Áp lực ngân sách đòi hỏi các địa phương phải chia sẻ với Chính phủ

ĐB Quốc hội Trần Anh Tuấn, Quyền viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TPHCM đã chia sẻ ý kiến về nợ công, cơ chế phân bổ ngân sách sao cho đúng, hiệu quả

-Theo ông, nguyên nhân nào khiến nợ công đến ngưỡng báo động như hiện nay?

Ông Trần Anh Tuấn: Nợ công đã đến ngưỡng báo động xấp xỉ 65%. Đây là điều cần phải hết sức lưu ý bởi đối với các quốc gia đang phát triển như chúng ta, nợ công chỉ khoảng ở 60%.

Nợ công của chúng ta thời gian qua tăng bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong đó, hiệu quả sử dụng vốn là một vấn đề lớn gây ra tăng bội chi khiến áp lực tăng nợ công.

Cụ thể, việc chưa chú trọng đến lợi thế của từng vùng, từng địa phương là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực nợ công.

Ví dụ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TP HCM là một trong những vùng động lực. Về mặt chiến lược, nếu chúng ta tập trung ưu tiên thì sẽ tạo động lực lớn để phát triển chung cho đất nước. Vì thời gian qua, vùng trọng điểm đã có nhiều đóng góp phát triển kinh tế cho cả nước.

Tuy nhiên, hiện chúng ta đang đầu tư khá dàn trải, mặc dù đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tỉnh, các địa phương đã lưu ý, nhưng trọng tâm để chúng ta đầu tư nhằm tạo cú huých để phát triển thì lại chưa có chiến lược.

Còn nếu chúng ta cứ xem địa phương nào cũng là trọng tâm thì về mặt dài hạn sẽ không có đột phá.

Theo tôi, phân bổ phải ưu tiên cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương. Đây là phương pháp nhằm cải thiện vốn đầu tư, làm giảm áp lực bội chi và áp lực nợ công cho ngân sách.

Trong hoàn cảnh áp lực ngân sách như hiện tại thì các địa phương phải chia sẻ với Chính phủ (ảnh: Hà Giang)

-Như ông nói, phải tập trung vào các vùng, tỉnh có tiềm năng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Vậy, Chính phủ phải làm thế nào để có được sự chia sẻ từ các tỉnh thành?

Ông Trần Anh Tuấn: Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh áp lực ngân sách như hiện tại thì các địa phương phải chia sẻ với Chính phủ.

Tôi có đọc dự toán phân bổ ngân sách của giai đoạn 2017 -2020 và đã thấy được có sự chia sẻ của các địa phương thông qua việc điều chỉnh điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương.

Phân bổ ngân sách cho các TP lớn đa số đều giảm. Ví như TP HCM giảm từ 23% xuống còn 18%, Hà Nội giảm từ 42% xuống còn 35%, tương tự với Đồng Nai và Bình Dương.

Tôi thấy hành động chia sẻ bây giờ chính là nhiệm vụ chung của các địa phương.

Tuy nhiên, ngoài sự chia sẻ nguồn lực với các địa phương, Chính phủ cũng cần phải tạo cơ chế đột phá cho các vùng, tỉnh thành trọng điểm. Ví như cơ chế đột phá về thu hút đầu tư, thực hiện những dự án đầu tư mà có khả năng phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết định những dự án đó....Có thể không cần cơ chế đấu thầu mà chỉ định những nhà đầu tư thật sự có năng lực trong và ngoài nước để thực hiện những dự án...

Đó là những cơ chế mà tôi cho rằng, có thể tạo động lực cho địa phương phát triển.

-Các địa phương đang phát triển đó muốn là “đầu tàu”, nhưng cơ chế lại giống như “toa tàu”. Suy nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Các địa phương cần cơ chế đột phá hơn để cho họ phát triển. Hiện chúng ta đang cào bằng về cơ chế cho tất cả các địa phương trên cả nước.

Chúng ta cần có một cơ chế chính sách ổn định để điều chỉnh chung cho tất cả những địa phương, tuy nhiên, phải xem xét điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng mà chúng ta có những cơ chế đặc biệt cho họ phát triển. Đây là điều trọng tâm trong giai đoạn sắp tới.

Ví như, một bộ máy của một thành phố lớn thì sẽ khác với tổ chức bộ máy của các địa phương quy mô nhỏ hơn. Chúng ta phải tạo cơ chế thúc đẩy sự năng động cho chính quyền địa phương của các cùng, thành phố trọng điểm. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, cơ chế đó phải có “trần” để còn kiểm soát.

-Ông có bình luận gì về việc chỉ có 13/63 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về Trung ương? Có ý kiến cho rằng một số địa phương thì “nai lưng ra làm”, một số khác lại phụ thuộc quá nhiều, ông nghĩ gì về điều này?

Theo tôi, con số 13/63 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về Trung ương vẫn còn khá khiêm tốn. Nếu chúng ta không có ưu tiên trong đầu tư cho những địa phương tự cân đối thì sẽ làm mất đi động lực để những địa phương này đóng góp thêm. Mặt khác, những địa phương chưa tự điều tiết được cần có sự nỗ lực hơn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Tôi thấy có nhiều địa phương gặp khó khăn, đặc biệt là những địa phương ở miền núi, tuy nhiên, cần có sự nỗ lực chung mạnh hơn nữa, làm sao để chúng ta có thể nâng số địa phương tự cân đối ngày một cao hơn, phấn đấu được từ 25 – 30 địa phương. Như vậy, phát triển chung của Việt Nam sẽ cải thiện hơn rất nhiều, tăng trưởng chung sẽ rất cao vì hiện nay chúng ta mới phát triển ở mức bình quân của các nước Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng chỉ đang dao động quanh mức 6%.

Chúng ta phải đột phá hơn nữa. Do đó, cần phải có sự nỗ lực của chính các địa phương. Nó vừa góp phần làm giảm đi gánh nặng cho ngân sách, cho những địa phương đang tự cân đối được, vừa tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo tôi, nhu cầu phát triển của mỗi địa phương rất lớn nhưng nguồn thu để đáp ứng chưa nhiều vì nền tảng “cứng”, “mềm” đều chưa ổn dẫn đến việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, việc cân đối được rất khó khăn.

Trong thời gian tới, tôi cho rằng cần có một quá trình đánh giá tổng thề về mức độ đầu tư và hiệu quả thu được để có thể cảnh báo địa phương nào cần nỗ lực hơn nữa trong đầu tư phát triển.

Mặt khác, bộ máy chính quyền cũng là một vấn đề cần xem xét, chi thường xuyên hiện cao quá. Tỉnh thành phố nào cũng có các cấp giống nhau, trong khi những địa phương có quy mô khác nhau nên cũng cần linh hoạt về bộ máy sao cho gọn nhẹ để chi ít lại. Trong trung dài hạn, cơ chế chính sách không nên đánh đồng giữa các tỉnh thành mà nên tùy theo ngưỡng quy mô để có bộ máy hành chính phù hợp.

-Xin cám ơn ông!

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/ap-luc-ngan-sach-doi-hoi-cac-dia-phuong-phai-chia-se-voi-chinh-phu-217335.html