Áp dụng án lệ để ‘lấp’ những khoảng trống của pháp luật

Việc áp dụng án lệ trong các phán quyết của Tòa án chính là phương thưc hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, đảm bảo việc áp dụng thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.

Chánh án Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình tại Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ do TAND tối cao tổ chức sáng nay, ngày 16/3, tại Hà Nội.

Giải quyết các vụ án chưa có tiền lệ thông qua án lệ

Tại Hội thảo, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nhận định: Hiện nay, những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án ngày càng cao, gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp, nhìeu quy định của pháp luật còn chưa rõ, chưa cụ thể.

Ví dụ, trong quá trình xét xử các vụ án dân sự, tòa án đôi khi gặp phải những vụ việc chưa từng xảy ra và chưa có căn cứ pháp lú để giải quyết, trong khi, "tòa án lại không được từ chối giải quyết các vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều kiện luật để áp dụng" (Khoản 2, điều 4, Bộ luật TTDS quy định). Vậy nên, việc áp dụng án lệ với những loại vụ việc này chính là một trong những căn cứ pháp lý để tòa án giải quyết.Ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh: "Việc áp dụng án lệ trong phán quyết của tòa án chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, đàm bào việc áp dụng luật trong xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án mà còn đối với cộng đồng và xã hội".

"Án lệ là những bản án có tính chuẩn mực, có hiệu lực pháp luật, được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn, công bố để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử" (điểm C, khoản 2, điều 22, Luật Tổ chức Tòa án năm 2014).

Quy trình ban hành án lệ phải hết sức chặt chẽ

Án lệ chính là án mẫu được sử dụng trong xét xử các loại vụ án chưa có tiền lệ, chưa có căn cứ pháp lý. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, giá trị pháp lý và tính khả thi của án lệ, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc ban hành án lệ phải được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt ché, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Theo đó, các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần được cụ thể hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung.

Chánh án Trương Hòa Bình và hai Phó Chánh án TAND tối cao tại Hội thảo.

Đồng tính với ý kiến của Chánh án Trương Hoa Bình song TS Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân chỉ ra thêm rằng, cản trở lớn nhất trong việc thừa nhận và phát triển án lệ ở Việt Nam chính là vấn đề tiếp cận như thế nào với án lệ và vị trí của nó trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, nếu vẫn giữ quan điểm cứng nhắc về khái niệm pháp luật chỉ bao gồm những hệ thống quy tắc ứng xử do nhà nước ban hành và được thể hiện chi tiết bằng các văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) thì việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, ông Nam kiến nghị, việc thừa nhận và áp dụng án lệ phải hết sức linh hoạt.

Liên quan tới việc xác định tính chuẩn mực của bán án được lựa chọn là nguồn để phát triển án lệ, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, không nên coi án lệ là "những bài văn hay, văn mẫu" mà phải coi đó là giải pháp để khắc phục những khoảng trống trong pháp luật. Tuy nhiên, những vụ án được lựa chọn làm án lệ phải là điển hình. Đồng thời, án lệ phải có khả năng xử lý những vấn đề phổ biến và phải không trái với đạo đức xã hội.

Sau một ngày làm việc căng thẳng, tuy có nhiều đóng góp, xây dựng từ các đại biểu tham dự dựa trên 35 bản án được lựa chọn thảo luận nhưng vẫn còn tồn tại nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Kết thúc Hội thảo, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, 35 bản án được đưa ra thảo luận lấy ý kiến chưa phải là án lệ, đây chỉ là những lựa chọn bước đầu, dự kiến để xuất làm nguồn phát triển thành án lệ. Để được công nhận là án lệ, các bản án, quyết định này cần phải được đa số các ý kiến đồng tình, được Hội đồng Tư vấn án lệ cho ý kiến trước khi trình Hội đồng Thẩn phán TAND tối cao công nhận.

Thành Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phap-luat/ap-dung-an-le-de-lap-nhung-khoang-trong-cua-phap-luat/92527