Áo dài

Đúng là bây giờ chiếc áo dài đã có nhiều cách tân khác nhiều so với thời con gái của chị. Cái thời mà ai có được chiếc áo dài trắng là có thể tự hào lắm. Bây giờ, những chiếc áo dài truyền thống ấy vẫn còn, nhưng rất ít. Phổ biến trên đường phố bây giờ là những chiếc áo dài cách tân, vạt ngắn. Vì thế chị đắn đo cũng có lý. Nhìn những chiếc áo cách tân em cũng thấy ngồ ngộ, và đôi khi tự hỏi, đó liệu có còn là áo dài nữa không nhỉ?

Trình diễn áo dài tại Festival áo dài Hà Nội 2016.

Nguyệt Vy thân mến,

Vậy là cũng đã lâu lắm, dễ phải 5 năm rồi, không gặp chị. May mà nhận được thư chị đêm qua, một bức thư điện tử, đong đầy những kỷ niệm về quê nhà em mới biết, giờ cháu Nguyệt Anh đã vào lớn bổng, đã trở thành thiếu nữ rồi.

Trong thư, chị có kể, hồi đi sang Canada, vội quá cũng chỉ chuẩn bị có một bộ áo dài mang theo. Giờ nhiều lúc nhìn thấy trong các sự kiện văn hóa có phụ nữ mặc áo dài mà lòng không thôi xao xuyến. Chị cũng muốn Nguyệt Anh có bộ áo dài, nhưng do chưa về Việt Nam nên chưa may cho cháu được. Chị muốn cháu về đo và chọn mẫu, chứ nhiều khi may đo gửi sang không ưng thì cũng bỏ phí.

Đúng là bây giờ chiếc áo dài đã có nhiều cách tân khác nhiều so với thời con gái của chị. Cái thời mà ai có được chiếc áo dài trắng là có thể tự hào lắm. Bây giờ, những chiếc áo dài truyền thống ấy vẫn còn, nhưng rất ít. Phổ biến trên đường phố bây giờ là những chiếc áo dài cách tân, vạt ngắn. Vì thế chị đắn đo cũng có lý. Nhìn những chiếc áo cách tân em cũng thấy ngồ ngộ, và đôi khi tự hỏi, đó liệu có còn là áo dài nữa không nhỉ?

Nguyệt Vy thân mến,

Câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam hôm rồi cũng là đề tài của một cuộc hội thảo. Hội thảo được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp Festival áo dài Hà Nội 2016.

Một lần nữa, chuyện cách tân chiếc áo dài Việt Nam lại được xới lên. Những người trân quý tà áo dài truyền thống vẫn không khỏi lo lắng bởi đôi lúc sự cách tân thái quá khiến trang phục này trở thành “thảm họa áo dài”. Sự cách tân ấy, tất nhiên một mình chị hay em không làm được. Mà thường phải có dấu “vân tay” của các nhà thiết kế thời trang. Rất may, đã có những ý kiến nêu ra, rằng chúng ta cần phải xây dựng những quy chuẩn cụ thể, cần rạch ròi thế nào được gọi là áo dài truyền thống và thế nào là áo dài cách tân. Phải như vậy, thì những du khách quốc tế mới không hiểu nhầm về trang phục áo dài của người Việt Nam mình. Thời trang là quá trình tiếp biến và sáng tạo.

Không có quy định nào cấm các nhà thiết kế thời trang sáng tạo trên cơ sở những mẫu áo dài truyền thống, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Nhưng rõ ràng, phải có những chuẩn mực, và phải sòng phẳng giữa các giá trị. Cách tân như thế nào, giới hạn của cách tân ra sao để không bị mang tiếng là phản cảm? Có như thế, lịch sử áo dài Việt Nam sẽ không bị đứt đoạn, đồng thời có những tiếp biến sáng tạo phù hợp hơn ở nhịp sống hiện đại như hôm nay, phải vậy không Nguyệt Vy?

Đúng như trong thư chị viết, những tà áo dài dù truyền thống hay cách tân, cổ điển hay hiện đại thì đều phải đạt yêu cầu về yếu tố thanh lịch, phải tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Nó gợi cảm nhưng không được hở hang, ren lưới… Nó có thể sặc sỡ sắc màu nhưng không được in lên áo dài những hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục…

Câu chuyện chị đặt ra trong bức thư viết đêm qua, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, quả rất đáng để suy nghĩ. Em biết, điều chị mong mỏi đó là thấy ngày càng nhiều hơn những chiếc áo dài xuất hiện trong đời sống. Đời sống của người Việt ngay trên chính mảnh đất hình chữ S này, chứ không chỉ đôi khi xuất hiện trên các chương trình quảng bá du lịch. Và em mong, vào dịp Tết năm nay, chị đưa cháu Nguyệt Anh về Hà Nội, em sẽ dẫn hai mẹ con đi may những bộ áo dài thật truyền thống, để mỗi khi mặc, cháu lại tự hào với vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Em của chị,
Vũ Nguyệt Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/que-huong-hai-ngoai/ao-dai/129522