Anh trong lòng Tổ quốc…!

Nước mắt chưa khi nào ngừng chảy. Dưới ba tấc đất, dưới lòng đất mẹ.. còn bao nhiêu người con đã anh dũng hi sinh mà mấy thập kỷ, không một dòng tên, không một tiếng gọi… Các Anh hòa vào đất Mẹ thiêng liêng cho bình yên Tổ quốc, cho hôm nay và cho cả mai sau.

Cả dải đất hình chữ S là quê hương các Anh!

Dọc dài Tổ quốc…

Những ngày tháng 7, cảm xúc thiêng liêng lắng đọng… Đi dọc chiều dài đất nước, những Đường 9, Khe Xanh, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, những Ngã ba Đồng Lộc, dòng sông Thạch Hán, những Thành cổ Quảng Trị, những địa đạo Củ Chi, những Suối Tiên, Lê Thị Riêng… gặp đâu đâu cũng một sự tri ân, một sự xúc động đặc biệt. Rất đông các gia đình liệt sĩ đến từ khắp 63 tỉnh thành trong cả nước tìm về, sưởi ấm phần mộ của các Anh, các Chị bằng những nén nhang thơm.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Sau mất mát là hồi sinh, sự sống. Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật. Hàng vạn khát vọng là hàng vạn trái tim mong được về với nhau. Trong các nghĩa trang nơi các anh yên nghỉ, có thể chỉ một rải phân cách nhưng là hai khoảng trời cảm xúc. Một bên với đủ đầy tên họ, hình hài; còn một bên “khuyết” có mộ nhưng không tên, có tên nhưng không họ, không quê quán, không người thân thích... Tôi đã từng đọc những dòng nhật ký tìm mộ. Những con chữ nhảy múa làm tôi xúc động:

“Tôi đã đi trọn dọc dài đất nước, mang tình yêu của bà, mang sự mong mỏi của cả đại gia đình, mang nỗi đau gom góp 50 năm để vượt qua hơn 1700km, qua 21 tỉnh thành phố để được đặt chân tới nơi ông tôi chiến đấu, nơi ông hi sinh, nơi ông được chôn cất (như đồng đội ông kể lại). Đa Phước – Bình Chánh, Phước Lộc – Nhà Bè, rồi xuôi xuống các tỉnh miền Tây... Long An, những địa danh Bốt Cây Khô, Lộ 5,...; dấu chân cũng đủ khắp các nghĩa trang.

Những hạt gạo trắng quê hương miền Bắc có sự trao gửi thương yêu của bà đã theo tôi về nơi ông từng gắn bó. Mỗi hạt gạo về với đất, như mỗi nỗi niềm của bà nhắn gửi tới ông. Đây là hạt quê hương, đây hạt tình yêu của vợ, kia hạt nhớ thương của con, của cháu. Ngã ba sông Sài Gòn, nơi ông ngã xuống, dòng sông đỏ nặng yêu thương ôm ấp từng hạt gạo vào lòng – Cảm giác, ông cùng đồng đội của mình của những năm tháng đó đang ở đâu đây. Có chăng hiện hữu một sự gặp gỡ của âm – dương, của nhớ mong, xa cách.

Bốt Cây khô - nơi diễn ra trận đánh của Tiểu đoàn Phú Lợi II Long An

Trời miền Nam, nghĩa trang Long An giữa trưa như đỏ lửa, như chiến trường hoa lửa hôm nào. Chỉ khác điều hôm nay, người chiến sĩ nằm đây, vẫn ngăn nắp, trật tự như cuộc sống vốn có của người lính nhưng tất cả đã thuộc về một thế giới khác… Các anh các Chị (xin được phép gọi người chiến sĩ bằng danh từ nhân xưng mà cả đất nước hôm nay vẫn trân trọng gọi khi nhắc về các Anh các Chị) đều hi sinh khi còn rất trẻ. Tấm bia mộ đề tên, có người còn chưa tròn 18. Những ngôi mộ không tên, những ngôi mộ “Liệt sĩ chưa xác định được tên”, những ngôi mộ có tên... các Anh các Chị nằm đây quây quần tụ họp giữa nắng, giữa gió, giữa khoảng trời bình yên đã được đánh đổi bằng cả tuổi hai mươi phơi phới.

