APEC 2016: Toàn cầu hóa sẽ đi về đâu?

Vấn đề nóng trong Hội nghị APEC 2016 sẽ là sự kiện Brexit – người Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – và sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy trong chính trị, đặc biệt là ở Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, dường như đang tiếp thêm sức mạnh cho những tiếng nói phản đối toàn cầu hóa.

Chủ nghĩa bảo hộ sắp “lên ngôi”, thương mại và đầu tư đang “mất đà” và dần dần không còn là một sức mạnh hàng đầu của toàn cầu hóa kinh tế. Sau cú “sốc” Brexit, sẽ là cuộc cú sốc về toàn cầu hóa?

Chủ nghĩa trọng thương đã làm thế giới bất ổn trong nhiều thập kỷ. Trước cuộc Cách mạng Công nghiệp, các quy định kìm hãm nhập khẩu bằng việc áp thuế và hạn ngạch nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm sức mạnh của đối thủ và tăng ảnh hưởng toàn cầu. Các biện pháp này đúng là đã tạo ra một số thành quả ngắn hạn nhưng lại gây ra căng thẳng chính trị, bành trướng lãnh thổ và những cuộc chiến tranh dai dẳng mệt mỏi và tốn kém. Hậu quả của thái độ chủ nghĩa trọng thương kiểu mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đặc biệt là đối với Trung Quốc, có thể không tệ hại đến mức đó, nhưng cũng đáng lo ngại. Các biện pháp mà ông Trump nhắc tới trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua sẽ chỉ đem lại sự trợ giúp nho nhỏ về công ăn việc làm cho tầng lớp lao động Mỹ, nhưng có thể gây ra những hỏng hóc không thể chữa khỏi đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ảnh: NewYork Times

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã không tiếc lời công kích Bắc Kinh. Phát biểu tại bang Pennsylvania, ông nói “việc Trung Quốc tham gia WTO đã cướp đi nhiều việc làm nhất trong lịch sử”. Theo quan điểm của ông, con số thâm hụt thương mại lên tới 365 tỷ USD với Trung Quốc đơn giản là kết quả của các biện pháp kinh doanh không trung thực, khiến các nhà sản xuất của Mỹ bị đẩy khỏi thị trường. Tuy nhiên, phân tích thiển cận này chưa tính đến thực tế là thâm hụt thương mại cũng xuất phát từ thói tiêu xài hoang phí của người Mỹ, và chưa tính đến những đồng đôla quay trở lại nước Mỹ dưới dạng đầu tư nước ngoài. Ông Trump tuyên bố rất rõ về vấn đề này: “Chúng ta đã ở trong một cuộc chiến thương mại, và đang thua một cách tệ hại”.

Để tranh cử, ông Trump từng tuyên bố Trung Quốc đã bóp méo tiền tệ, dọa sẽ đưa các vụ kiện thương mại chống lại Trung Quốc lên WTO và áp đặt các mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Cố vấn kinh tế của ông Trump, Peter Navarro cho là cần áp mức thuế 45% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mới bù lại được những sai trái của Bắc Kinh gây ra cho Mỹ, từ các khoản trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp và chính sách bóp méo tiền tệ, đến ăn trộm sở hữu trí tuệ và không tuân thủ quy định về môi trường. Giống như một chuyên gia trọng thương kiểu cũ, ông Trump cho rằng nếu kiềm chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giúp lập lại cạnh tranh công bằng, từ đó giúp phục hồi ngành sản xuất ở Mỹ.

Nhưng kiểu suy nghĩ đó chẳng khác gì lừa đảo. Tổng sản lượng công nghiệp của Mỹ đang ở mức cao lịch sử, trong khi việc làm trong sản xuất ở mức thấp lịch sử. Giống như từng xảy ra với lĩnh vực nông nghiệp cách đây hơn một thế kỷ, tiến bộ công nghệ, dẫn tới thành quả sản xuất, chính là nguyên nhân dẫn tới “cái chết rẫy rụa” của giới cổ cồn tại Mỹ. Toàn cầu hóa chỉ làm trầm trọng thêm thực tế này. Hơn nữa, trong một thế giới của chuỗi giá trị toàn cầu, nơi quá trình sản xuất được cắt nhỏ, chia nhỏ ra khắp thế giới, một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như phụ kiện xe hơi, thép, bán dẫn và nhựa…trên thực tế là những hàng hóa trung gian hoặc nguyên liệu đầu vào cho các nhà xuất khẩu Mỹ, tức là họ đóng góp cho giá trị của hàng hóa thành phẩm. Nghịch lý là việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với một khoản thuế đánh vào hàng xuất khẩu của Mỹ, làm tăng giá bán hàng, gây mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ và, từ đó, làm giảm việc làm của người lao động Mỹ.

Nếu ông Trump tin rằng chiến lược của mình sẽ đúng, tất nhiên ông cũng biết là Bắc Kinh sẽ không để yên chuyện này. Tháng 1 vừa qua ông nói: “Tôi sẽ đánh thuế hàng hóa đến từ Trung Quốc. Vâng họ cũng làm như vậy với chúng ta”. Quan điểm đối đầu như vậy sẽ khiến một cuộc chiến tranh thương mại là không thể tránh khỏi. Khi Washington áp thuế 35% đối với săm lốp của Trung Quốc năm 2009, Bắc Kinh đã đáp lại bằng một khoản thuế đánh vào các sản phẩm từ gà của Mỹ.

Nhưng thuế quan cũng chỉ là một trong số nhiều biện pháp chính sách mà Bắc Kinh có thể áp dụng để khiến Washington lo sợ. Việc tẩy chay các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, hay từ chối các thành phần chính trong chuỗi giá trị toàn cầu, như đất hiếm để sử dụng trong điện tử hoặc lắp đặt các bộ phận trung gian của Iphone, sẽ gây ra những tổn thất lớn cho các doanh nghiệp Mỹ.

