Áp lực cạnh tranh sẽ làm giảm lãi suất vay tiêu dùng

Mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện chỉ dao động quanh mức 30%, giảm mạnh so với vài tháng trước bởi áp lực cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty tài chính.

Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường cho vay tiêu dùng trở lên sôi động nhờ sự tham gia mạnh mẽ của của các công ty tài chính (CTTC). Nắm bắt xu hướng cho vay tiêu dùng ngày càng tăng mạnh, nhiêùcông ty tài chính liên tiếp được thành lập bằng nhiều hình thức, từ việc mua lại, sáp nhập cho tới thành lập mới…

Sự xuất hiện của nhiều công ty tài chính mới

Thị trường cho vay tiêu dùng hiện ghi nhận sự hoạt động mạnh mẽ của một số CTTC chiếm phần lớn thị phần như FE Credit, HomeCredit hay HD Saison…

Bên cạnh đó còn nhiều công ty khác đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động chính thức hoặc đang hoạt động với thị phần khiêm tốn hơn như Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, hay Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ Thương.

Trước đó, từ cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF) vào Ngân hàng SHB. Tới ngày 12/1/2017, VVF đã chính thức chấm dứt mọi hoạt động trên thị trường tài chính, đồng thời, SHB cũng được NHNN cấp phép thành lập Công ty Tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (viết tắt là Công ty Tài chính tiêu dùng SHB).

Trong khi đó, Ngân hàng MBBank sau khi tái cơ cấu thành công Công ty tài chính cổ phần Sông Đà cũng đã bán lại 49% vốn cho đối tác từ Nhật và đổi tên thành Công ty tài chính MB Shinsei, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Thậm chí, ngay cả Vietinbank cũng muốn tham gia thị trường cho vay tiêu dùng với ý định sau khi sáp nhập PGBank sẽ chuyển một phần ngân hàng này thành Công ty tài chính PG Finance.

Áp lực cạnh tranh giữa các công ty tài chính khiến mặt bằng lãi suất vay tiêu dùng giảm

Đáp án giải quyết bài toán lãi suất vay tiêu dùng

Điều 108 Bộ Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, quy định việc huy động nguồn vốn của các CTTC phải được khoanh vùng đối tượng,. Theo đó, các CTTC không được huy động động tiền gửi cá nhân, chỉ được huy động từ các tổ chức kinh tế. Chính vì thế, việc phát triển thị trường tài chính tiêu dùng bền vững, tạo được uy tín và niềm tin cho khách hàng sẽ là một cơ hội lớn để việc huy động vốn được thuận lợi, giúp giảm các chi phí liên quan, hứa hẹn lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ giảm theo.

Bên cạnh đó, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều CTTC cũng như quy mô dư nợ của các CTTC ngày càng mở rộng đã giúp lãi suất cho vay tiêu dùng giảm đáng kể. So với cách đây vài tháng, mặt bằng lãi suất vay tiêu dùng đã giảm đi rất nhiều, hiện chỉ dao động ở mức trên dưới 30%/năm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân, họ phải chịu mức lãi suất lên tới 50%/năm cho hợp đồng vay tiêu dùng của mình.

Đại diện một CTTC cho biết, một số hợp đồng phải chi trả lãi suất cao hơn mặt bằng lãi suất hiện nay do hợp đồng vay đó gặp những rào cản liên quan đến lịch sử tín dụng của người đi vay như đã từng thanh toán không đúng hạn khi đi vay tại các TCTD trước đó, khách hàng chưa có đủ bằng chứng xác nhận thu nhập đủ tiêu chuẩn thanh toán hạn mức đi vay.

Bản thân các CTTC khi gặp những trường hợp như vậy cũng phải chịu rất nhiều rủi ro. Trên thực tế, tỷ lệ khách hàng chịu mức lãi suất 50%/năm chỉ chiếm khoảng 5% tổng số hợp đồng cho vay tín dụng.

Một chính sách được các CTTC đẩy mạnh gần đây là cho vay mua sản phẩm với lãi suất 0%. Đây được xem là một trong những chiến lược cạnh tranh của các CTTC nhằm thu hút khách hàng.

Anh Quang Huấn (quận Đống Đa) cho biết dù chưa có đủ tiền nhưng khi thấy có lãi suất trả góp 0% tại cửa hàng điện thoại anh đã quyết định ký hợp đồng vay để mua một chiếc điện thoại Samsung với giá gần 17 triệu đồng. Sau khi tính toán, cuối kỳ tất toán số tiền anh Huấn phải trả chênh so với giá bán không đáng kể, trong khi khoản trả trước của anh là 0 đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, nguyên nhân giúp lãi suất cho vay tiêu dùng giảm cũng như các gói lãi suất 0% xuất hiện nhiều chính là việc thị trường ngày càng xuất hiện nhiều đơn vị cho vay tín dụng. Chính áp lực cạnh tranh đã khiến các CTTC phải giảm chi phí đầu vào để đưa ra mức lãi suất cạnh tranh.

Từng chia sẻ về lý do các công ty tài chính có thể đưa ra mức lãi suất 0%, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết các CTTC sẵn sàng đưa ra mức lãi suất 0% cho một số sản phẩm do họ đã có hợp tác với đơn vị sản xuất hàng hóa hoặc các đại lý phân phối sản phẩm.

Theo đó, các đơn vị này sẵn sàng phối hợp với các CTTC, chia sẻ chi phí, đẩy mạnh các chương trình kích cầu khuyến khích khách hàng mua sản phẩm thông qua vay tiêu dùng.

Đây được xem là quan hệ cộng hưởng giữa nhà sản xuất, CTTC và người tiêu dùng. Nhà sản xuất thì bán được hàng, rút ngắn thời gian quay vòng vốn, người dân thì mua được sản phẩm dù năng lực tài chính chưa đủ, CTTC thì có được lợi nhuận được chia từ nhà sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN, yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới lãi suất chính là cạnh tranh.

Khi thị trường phát triển với nhiều nhà cung cấp thì áp lực cạnh tranh sẽ là một động lực quan trọng để lãi suất vay tiêu dùng ổn định hơn”, bà Hiền cho biết.

Theo Lan Hương/Vietnamfinance

Nguồn Tiêu Dùng Plus: http://tieudungplus.vn/ap-luc-canh-tranh-se-lam-giam-lai-suat-vay-tieu-dung-16331.html