Bản trích lục lạnh lùng với dòng chữ vắn tắt – nơi hi sinh – thuộc Nam bộ. Cả một miền Nam mênh mông, bao nhiêu tỉnh thành, huyện xã; Rồi cả một Tiểu đoàn Phú Lợi 2 Long An mấy trăm con người, bao nhiêu năm tìm kiếm liên lạc cũng chỉ còn một chiến sĩ – cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Manh mối mong manh quá. Tôi đã đến những nơi cần đến, đã gặp những má, những cô, những chú Hai, chú Tư... của một thời ông chiến đấu, đã rơi những giọt nước mắt vì nhớ thương bất lực.

Ông tôi đang ở đâu trong mỗi tấc đất miền Nam!

Có lẽ... sự an ủi duy nhất còn lại – ông ở lại với đồng đội, với chiến hào, với bà má miền Nam từng chở che bao bọc người chiến sĩ đặc công năm ấy. Bà tôi lưng còng vẫn nuôi hi vọng tìm chồng. Tôi không muốn nghĩ – bà tôi - những ngày vui cuối cùng còn bao nhiêu nước mắt?

Kết thúc chuyến đi, khép lại hành trình trong thương nhớ vơi đầy, trong yêu thương và trong cả nước mắt. Để tìm ông, sẽ còn những hành trình thứ “n” đang đợi chúng tôi phía trước. Và bố mẹ tôi đã bắt đầu hành trình tìm ông trong sự tri ân đồng đội của cha mình suốt dọc dài miền Trung. Hi vọng ít dần đi nhưng niềm tin nhân lên, có thể đến một ngày ngay cả người đồng đội duy nhất còn lại của Tiểu đoàn Phú Lợi 2… (tôi không dám nghĩ tiếp) thì tôi vẫn tin có một phép màu đưa ông về với bà, với quê hương.”

Đã có biết bao dòng nhật ký như thế. Hơn một triệu người hơn một triệu nỗi đau, hơn một triệu cảm xúc.

“…Ông chúng tôi nằm dưới ngôi mộ ấy, ngôi mộ có tên nhưng không “đủ”. Ngôi mộ tượng trưng cho người liệt sĩ đã trung kiên vì nước quên mình. Ông tôi còn nằm đâu đây… nơi dọc dài đất nước!? Bao nhiêu năm, bà tôi vẫn lặng lẽ chăm sóc phần mộ của chồng – như sự tưởng nhớ khôn nguôi, bàn tay nhăn nheo lần dờ tấm bia mộ, ân cần, tha thiết, lau lớp bụi mù như sợ thời gian không cho bà cơ hội gặp lại ông, như sợ... làm thôi hi vọng tìm chồng.”

Giọt nước mắt rơi cho người nằm dưới mộ, giọt nước mắt rơi cho người ở lại. Trong nỗi đau mất mát người thân chưa tìm thấy hài cốt ấy, phải chăng có cả sự bất lực hiện hữu, sự bất lực bóp nghẹt trái tim… Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng vì điều kiện, vì hoàn cảnh, vì trăm nghìn thứ ở đời mà có rất nhiều gia đình sau nhiều năm mới có thể đi tìm lại hài cốt liệt sĩ của gia đình mình - khi mà những manh mối để tìm ngày một ít đi.

Không một quốc gia, dân tộc nào lại trải qua những năm tháng chiến tranh nhiều, khốc liệt, liên tiếp như dải đất hình chữ S này. Đau thương chồng chất đau thương, sự mất mát không ngôn từ nào gánh đủ. Với các Anh các Chị, cha mẹ đặt tên nhưng gọi tên mình là Tổ quốc thiêng liêng.

Giá trị của hòa bình là đây!

Họ đã hi sinh cho dân tộc sống lại

Cả nước có trên 9 triệu người có công, gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính... Có lẽ chưa có con số nào gánh cả quá khứ, gánh cả hiện tại, gánh nhớ thương như những con số ấy.

