Áp dụng thu phí đường bộ từ 1/1/2013: Thời điểm này chưa phù hợp!

(CL)-Dư luận tuần qua “nổi sóng” với chủ đề “phí đường bộ” sẽ được áp dụng vào 1/1/2013. Hầu hết người dân cho rằng việc thu phí trong thời điểm khó khăn như hiện nay thực sự là một gánh nặng quá sức với họ. Nhiều ý kiến đề xuất nên cân nhắc, xem xét hoãn thu phí sử dụng đường bộ dự kiến, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Thu hay tận thu?

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư "Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện”. Theo đó, từ 1/1/2013, bắt đầu thu phí đối với xe đạp điện, xe máy từ 50.000-150.000 đồng/năm/xe, đối với ôtô, mức thu từ 130.000-1.040.000 đồng/tháng/xe tùy theo từng loại xe. Đây được người dân ví như một “gáo nước lạnh” dội vào đời sống ngày một khó khăn của họ. Cú sốc không tăng lương cho công nhân, viên chức vào năm tới đã khiến không ít người bàng hoàng, hụt hẫng. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn lại gánh khá nhiều khoản phí, ngành nào cũng đặt ra phí, tăng phí… như với giáo dục, y tế chẳng hạn. Khủng hoảng kinh tế khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản hoặc hoạt động cầm chừng… Để cứu nền kinh tế, cứu DN, Chính phủ đã ban hành NQ 13 với hàng loạt những chính sách đã và đang phát huy tác dụng tốt. Vậy mà vào thời điểm này, Bộ Tài chính lại dội một “gáo nước lạnh” vào không chỉ số đông những người nghèo đi xe đạp điện và xe máy, mà còn cả vào những DN kinh doanh vận tải bằng ô tô. Điều đáng nói là, trong khi người dân còn đang rất lo lắng về một khoản thu sẽ phải đóng tới đây, thì lo lắng hơn cả vẫn là chủ các doanh nghiệp vận tải. Nếu các khoản thu này mà bổ đầu cho tất cả các xe của một hãng xe nào đó sẽ kéo theo giá cước vận tải rồi hàng hóa sẽ tăng theo giá cước…Cuối cùng thì, trăm dâu đổ đầu tằm, người dân vẫn là người phải gánh chịu những hệ lụy này.

Có nhiều người dân còn tỏ ra khá bất bình trước trước dự thảo này bởi có một thực tế là từ lâu nay việc sử dụng phương tiện giao thông, ngoài các loại thuế, phí khác thì đã có thêm việc thu phí qua xăng dầu. Như vậy là trong xăng đã có phí "cầu - đường" để phục vụ việc bảo dưỡng, duy tu cầu đường. Bây giờ thêm phí sử dụng đường bộ nhưng với mục đích giống nhau, chỉ khác tên, phải chăng nên xem xét lại cho thấu đáo cách thức thu phí?!

Cân nhắc thời điểm

Vấn đề thu phí đường bộ, theo Nghị định 18, lẽ ra được thực hiện từ ngày 1/6/2012 nhưng vì nền kinh tế khó khăn Chính phủ đã tạm dừng lại. Nhưng sau 4 tháng tạm dừng, nền kinh tế chưa phục hồi, cuộc sống người dân vẫn đầy khó khăn. Quả thực, không phủ nhận việc thu phí đường bộ là vấn đề cần thiết để đảm bảo cho việc đi lại của người dân. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: “Nếu không thu phí bảo trì đường bộ thì không có nguồn nào để sửa chữa đường bộ”.

Theo tính toán việc thu phí này sẽ đóng góp vào quỹ hằng năm khoảng 4.600 tỉ đồng. Về mặt pháp lý, khoản thu này là cần thiết nhằm mục đích bảo trì, bảo dưỡng đường bộ nhưng xét trên thực tiễn thì không nên thực hiện vào thời điểm này. Bà Lê Thị Nga - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng: Về mặt pháp lý, khoản thu này là cần thiết nhằm mục đích bảo trì, bảo dưỡng đường bộ. Lợi ích và tính hợp lý, hợp pháp, theo tôi là đã rõ. Nhưng vấn đề cần cân nhắc là thời điểm thu, mức thu và thu đối với những loại phương tiện nào. Trước đây dự định bắt đầu thu từ tháng 6/2012, nhưng sau đó cân nhắc và hoãn lại. Nay, nếu Chính phủ dự kiến thu từ 1/1/2013, tôi cho rằng cũng cần phải tiếp tục cân nhắc. Nếu có thể nên tiếp tục hoãn thu một thời gian nữa để giảm khó khăn cho người dân và Nhà nước vẫn còn khả năng cân đối một số nguồn khác để bảo trì đường bộ, là điều có lợi trong bối cảnh chung hiện nay.

Rất nhiều ý kiến quan ngại về thời điểm thu phí mà Bộ Tài chính đặt ra điều đó cho thấy nền kinh tế còn rất khó khăn, nếu áp dụng thu phí từ đầu năm 2013 là chưa hợp lý. Các doanh nghiệp còn đang khốn khó, sức dân yếu nên việc tiếp tục dời thời gian thu phí là cần thiết trong lúc này.

HÀ VÂN

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/2012/11/87F84FFE5AC4EBAA/