Áo bà ba, khăn rằn – Nét duyên độc đáo của người Nam Bộ

Không ai biết xuất hiện từ bao giờ, trải qua nhiều thời đại, chiếc áo bà ba và khăn rằn đến nay vẫn còn thông dụng đối với mọi người, nhất là lớp trung niên trở lên ở vùng đất Nam Bộ.

Đây chính là nét đẹp văn hóa ngàn đời gây ấn tượng khó quên của dân tộc Việt Nam, một đất nước có truyền thống văn hóa đầy tính sáng tạo, đổi mới để tồn tại vượt qua thời gian và không gian…

Áo bà ba, khăn rằn và nón lá đã trở thành một nét phong cách riêng của người phụ nữ miền Tây.

Áo bà ba bình dị mà thướt tha

Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam bộ thuở sơ khai, cũng là tìm về gốc tích của chiếc áo bà ba. Khi đó, không thể lao động nhọc nhằn trong trang phục áo dài, vốn là trang phục truyền thống lúc bấy giờ, ông cha ta đã “biến tấu” và làm nên chiếc áo bà ba giản dị, gọn gàng, nhẹ nhàng và tiện lợi cho người mặc trong khi làm lụng vất vả mà vẫn giữ được nét đẹp mềm mại, dịu dàng.

Nhưng cũng có người lại cho rằng bộ bà ba Nam bộ phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá trình giao lưu văn hóa, được nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân cho phù hợp với tính cách giản dị của dân ta. Tuy nhiên, chúng ta luôn khẳng định một điều rằng dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Áo bà ba vốn là loại áo không có cổ. Cổ áo đa phần là cổ tròn, một ít thiết kế theo kiểu hình trái tim (cổ lá trầu) hoặc cổ vuông tùy sở thích mỗi người. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống.

Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần ôm nhẹ thân mình người phụ nữ. Hai túi áo to hoặc nhỏ tùy ý, thông thường áo bà ba nam hai túi to, áo nữ hai túi nhỏ, song phải cân đối với thân áo cho vừa vặn kiểu dáng không chênh lệch và phải tương ứng với thân hình. Cùng kết hợp áo bà ba với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chấn sẽ làm tăng thêm nét đẹp mềm mại, thanh thoát, làm tôn thêm hình hài vóc dáng dịu dàng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng làm say đắm lòng người.

Áo bà ba gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam bộ đôn hậu, mạnh mẽ, trung kiên trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Khăn rằn, nón lá, áo bà ba theo các mẹ, các chị xông pha trong các cuộc nổi dậy, đồng khởi. Có biết bao chiếc áo bà ba nâu chàm, lam lũ, đã thấm đẫm mồ hôi và máu của những nữ anh hùng Nam bộ, những người phụ nữ đã chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc. Vậy mà hình ảnh các mẹ, các chị trong chiếc áo bà ba vẫn đẹp, vẫn mãi mãi lung linh trong sáng, dệt nên trang sử đẹp của một thời hào hùng của dân tộc.

Càng về sau, chiếc áo bà ba càng được cải tiến dần, tăng vẻ thanh thoát, lả lướt, cao sang, áo bà ba phụ nữ được chế tác biến tấu, nửa thân trên bóp lại có eo, thân sau nhấn “pen”, nửa thân dưới bùng ra trông thân hình tròn trịa. Áo bà ba mang đến nét duyên đằm thắm, dịu dàng cho người mặc, cho ta liên tưởng đến vẻ đẹp mộc mạc, hiền hòa giữa sông nước miền Tây Nam bộ.

Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ nguyên nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, nét duyên dáng thướt tha cho người phụ nữ. Áo bà ba thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, áo bà ba thơm mùi khói bếp, áo bà ba đảm đang giữa chợ đông người, hay những thiếu nữ e ấp trong chiếc áo bà ba đang chèo thuyền trên sông, áo bà ba phấp phới bay trên những chiếc cầu lắt lẻo qua sông. Dù ở đâu, khi nào đi nữa, người ta cũng dễ dàng say đắm trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba, và nhớ người con gái trong chiếc áo bà ba nền nã đó đến nao lòng…

Chiếc khăn của xứ miệt vườn

Nếu như những cô gái xứ Huế thướt tha trong tà áo dài tím mộng mơ, thì những cô thôn nữ Nam bộ lại dịu dàng, mộc mạc trong chiếc áo bà ba cùng chiếc khăn rằn quàng trên cổ. Hình ảnh chiếc khăn rằn bình dị luôn xuất hiện với hình ảnh người dân miền Tây thật thà, chất phác.

Không biết từ bao giờ mà nó đã gắn bó với con người, mảnh đất ấy. Không biết kể từ khi nào chiếc khăn rằn xuất hiện với hình ảnh chiếc áo bà ba, khăn rằn đã trở thành biểu tượng của cả một vùng miền, một văn hóa.

Cũng chẳng ai biết chiếc khăn rằn có từ bao giờ, chỉ biết chiếc khăn xuất phát từ khăn Krama của người Khmer gốc Campuchia. Rồi trong quá trình cộng cư ở Nam Bộ mà đến với các dân tộc khác. Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi với mọi người, như là một biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, chịu khó.

Về với Việt Nam, chiếc khăn qua sự giao thoa ngôn ngữ giữa người Việt và Khmer. Kể từ đấy, chiếc khăn rằn Nam Bộ ra đời. Người Việt học theo người Khmer làm khăn, ngâm sợi vải trong bột hồ 3 ngày 3 đêm sau đó mang đi dệt. Sợi vải ngâm trong bột hồ lúc đầu cứng, nhưng càng dùng khăn càng mềm, đó là một trong những đặc điểm vô cùng độc đáo của những chiếc khăn rằn này.

Chiếc khăn rằn thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn.

Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng 40–50 cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà bình dị, đơn giản. Trước đây, nó thường được dùng để làm đẹp thêm cho những bộ trang phục ngày hội, nhưng sau này chiếc khăn rằn đã trở nên gần gũi hơn với người dân lao động khi nó ngày càng được sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất.

Người nam thường quấn khăn rằn quanh trán khi làm việc để cản mồ hôi rơi xuống mắt. Người nữ hay quàng khăn vào cổ, hai tà để phía trước ngực áo dùng để lau mồ hôi. Đôi khi hai đầu khăn được buông xuôi xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng rất duyên của cư dân Nam Bộ. Vì vậy, khăn rằn đã trở thành một vật dụng tiện lợi và thân thiết cho mọi người, mọi giới trong lao động, chiến đấu và sinh hoạt, để che cơn nắng, thấm dòng mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, cả để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười.

Chiếc khăn rằn là nét đặc trưng riêng cho bản sắc văn hóa của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và ngày nay, chúng không chỉ xuất hiện với hình ảnh người dân miền Tây Nam Bộ, những chiếc khăn rằn theo chân người trẻ thích phượt đến mọi miền tổ quốc. Khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng và quàng lên cổ tấm khăn rằn Nam Bộ… người trẻ chọn cho mình cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước rất riêng.

Ngày nay, có lẽ đã có nhiều thay đổi trong văn hóa trang phục, nhưng chiếc khăn rằn va áo bà ba của Nam bộ trước sau vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, một biểu trưng cho sự duyên dáng của những cô gái cũng như những tấm lòng chân tình, nồng hậu của con người đất phương Nam.

Bảo Phương (TH)/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ao-ba-ba-khan-ran-%e2%80%93-net-duyen-doc-dao-cua-nguoi-nam-bo-p44378.html