống đồng thời với việc giảm bất bình đẳng là ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế ASEAN.

AEC đề ra chương trình nghị sự đúng đắn để đạt được mục tiêu đó - một món quà mà nhiều khu vực sẽ biết ơn. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Đông Á trong nửa sau thế kỷ 20 là tăng trưởng bao quát (inclusive growth), và giờ đây Châu Á cũng phải quay trở lại tăng trưởng bao quát, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, để duy trì sự phát triển trong tương lai.

ASEAN một lần nữa lại đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu thách thức sự đoàn kết và vai trò trung tâm như Mathew Davies đã giải thích trong một bài phân tích. ASEAN đối mặt với áp lực bên ngoài của "những tham vọng giữa hai đối thủ Mỹ - Trung", với căng thẳng nội bộ và các câu hỏi về tính hợp pháp trong con mắt của người dân - theo Davies.

Davies nói rằng, cả Mỹ và Trung Quốc dường như không sẵn sàng đặt sự thống nhất của ASEAN là một mục tiêu chiến lược. Đó là vì sẽ dễ dàng "kiểm soát ASEAN hơn, dù thống nhất hay không, vì những tham vọng riêng của họ". Đó là vì sẽ dễ dàng hơn khi đối phó với từng nước thành viên và kết quả là một số liên kết với Mỹ, số khác ngả sang Trung Quốc và phần lớn đứng giữa hai bên.

Những căng thẳng ở Biển Đông đã bộc lộ những chia rẽ này. Indonesia, nước lớn nhất trong ASEAN, có xu hướng tách khỏi chủ nghĩa đa phương để hướng tới vai trò song phương và có thế lực lớn trên toàn cầu, như Davies giải thích. Indonesia áp đảo trong ASEAN về quy mô và là thành viên duy nhất của ASEAN trong G20, nhưng dưới thời của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, đã có chiều hướng theo đuổi lợi ích riêng của mình một cách độc lập trong ASEAN.

Cựu Thủ tướng Australia Paul Keating tuần trước đã kêu gọi Australia gia nhập ASEAN mở rộng trong bối cảnh nước này đang cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Lời kêu gọi của ông Keating cho thấy trong bối cảnh có những chia rẽ mới nổi, ASEAN cần phải làm một điều gì đó đúng đắn.

Sự bất lực của ASEAN khi đứng giữa Mỹ và Trung Quốc với tư cách một khối, dù là về Biển Đông hay vấn đề khác, có thể làm nhiều người thất vọng. Tuy nhiên, sự rời rạc chiến lược tương tự có thể là vùng đệm hữu ích giữa các siêu cường ngay cả khi nó ít môi giới hợp tác và tránh xung đột giữa các nước này. Rủi ro là ASEAN, ở vị trí trung gian hay ở giữa, sẽ bị chia rẽ và rạn nứt.

Đối với tất cả các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn hơn Mỹ. Nhiều nhưng không phải tất cả các nước ASEAN đều dựa vào Mỹ về an ninh trước một Trung Quốc đang lên. Điều đó chắc chắn làm phức tạp thêm vấn đề.

Mặc dù tiềm năng của ASEAN là rất lớn, nhưng sự thật là ASEAN chưa bao giờ hoàn thành được những kỳ vọng lạc quan đối với vai trò của mình trong khu vực. Mặc dù vậy, ASEAN vẫn đóng một vai trò địa chính trị và địa kinh tế quan trọng.

ASEAN vẫn là một động lực để giữ các thị trường Châu Á mở cửa, nâng cao đời sống của 625 triệu dân, đóng vai trò như một người hỗ trợ hợp tác giữa các cường quốc, giảm thiểu nguy cơ xung đột ở Châu Á Thái Bình Dương và đem lại sự gắn kết cho các dàn xếp ở Châu Á. Những người đề xướng lớn nhất của ASEAN sẽ rụt rè trước những mục tiêu cao cả này. Nhưng sự tiếp tục tồn tại của bản thân ASEAN mới là điều quan trọng để đạt được các mục tiêu đó.

V.A

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/asean-giong-hanh-khach-hon-la-tai-xe-o-chau-a-597150.bld