ASEAN 50 tuổi, trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa tròn 50 năm thành lập và đang ngày một có vai trò lớn mạnh trong nền kinh tế thế giới. Trong đó, Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm sáng của khu vực.

Một trong 3 trụ cột chính của ASEAN là hợp tác kinh tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ 31/12/2015 đã cụ thể hóa quyết tâm của các quốc gia thành viên biến ASEAN trở thành một thị trường chung, một khu vực có nền tảng sản xuất chung.

10 năm trước, năm 2007 dòng vốn FDI của thế giới chủ yếu đổ về Trung Quốc khi nước này vừa gia nhập WTO. Nhưng đến năm 2014, FDI vào ASEAN đã đạt ngưỡng ngang bằng với dòng vốn đổ vào Trung Quốc. Theo GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), việc ASEAN vươn lên trở thành trung tâm thu hút nguồn lực FDI là do chiến lược hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đã thu hút sự quan tâm của thế giới, trong đó Việt Nam chính là ngôi sao đang lên của ASEAN.

Các tập đoàn lớn như Canon, Sam Sung đã có mặt tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về logistic. Việt Nam cũng đang tận dụng và phát huy những lợi thế cạnh tranh để tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cạnh tranh toàn cầu. GS. Hidetoshi Nishimura cho rằng để đảm bảo cho sự phát triển bình thường, ASEAN cần phải đảm bảo kết nối hạ tầng, kết nối giữa người dân, và kết nối về thể chế.

Theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, không chỉ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, ASEAN đã trở thành một thị trung tâm thương mại toàn cầu và đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và thứ 3 ở châu Á với 640 triệu dân, trong đó có một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30. Nếu đạt được đà tăng trưởng, đến năm 2050 ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của toàn cầu.

AEC ra đời là minh chứng hùng hồn cho quyết tâm của các nước trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN, nhất là hợp tác kinh tế. Đó chính là biến ASEAN thành một mái nhà chung của người dân, ASEAN trở thành thị trường chung và mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước lưu chuyển thuận lợi, an toàn, và đặc biệt hơn là doanh nghiệp các nước trong khu vực có thể mở rộng và phát triển kinh doanh tại tất cả các nước thành viên.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) của Việt Nam tại ASEAN, trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN; ASEAN cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 19 tỷ USD vào năm 2006 lên 41,86 tỷ USD vào năm 2016.

ASEAN cũng là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia. Các dự án của doanh nghiệp ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo.

“ASEAN đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững thời gian qua,” Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, để ASEAN duy trì sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, hiện thực hóa AEC chính là nhiệm vụ của các nước thành viên và cộng đồng doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối ASEAN, giữa ASEAN với các khu vực khác, thúc đẩy hội nhập kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối hạ tầng với người dân là những việc mà Chính phủ cần thúc đẩy.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga - Vụ phó Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công thương, Trưởng SEOM Việt Nam tại ASEAN việc thành lập AEC khẳng định quyết tâm và nỗ lực tự do hóa thuế quan, xóa bỏ các rào cản đối với thương mại, đầu tư, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch, làm tiền đề cho việc xây dựng một AEC thật sự đầy đủ theo đúng ý nghĩa của một cộng đồng kinh tế.

Bà Quỳnh Nga cho biết, mặc dù có trình độ phát triển thấp hơn nhiều so với các nước thành viên khác, Việt Nam vẫn là một trong các nước ASEAN có tỷ lệ hoàn thành các biện pháp xây dựng AEC ở mức cao.

“Tính đến tháng 1/2017, Việt Nam đã hoàn thành 91% biện pháp trong lộ trình tổng thể xây dựng AEC 2015, đứng thứ hai sau Singapore. Về thuế quan, tới thời điểm này Việt Nam đã xóa bỏ 91% tống số dòng thuế và tới ngày 01/01/2018, Việt Nam sẽ hoàn thành xóa bỏ thuế quan đối với 98,1% số dòng thuế. Việt Nam cũng là nước rất tích cực trong việc xóa bỏ các rào cản phi thuế quan trong ASEAN”.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/asean-50-tuoi-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-6-cua-the-gioi-post232433.info