APEC 2017: Thiết bị di động và công cụ số mang lại cơ hội làm ăn mới cho doanh nghiệp

Công nghệ thông tin vô cùng quan trọng, một lượng lớn người dân đều sở hữu điện thoại thông minh và kết nối với Internet.

Ngày 18/5, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề Cuộc thi phát triển phần mềm APEC (APEC App Challenge), ông John Karr, Giám đốc cấp cao về các chương trình truyền thông kỹ thuật số và công nghệ của Quỹ châu Á (Asia Foundation) khẳng định: Thiết bị di động và các công cụ số có tiềm năng rất lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội làm ăn mới.

ông John Karr, Giám đốc cấp cao về các chương trình truyền thông kỹ thuật số và công nghệ của Quỹ châu Á. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

ông John Karr, Giám đốc cấp cao về các chương trình truyền thông kỹ thuật số và công nghệ của Quỹ châu Á. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Ông John nói: “Công nghệ thông tin vô cùng quan trọng, khi mà bạn nhìn lại sự thay đổi trong vòng 10 năm qua ở châu Á, một lượng lớn người dân đều sở hữu điện thoại thông minh và kết nối với Internet. Trước kia, bạn cần một khoản tiền lớn để làm điều tương tự. Ngày nay, chỉ với chi phí rẻ hơn, bạn có thể kết nối với toàn thế giới qua Internet”.
APEC App Challenge là một sự kiện do Bộ Công Thương, Quỹ Châu Á và Google phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 18/5 trong khuôn khổ các sự kiện hướng tới Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại lần thứ 23 (MRT 23).
Trong vòng 24 giờ, các nhà thiết kế phần mềm và website từ 9 nền kinh tế thành viên APEC sẽ lập trình để phát triển và hoàn thiện một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động hoặc web nhằm giải quyết một thách thức dai dẳng của khu vực: Làm thế nào để có nhiều hơn các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) xuất khẩu được sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài ?

Các lập trình viên tham gia cuộc thi. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Bình luận về chủ đề của cuộc thi này, ông John cho rằng: “Nội dung của APEC App Challenge đặc biệt quan trọng đối với khu vực châu Á–Thái Bình Dương, nơi mà các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp và thu hút tới 2/3 lực lượng lao động của khu vực”.
Theo ông John, cuộc thi hướng tới việc nêu bật cách thức mà Internet di động có thể hỗ trợ các MSME phát triển nhằm tiếp cận khách hàng thực tế và thuận tiện hơn; giúp các doanh nghiệp theo đuổi những cơ hội kinh doanh mới.
Về phần mình, ông Yohan Totting, Trưởng nhóm lập trình Quỹ châu Á, thành viên Ban Tổ chức, cho hay: “Chúng tôi mang tới Việt Nam những nhà lập trình viên từ khắp nơi trong khu vực để cùng tranh tài xây dựng phần mềm web và di động. Các lập trình viên này được tuyển chọn qua các cuộc thi Hackathon khu vực mà chúng tôi từng tổ chức hoặc qua đề cử".
"Các lập trình viên bắt đầu tham gia chuẩn bị cho sản phẩm của họ từ một tháng trước và họ tới đây để hoàn thiện sản phẩm và để giám khảo chấm điểm. Họ sẽ làm việc ở đây 24 giờ cùng với đội hỗ trợ của chúng tôi. Sẽ có một vài nhà kinh tế ở đây để giúp họ hiểu được lợi ích về mặt kinh tế mà sản phẩm của họ mang lại”, ông Yohan Totting nói.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, Bộ Công Thương, nhấn mạnh mặc dù Internet đã giúp giảm đáng kể chi phí xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển, nhưng các doanh nghiệp trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với một loạt các thách thức. Việc tìm kiếm lợi nhuận từ thương mại quốc tế vẫn còn khó khăn.
Ban Tổ chức hy vọng những ý tưởng đến từ các nhà thiết kế trẻ tham dự APEC App Challenge sẽ cổ vũ các nhà lãnh đạo APEC tìm hiểu cách áp dụng công nghệ để giải quyết một số vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải trên thực tế khi muốn mở rộng kinh doanh. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng lợi thế, cơ hội để tìm khách hàng./.

Đỗ Huyền-Đào Tùng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/apec-2017-thiet-bi-di-dong-va-cong-cu-so-mang-lai-co-hoi-lam-an-moi-cho-doanh-nghiep/45054.html