APEC 2017: Phát triển đô thị, khởi nghiệp, lao động được quan tâm

Ngày 13/5, lao động, khởi nghiệp, phát triển đô thị... là chủ đề nổi bật tại các phiên họp của các Ủy ban, Nhóm Công tác, Đối tác của APEC trong khuôn khổ Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC)

Tiếp tục ngày làm việc thứ năm với 10 hoạt động của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Đối tác chính sách về Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo (PPSTI) và Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC).

Phát triển hạ tầng cơ sở đô thị bền vững là thách thức

Nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng hơn, cũng như triển khai chương trình nghị sự dài hạn của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư, Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) tổ chức đồng thời ba hoạt động, gồm Nhóm bạn Chủ tịch về thuận lợi hóa thương mại, Nhóm bạn của Chủ tịch về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và cuộc họp toàn thể của Ủy ban vào buổi chiều.

Cũng trong khuôn khổ CTI diễn ra Hội thảo của Nhóm bạn Chủ tịch về Đô thị hóa về "Xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các TP trong khu vực APEC".

Theo các đại biểu, hiện nay châu Á - Thái Bình Dương đang đi đầu thế giới về tốc độ đô thị hóa.

Trong tình hình đó, việc hình thành các chính sách phát triển hạ tầng cơ sở đô thị hiệu quả và bền vững cũng như các biện pháp triển khai các chính sách này là một ưu tiên hàng đầu và cũng là một thách thức phát triển đối với nhiều thành viên APEC.

Đại biểu Singapore Lee Lai Choo, Giám đốc Trung tâm về phát triển bền vững cho các TP châu Á chia sẻ, điều quan trọng nhất là kết nối với người dân và đưa họ tham gia chặt chẽ vào tiến trình phát triển đô thị bền vững. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất.

Tiểu nhóm Mạng lưới giáo dục (EDNET) thuộc Nhóm HRDWG có hai hoạt động, trong đó nổi lên các nội dung về thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong giáo dục và đào tạo nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế số trong thế kỷ XXI.

Các đại biểu tham dự phiên họp của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI)

Cũng trong khuôn khổ HRDWG, diễn ra Hội thảo "Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên". Đây là một trong những sáng kiến góp phần vào bảo đảm tính bao trùm về kinh tế và xã hội của các thành viên APEC.

Cùng với đó, diễn ra Hội thảo "Nâng cao nhận thức và hợp tác khu vực về kỹ năng và chứng chỉ việc làm trong khu vực APEC".

Tại các cuộc họp của Nhóm HRDWG, các thành viên đã trao đổi kỹ lưỡng cả về tổ chức và nội dung cho Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số - một trong những hoạt động quan trọng nhất diễn ra trong dịp Hội nghị SOM 2 vào ngày 15/5 tới.

Thúc đẩy hợp tác trong khu vực

Sau 2 ngày làm việc (12 - 13/5), Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) đã kết thúc với 7 phiên thảo luận để chia sẻ về những vấn đề lớn trong khu vực, đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác và các khuyến nghị nhằm cụ thể hóa các nội dung ưu tiên của APEC trong năm 2017.

Khuôn khổ APEC về di chuyển lao động là sáng kiến do Việt Nam và Ốt-xtrây-lia đồng chủ trì. Mục tiêu của Khuôn khổ là tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động giữa các nền kinh tế APEC.

Trong phiên thứ sáu của Hội nghị ASCC, các đại biểu APEC đã cùng nhau thảo luận về chính sách đối với lao động nhập cư trong APEC, những khó khăn trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa di chuyển lao động, đồng thời nêu những vấn đề cụ thể liên quan tới chính sách nhập cư, xuất khẩu lao động tại các nền kinh tế thành viên.

Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, “trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn ASCC sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và cụ thể hơn vào các kết quả lớn của Năm APEC 2017, đặc biệt là vào việc định hình APEC hướng tới 2020 và tương lai."

Tại hội nghị, các đại biểu đã gợi mở nhiều ý tưởng, biện pháp nâng cao sự năng động của APEC, khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới.

Cùng với đó, tập trung trao đổi về các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững ở các nền kinh tế thành viên trong bối cảnh gia tăng nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia…

Các diễn giả nhấn mạnh vai trò then chốt của nguồn nhân lực và sáng tạo công nghệ trong thúc đẩy khả năng cạnh tranh và triển vọng phát triển kinh tế của các nền kinh tế thành viên, cho rằng thời đại công nghệ số càng đòi hỏi cách tiếp cận mới đối với giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Từ đó, đề xuất nhiều khuyến nghị thúc đẩy nền kinh tế tự cường, thân thiện môi trường, thúc đẩy hợp tác giáo dục và khoa học công nghệ nhằm gia tăng trao đổi thương mại và liên kết khu vực…

Tại phiên thảo luận cuối cùng, các đại biểu đã trao đổi về các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Nhiều ý kiến cho thấy MSME đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng của các nền kinh tế APEC, song vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính, xây dựng mạng lưới đối tác và nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Để thích nghi với những xu thế và thách thức mới trong khu vực, MSME cần xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa vào áp dụng công nghệ mới và thương mại điện tử.

Một số hướng giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và xây dựng mạng lưới các MSME, tăng cường sự tham gia của MSME trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng đã được đề cập đến.

Hôm nay cũng đã kết thúc Diễn đàn an toàn thực phẩm thuộc Tiểu ban SCSC.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/apec-2017-phat-trien-do-thi-khoi-nghiep-lao-dong-duoc-quan-tam_t114c7n118942