Ánh nhìn khắc khoải

Nắng chiều nghiêng. Những tia nắng cuối ngày xuyên qua tán cây bạch đàn ven sông như rọi từng bước tôi về. Gần nửa năm rồi tôi mới về đây, nơi thường làm tôi mất ngủ mỗi khi dự định về thăm.

Tôi cố tình cho xe đi thật chậm để làn gió khẽ mơn man đôi má, để ngấu nghiến cho căng đầy lồng ngực cái khí trời quê hương mà tôi vẫn thèm thuồng. Những cánh hoa hoàng hậu mỏng manh, vàng tươi nương theo gió vướng vào vai, vào tóc tôi để nghe gió chiều miên man.

Dựng xe trước nhà, ôi phảng phất mùi thơm của mắm đồng. Tôi bước chân thật khẽ, thật nhẹ lần theo mùi hương và ôm chầm lấy tấm lưng của người phụ nữ cõng nắng dầm mưa, thỏ thẻ gọi: “Mẹ ơi, con đã về!”. Tự dưng thấy khóe mắt mình cay cay không biết vì làn khói bếp bay lên quyện vào đôi mắt hay cay vì được ngửi lại mùi mồ hôi mằn mặn quen thuộc vẫn ẩn hiện chập chờn trong giấc ngủ.

Những giọt nắng cuối cùng cũng giã biệt bầu trời, cha mới chịu vào nhà, không có nụ cười cũng chẳng có vẻ mặt mừng đứa con gái lâu lắm mới về, lần nào cha cũng chỉ nói: “Bây về rồi à”. Bữa cơm gia đình tôi mong đợi diễn ra trong im lặng, cha vẫn không nói và ăn đúng hai chén cơm. Đây là thói quen của cha dù hôm đó mẹ chỉ nấu nồi cá kho mặn chát hay canh thịt đề huề thì cha vẫn vậy. Mẹ thì không bỏ được thói quen vẽ từng miếng thịt cá bỏ vào chén cho tôi…

Ảnh minh họa/nguồn internet.

Lòng tôi buồn, có cái gì đó tưng tức mà không thể nói thành lời. Dọn cơm xuống nhà sau, tôi không ngăn được lòng với giọng trách hờn: “Lâu lâu con mới về mà cha chẳng vui chút nào. Chắc cha chẳng bao giờ thương con như mẹ. Mai con đi nữa, Tết mới về !”. Câu nói vô tình của tôi làm trái tim mẹ nhói đau với cái nhìn xa vắng: “Cha thương con, tại con không biết. Mỗi lần con nói không về, ổng lại hút thuốc nhiều. Chắc tại bầy tôm dạo này quậy quá nên ổng lo lắm. Cha mẹ già rồi, ăn xài có bao nhiêu, đâu cần phải lo nghĩ nhiều, chỉ lo là lo cho con thôi”. Hóa ra gần 70 tuổi cha không chịu nghỉ ngơi, vẫn nắng sớm đồng trưa, vẫn tăng gia sản xuất vì thương đứa con gái còn lận đận ở xứ người. Vì thương con gái chưa có nơi ăn chốn ở đàng hoàng mà cha phải rầu lo, mất ngủ quên ăn mỗi khi con tôm khó ở.

Ấy vậy mà, tôi chỉ biết dỗi hờn. Tôi quá vô tâm để không hình dung được vẻ thất vọng của cha, nét đượm buồn của mẹ mỗi khi nghe “tuần này con lại không về”. Và bao tuần rồi đã trôi qua, tôi có hiểu gì đâu. Tôi vô tâm để không nhớ một đêm khuya gió lạnh, đường mưa lầy lội, mẹ ôm bó lá dừa đốt đuốc rọi đường để cha cõng tôi chạy hơn 10 cây số đến trạm xá. Mồ hôi ướt đẫm mà cha mẹ đâu dám nghỉ giây phút nào vì trán tôi nóng như than hồng. Tôi vô tâm nên chẳng còn nhớ ngày tôi nghịch ngợm bị bầy ong chích gần trăm vết, sốt cao, mê sảng, cha bế tôi trên vai vỗ về giấc ngủ, mẹ ôm tôi vào lòng quạt thâu đêm. Những đêm tôi học bài khuya, mẹ đưa võng kẽo kẹt đợi chờ. Nằm trong mùng, mắt cha thao thức lắng nghe từng tiếng học bài của con trẻ…

Đêm nay, chẳng có tiếng học bài nhưng lại một đêm cha mất ngủ. Giữa đêm tĩnh lặng, một đốm lửa đỏ cứ cháy, phả vào màn đêm cái làn khói trắng khiến những cơn ho kéo dài không dứt. Đêm không ngủ, cha lại xách đèn ra đồng tôm, lắng nghe từng tiếng trở mình của con tôm mà lòng cha như nghẹn thở. “Cha mẹ già rồi, ăn xài có bao nhiêu, đâu cần phải lo nghĩ nhiều, chỉ lo là lo cho con thôi”, lời nói của mẹ lại âm vang, như tiếng vọng của màn đêm để tôi nghe lòng mình thắt lại. Gần 30 tuổi, dường như tôi mới bắt đầu hiểu tâm tư của cha mình, người cha ít nói, ít cười nhưng luôn có ánh nhìn khắc khoải, chờ mong mỗi khi đứa con gái chưa về. Chợt nhận ra gần nửa đời người tôi đã sống như kẻ vô tâm. Tôi nghe tim mình nhói đau khi biết rằng chẳng còn bao nhiêu thời gian để có thể thấu hiểu.

Sáng ấy, tôi phải đi thật. Mẹ treo sẵn trên xe cho tôi một nải chuối vừa chín bói, đòn bánh tét hàng xóm mới cho hôm qua. Cha cũng chẳng hỏi khi nào tôi về, chỉ đưa cho tôi chục hột gà so rồi dặn: “Bây ăn uống cho đàng hoàng”. Tôi đã ốm đi dù không nhiều, cha không nói nhưng vẫn thấy nét xanh xao của con gái, trong khi màu áo của cha, sợi tóc của mẹ đã bạc màu theo năm tháng mà tôi nào có nhận ra. Lần đi này cũng như bao lần trước nhưng trong ba lô của tôi dường như có cái gì đó nằng nặng. Chẳng phải nặng vì chục hột gà hay nải chuối mà tôi còn chở theo ánh nhìn khắc khoải, mong chờ của cha, nét đượm buồn nơi mắt mẹ khi nhìn từng vòng xe của tôi khuất dần trong sương sớm.

MI NI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/anh-nhin-khac-khoai-518137