'Áo chật' làng nghề - hướng đi nào cho làng nghề truyền thống?

Làng nghề Việt Nam thường mang tính tập tục truyền thống đặc sắc, đặc trưng, không chỉ có tính chất kinh tế mà còn bao gồm cả tính văn hóa.

Hà Nội, mảnh đất trăm nghề, có khá nhiều các làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển từ lâu đời. Thế nhưng hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một theo thời gian. Thêm vào đó, sự phát triển tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội đã trở nên quá tải vì thiếu mặt bằng sản xuất.

Nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một theo thời gian.

“Áo Chật” Làng nghề - Thiếu mặt bằng sản xuất

Khác hẳn với vẻ êm đềm thơ mộng của các làng mây tre đan nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ, làng tạc đá của người dân Long Châu Miếu, xã Phụng Châu thu hút khách với âm thanh chát tai của tiếng đục hay tiếng xè xè của máy mài, chà, đánh bóng.

Đã có thời kỳ tưởng như nghề chạm khắc đá không trụ vững trước sự phát triển của thị trường khi những thợ đá giỏi ở Phụng Châu phải lặn lội xuống Ninh Bình, vào Đà Nẵng mưu sinh. Nay các thợ đá tứ phương lại tìm về đây để học hỏi, làm nghề và trau dồi kinh nghiệm. Trong khó khăn, có những cơ sở sản xuất đã tìm được hướng đi riêng để tồn tại và phát triển.

Làng nghề truyền thống điêu khắc đá của thôn Long Châu Miếu có từ trên 200 năm. Từ lâu đã có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với người dân thôn Miếu. Làng nghề không những giúp lưu giữ được những tinh hoa văn hóa lâu đời của dân tộc mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động cho người dân nơi đây, từng bước nâng cao bộ mặt kinh tế vùng nông thôn.

Làng nghề truyền thống điêu khắc đá của thôn Long Châu Miếu

Vừa qua như một tiếng sét đánh ngang tai với những người dân cần mẫn khi nhận được công văn của UBND huyện quyết định cưỡng chế công trình lán trại, vật liệu, cây trồng để trả lại mặt bằng trên diện tích 5,3ha đất làng nghề mà huyện phê chuẩn đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng vào năm 2012. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư và công sức trong 5 năm qua có nguy cơ “tan theo bọt nước”.

Xuất phát từ một việc làm tự phát với quan điểm để ổn định kính tế, để giữ gìn phát triển, không để mai một làng nghề họ đã đổ đất từ một khu đất ruộng nước không thể đi lại, những bụi cây cỏ bỏ hoang sau một thời gian dài bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu họ đã khai hoang hóa thành 1 khu vực trồng cây, sản xuất có hiệu quả tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương. Trên thực tế đó người dân đã được nhận nhiều bằng khen của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề truyền thống.

Anh L một nghệ nhân, xã Phụng Châu buồn bã nói: “Gia đình vay vốn ngân hàng đến thời điểm này đã đầu tư vài trăm triệu đồng để đầu tư đổ đất lấy mặt bằng, trồng cây, làm lán trại, làm đường vào khu sản xuất. Chúng tôi đều muốn phát triển kinh tế, phát huy truyền thống làng nghề , xóa đói giảm nghèo. Nay bắt phá dỡ hết thì biết sinh sống ra sao?”

Chính quyền cần có hướng đi cho làng nghề truyền thống

Mỗi nghề, làng nghề truyền thống đều tự thân mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo và biết bao sản phẩm thủ công từ bàn tay khéo léo, tài hoa do các nghệ nhân “nhào nặn” dù phải trải qua sự kiểm chứng khắc nghiệt của thời gian vẫn được ưa chuộng, yêu mến và trường tồn.

Vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng: Mỗi một nghề truyền thống, mỗi một làng nghề truyền thống là di sản văn hóa của cha ông, là niềm tự hào của một cộng đồng làng, xã nên càng không thể để cho nghề truyền thống, làng nghề truyền thống bị mai một, hay biến mất. Bởi vậy, hơn bao giờ hết làng nghề truyền thống cần phải được gìn giữ và phát huy, tạo động lực để xây dựng và phát triển KT-XH của quê hương theo hướng CNH, HĐH, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

Trao đổi với PV chúng tôi lãnh đạo xã cũng đã tiếp thu ghi nhận những ý kiến của người dân để giữ lại khu vực 5.3ha mà người dân nhiều năm qua đã đầu tư kinh tế để sản xuất. “Đảng ủy và chính quyền xã từ lâu luôn trăn trở, quan tâm và đã có định hướng đẩy mạnh phát triển nghề chạm khắc đá truyền thống, để nâng cao đời sống người dân, để người dân địa phương có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu”

Thông qua báo chí - 27 hộ dân làng nghề với tâm tư tha thiết muốn truyền tải đến UBND Huyện Chương Mỹ, UBND xã Phụng Châu, các cơ quan chức năng “xem xét những công sức, mổ hôi, nước mắt, kinh tế, để người dân chúng tôi được giữ lại những cây trồng, lán trại, vật liệu sản xuất vì chúng tôi đã vay tiền lãi ngân hàng để đầu tư, nếu các cấp ngành bắt chúng tôi phá bỏ thì những hộ dân chúng tôi lấy đâu ra nguồn thu để trả nợ ngân hàng tất cả cũng bắt nguồn từ việc muốn giữ gìn phát huy làng nghề truyền thống. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu đất đã được quy hoạch làng nghề điêu khắc đá, giúp các hộ làm nghề sớm có mặt bằng sản xuất ổn định”.

Xảy ra tình trạng này là do người dân đã quá vội vàng, chính quyền xã cũng có phần quan liêu, khiến nhiều gia đình đứng trước nguy cơ trắng tay, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vì vậy báo Kinh doanh và Pháp luật rất cần sự quan tâm xem xét sự việc của UBND Huyện Chương Mỹ, UBND xã Phụng Châu có biện pháp giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi của người dân, ổn định cuộc sống, đưa quy hoạch làng nghề dần đi vào ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất làng nghề có được một môi trường sản xuất, giữ được những tinh hoa văn hóa lâu đời của dân tộc.

Lưu Huy – XK

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ao-chat-lang-nghe-huong-di-nao-cho-lang-nghe-truyen-thong-p51965.html