Chẳng hạn, từ năm 2010-2014, hãng General Motors ngày càng bán nhiều ô tô sang Trung Quốc nhiều hơn bán tại thị trường Mỹ, và lợi nhuận này đã dẫn tới những lợi tức cao cho các cổ đông của GM, tăng tiền thu thuế cho chính phủ liên bang, và tăng lương cho giới lao động cổ cồn ở Mỹ. Các biện pháp kiểu trả đũa nói trên sẽ khiến 900.000 việc làm của Mỹ phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc đứng trước nguy cơ biến mất. Trung Quốc là thị trường quá lớn, đến mức Mỹ không thể không tiếp cận vì cái cớ là vực dậy việc làm ở Mỹ.

Nếu bị dồn vào đường cùng, Bắc Kinh còn có thể tấn công Mỹ về tài chính. Hiện Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 1.200 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ (chiếm 6% nợ công của Mỹ). Điều này góp phần giảm sức ép lãi suất tại Mỹ, cho phép các doanh nghiệp và hộ gia đình đi vay rẻ hơn. Nếu Trung Quốc bỗng nhiên ngừng mua lượng tài sản này, hoặc tệ hơn, đem bán một phần chúng, thì lãi suất ở Mỹ sẽ tăng vọt, giá cổ phiếu sụt giảm, đồng USD sẽ mất giá thảm hại. Điều này sẽ gây sức ép lên thu nhập của giới trung lưu Mỹ, cũng như người tiêu dùng trong khi làm mất lòng tin của giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ còn ảnh hưởng thậm tệ đến nền kinh tế thế giới. Ngay cả một cuộc chiến tranh thương mại nhỏ cũng sẽ làm trệch đà phục hồi hiện nay của nền kinh tế thế giới. Và nếu các tranh cãi giữa hai siêu cường đến mức đẩy một trong hai vào suy thoái nghiêm trọng, chúng cũng có thể kéo tụt cả hành tinh.

Với những triển vọng tăng trưởng hạn chế, ý định chuyển hướng từ nhập khẩu sang tự cung tự cấp sẽ nổi lên. Rốt cuộc, chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan rộng toàn cầu, và các căng thẳng chính trị, những nỗi oán giận, thậm chí giữa các đồng minh thân thiết, sẽ leo thang. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một khi chủ nghĩa bảo hộ ra tăng trên toàn thế giới, nó sẽ làm sụt giảm 2% GDP toàn cầu trong một thời gian dài.

Những lập luận trên có thể chưa đủ để thuyết phục ông Trump lùi lại. Nhưng khi bước vào Phòng Bầu dục, nhiều khả năng ông sẽ buộc phải sửa đổi những lời hứa tranh cử bạo miệng của mình. Ở trong nước, Quốc hội Mỹ đang phụ trách chính sách thương mại của đất nước. Tổng thống chỉ có thể áp dụng một mức thuế tới 15% trong 150 ngày. Nếu muốn thêm một chút nào ông cũng sẽ đều phải hỏi ý kiến Quốc hội.

Trong bối cảnh Thượng và Hạ viện Mỹ đều đang nằm trong tay đảng Cộng hòa, ông Trump chỉ cần kêu gọi chính đảng của mình để thúc đẩy các tham vọng bầu cử. Nhưng sự ủng hộ trong đảng Cộng hòa có thể là không đủ nếu các chính sách của ông Trump vi phạm các quy định của WTO (mà rất nhiều khả năng là thế), như nguyên tắc Quy chế tối huệ quốc (MFN, không phân biệt đối tác thương mại) hoặc các giới hạn thuế tối đa đã thỏa thuận mà mỗi nước có thể áp dụng. Nếu WTO kết luận rằng Mỹ vi phạm các quy định thương mại, Wasghington sẽ được đề nghị sửa lỗi hoặc Trung Quốc sẽ được phép áp dụng các biện pháp trả đũa đối với hàng hóa Mỹ.

Nhưng công bằng mà nói, ông Trump cũng có cái đúng. Quá trình Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường còn xa mới hoàn tất. Các chính sách theo chủ nghĩa can thiệp đang gây rối loạn cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, hiện tượng do thám mạng các công ty Mỹ lan rộng, việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không tốt, rồi việc bảo vệ lao động và môi trường gần như không tồn tại. Nhưng các chính sách trả đũa sẽ làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu, trong khi chỉ giúp tăng rất ít việc làm cho người lao động ở Mỹ. Thay vì hủy hoại các hệ thống thương mại dựa trên quy định, do Mỹ đứng đầu, ông Trump nên nỗ lực củng cố chúng.

Với sự giúp đỡ của EU, vốn cũng lo ngại về những mập mờ trong nền kinh tế Trung Quốc, ông Trump nên tìm các cách thức mang tính xây dựng để đàm phán những thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc, chỉ sử dụng chủ nghĩa bảo hộ như một lời đe dọa chứ không phải là một chiến lược chính sách thực tế, để đạt được một cam kết đáng tin cậy từ Bắc Kinh.

Toàn cầu hóa đã kéo nhiều nền kinh tế xích lại gần nhau. Quan trọng hơn, hợp tác về thương mại và đầu tư không phải là trò chơi “được ăn cả ngã về không”, mà tất cả các nền kinh tế đều được hưởng lợi. Lịch sử đã cho thấy chủ nghĩa trọng thương chỉ có thể làm cho mọi người tệ hơn. Hy vọng chúng ta sẽ không phải chứng kiến điều này một lần nữa.

Thảo Linh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/suyngam/toa-n-ca-u-ho-a-se-di-ve-dau-340262.html