Áp lực quỹ ngoại rút vốn

Một bộ phận NĐT ngoại vẫn đang âm thầm rút vốn khỏi VN những tháng gần đây. Đối với họ, nền kinh tế VN trong năm nay vẫn chứa đựng rất nhiều bất ổn.

Gần đây nhất, một quỹ đầu tư dạng mở khá nổi tiếng của Hàn Quốc bị rút đến hơn 70% giá trị tài sản ròng, một nguồn tin thân cận cho biết. Cách đó không lâu, một quỹ đầu tư dạng đóng của Nhật có quy mô tương đối lớn cũng bị NĐT rút vốn đến 30% trong kỳ họp ĐHCĐ của quỹ.

Một phần lớn các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCKVN, chủ yếu là quỹ đóng, sẽ đến kỳ họp ĐHCĐ trong năm nay để biểu quyết về việc gia hạn quỹ. Khi mà đa số quỹ đầu tư nước ngoài đã thua lỗ rất nhiều tiền kể từ khi thành lập, áp lực bị cổ đông rút vốn đang đè nặng lên các nhà quản lý quỹ.

GĐ của Cty quản lý quỹ (CTQLQ) điều hành quỹ đầu tư Nhật nói trên chia sẻ về áp lực thoái vốn tại quỹ thứ hai của Cty trong kỳ họp sắp tới: "Cũng khó có thể kết luận xem cổ đông sẽ biểu quyết ra sao. Mặc dù áp lực thoái vốn cũng đã giảm bớt nhờ tình hình khả quan của thị trường, nhưng tâm lý của NĐT ngoại có thể chuyển từ tích cực sang tiêu cực chỉ trong thời gian ngắn".

Cùng chung nhận định, lãnh đạo của một quỹ đầu tư Thụy Sĩ cho biết, ông chưa thể đoán định tâm lý của cổ đông đối với việc gia hạn quỹ trong kỳ họp đại hội, khi mà phần lớn NĐT nước ngoài đã chịu lỗ lớn khi đầu tư vào VN thời gian qua. "Một trong những câu châm ngôn của ngành quản lý quỹ là ‘NĐT có xu hướng giữ ký ức rất lâu về sự thua lỗ".

Áp lực rút vốn của cổ đông vẫn luôn hiện hữu khi quỹ hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề là những NĐT nước ngoài sẽ rút tiền khỏi quỹ rồi tiếp tục đầu tư tại Việt Nam với kỳ vọng tích cực, hay sẽ rút tiền hẳn về nước để đầu tư vào điểm đến mới hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, rất nhiều vấn đề của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang hiện hữu: Lạm phát vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các thị trường biên khác. Ngay cả những bước tiến gần đây trong việc cải thiện lạm phát cũng vấp phải rất nhiều sự nghi ngại của NĐT nước ngoài, bởi lẽ Việt Nam đã trải qua 5 năm lạm phát cao liên tiếp.

Những lo ngại khác bao gồm thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại, các vấn đề về tỉ giá vẫn chưa được giải quyết triệt để.

"Câu hỏi bây giờ là tình hình kinh tế sẽ ổn định lâu dài, hay chỉ ổn định một chút rồi lại trở lại tiêu cực dưới dạng này hay dạng khác" - ông Trịnh Hoài Giang, Phó TGĐ CTCK TPHCM, Cty lớn thứ hai về khách hàng tổ chức – nhận xét.

"Tôi chưa thấy có sự đổ vốn mạnh mẽ vào Việt Nam như ở Thái Lan hay một số thị trường tương tự. Các khách hàng nước ngoài thực ra vẫn còn rất thận trọng với TTCKVN" - ông Giang cho biết.

Giữa tuần trước, động thái hạ lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy một tháng của NHNN đã làm bất ngờ các NĐT nước ngoài. Mặc dù động thái này được hiểu như nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng GDP – khi mà tăng trưởng GDP đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm hồi tháng ba, nhưng lo ngại vẫn dấy lên trong mắt giới quan sát.

"Điều này gợi lại ký ức về quá khứ mới xảy ra đây thôi. Trong cùng một lúc, các NĐT nước ngoài vẫn đang theo dõi những khó khăn gây ra do chính sách thắt chặt kinh tế rất mạnh hồi năm 2011" - ông Juerg Vontobel, thành viên sáng lập của CTQLQ Vietnam Holdings Asset Management niêm yết tại London - trao đổi.

"Việc hạ trần lãi suất lần này sẽ khiến NĐT quan tâm và cả lo lắng hơn. Họ sẽ theo dõi chặt chẽ chỉ số CPI trong những tháng tới" - ông nói.

Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành của VinaCapital cho biết: "Một bộ phận NĐT nước ngoài đang lo ngại liệu việc hạ lãi suất của NHNN có nhanh quá hay không. Thêm vào đó, khi NHNN giảm một lúc 4 loại lãi suất, sẽ rất khó để xác định xem từng loại lãi suất sẽ có tác động thế nào lên nền kinh tế".

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng NĐT nước ngoài vẫn đang kỳ vọng rất lớn vào triển vọng TTCKVN trong tương lai gần, khi mà trong quý I vừa qua phần lớn các quỹ nước ngoài có mức tăng NAV đạt từ 10-20%. Các quỹ đầu tư ETF, những quỹ mô phỏng biến động của chỉ số VN-Index, có mức tăng tương đương mức tăng VN-Index ở khoảng 30%.

Trao đổi với phóng viên, ông Kevin Snowball - CEO của CTQLQ PXP Vietnam Asset Management cho biết, vừa rồi, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2006, Cty mở đợt phát hành chứng chỉ mới cho quỹ PXP Vietnam Fund. "Chúng tôi kỳ vọng NĐT sẽ nộp tiền ròng vào quỹ chỉ trong khoảng thời gian một vài tháng" - ông này nói.

PXP Vietnam Asset Management của quốc đảo Cayman hiện đang quản lý hai quỹ PXP Vietnam Fund và Vietnam Emerging Equity Fund, và hai quỹ này đều đạt mức tăng NAV khoảng 25% trong quý I vừa qua.

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/channelid/830/tin-tuc/220521-ap-luc-quy-ngoai-rut-von.aspx