Thử hình dung, một đất nước mà đối tượng người có công với cách mạng, chiếm gần 10% dân số thì sự hi sinh, mất mát phải lớn đến mức nào. Ở một đất nước mà hình ảnh người vợ, chồng hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, bỏ lại tuổi xuân, người phụ nữ đã dành cả một đời thờ chồng, nuôi con đã trở thành một hình tượng quen thuộc. Những tượng đài kỷ niệm, những tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng được dựng lên tượng trưng cho chủ nghĩa Anh hùng cách mạng.

Bao nhiêu tỉnh, thành phố, xã là bấy nhiêu nghĩa trang liệt sĩ và thực tế nó còn nhiều hơn con số đó rất nhiều. Đất nước đã đi qua cuộc trường chinh nhưng còn biết bao người vợ, người mẹ đang chờ chồng, ngóng con… “Biết bao bà mẹ, người vợ, người con và những thân nhân liệt sĩ đang mong mỏi tin tức của người thân không trở về sau chiến tranh. Đây là mất mát quá lớn đối với dân tộc ta, đất nước ta, trong đó có các thân nhân liệt sĩ, người có công" (Phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại buổi gặp mặt biểu dương đại biểu người có công nhân kỷ niệm 70 Ngày Thương binh liệt sĩ).

Sau rất nhiều nỗ lực, theo số liệu thống kê, đến nay đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được hơn 950.000 hài cốt liệt sĩ. Con số được tìm thấy, con số được gọi tên là một phần bao nhiêu trong con số hơn triệu kia? Nước mắt chảy xuôi hay nước mắt chảy ngược thì thời gian đủ thấm lòng người, đủ để nhắc nhớ. Những dòng chữ chạm khắc nỗi đau... Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương hãy còn trên dấu thời gian.

Chúng tôi – những người thuộc thế hệ sau, thế hệ con cháu chưa từng qua hòn tên mũi đạn, chưa từng chịu sự chia cắt; dẫu trái tim đang hòa cùng nhịp đập tưởng nhớ; dẫu có cố gắng để hiểu nhưng sẽ không thể cảm hết sự mất mát, đau thương của bà, của những người mẹ, người vợ, người con liệt sĩ.

Một chút manh mối mong manh, một tia hi vọng dù rất nhỏ về liệt sĩ cũng đủ làm sống lại niềm tin của bao người. Trong những ngày tháng 7, may mắn nhiều hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa đã khiến trái tim bao người thổn thức, cũng khiến nhiều gia đình nuôi thêm hi vọng. Sẵn sàng hi sinh, hiến dâng cho Tổ quốc, tinh thần ấy chưa bao thay đổi; được hi sinh cho hòa bình, độc lập là vinh dự, là niềm tự hào của bản thân người chiến sĩ cách mạng, của thân nhân nhưng nó cũng chất chồng nỗi đau khi xương máu các Anh các Chị vẫn còn ở lại chiến trường.

Xoa dịu nỗi đau chiến tranh, sự tri ân chưa bao giờ là đủ. Trong một hội nghị gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh. Nhiều người khi trở về mang thương tật suốt đời. Họ chết cho dân tộc sống lại. “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngày 27/7 là ngày thể hiện sự tri ân của những người còn sống đối với liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đồng thời đẩy mạnh công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã trở thành hoạt động thường xuyên”.

Cả đất nước đang sống trong những ngày tri ân đặc biệt, tên tuổi các Anh các Chị được nhắc đến mỗi ngày. Trong nhớ thương vời vời, trong sự xúc động nghẹn ngào, hình ảnh các Anh các Chị trở về trong trận chiến trên Đường 9, bên dòng sông Thạnh Hãn,... trên những trọng điểm chiến đấu ngày nào cứ hiển hiện không thể nào quên trong nước mắt bao người.

Mong lắm một sự quan tâm, một quyết tâm đủ lớn để có thể sớm đưa các Anh các Chị về với quê hương, về với người thân để ấm lòng người đi, an ủi người ở lại.

Chất chứa cảm xúc, chất chứa yêu thương song cũng chất chứa nỗi niềm đau xót. Cảm xúc chạm vào trái tim. Dọc dài Tổ quốc là nơi tình yêu các Anh các Chị sẽ gửi lại!

Thịnh Giao

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/anh-trong-long-to-quoc_n27663.html