Ảnh: Cuộc sống những em bé ở "làng da cam" Hữu Nghị

Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng nỗi đau chiến tranh để lại vẫn nặng nề qua những hình hài của các nạn nhân chất độc màu da cam đang tồn tại Làng Hữu nghị Việt Nam (thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Hàng vạn trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba bị di chứng chất độc dioxin đang từng ngày phải chịu sự đau đớn về thể xác

Làng Hữu nghị Việt Nam là tổ chức hoạt động xã hội từ thiện nhân đạo, chăm sóc, giáo dục 120 trẻ bị di chứng chất độc màu da cam. Những trẻ em khuyết tật được giáo dục cả về thể chất cũng như tinh thần, được học kỹ năng sống và hướng nghiệp để có thể hòa nhập với cộng đồng.

Cô Nguyễn Thị Oanh, phụ trách lớp học đặc biệt 1 - gồm tất cả các em khuyết tật về trí tuệ và giao tiếp cho biết: "Hằng ngày, các em học các chương trình chỉ tương đương với các em nhỏ học ở mầm non. Độ tuổi của lớp từ 7 tuổi – 18 tuổi nhưng mức độ nhận thức chỉ như các em bình thường 2,3 tuổi". Trong ảnh cô giáo Oanh đang dạy cho các em thông qua kí hiệu bằng tay.

Những phép tính đơn giản nhưng đối với các em phải trải qua nhiều tháng mới có thể làm được bằng cách đếm đầu ngón tay. Các em còn được học bảng chữ cái, kỹ năng giao tiếp.

Bé Phạm Văn Mạnh, sinh năm 2007 (Xuân Trường, Nam Định) bị câm điếc nên ảnh hưởng đến trí tuệ của em. Mạnh đã thuộc bảng chữ cái qua đầu ngón tay, biết hình dạng, màu sắc, biết viết được tên của em, tên bố mẹ, tên cô giáo và các bạn trong lớp

Ông Đinh Văn Tuyên, Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam cho biết, những em bị di chứng chất độc da cam - dioxin sống ở đây đến từ nhiều tỉnh, thành phố từ Quản Nam, Đà Nẵng trở ra. Hiện tại ở làng có 60 em được chia làm 6 lớp, 2 lớp học đặc biệt, 4 lớp nghề.

Mọi sinh hoạt của các em được hoàn toàn miễn phí. Kinh phí từ hai nguồn chính: nguồn từ ngân sách và nguồn hỗ trợ từ ủy ban Quốc tế, ngoài ra còn nguồn tài trợ do của các tổ chức trong và ngoài nước.

Các em được ở đây từ 3 năm – 5 năm, tùy theo mức độ hòa nhập của từng em, em nào sớm thì về trước, em nào muộn, phát triển chậm thì về sau.

Trong 6 lớp có 4 lớp dạy nghề như tin học, thêu, may quần áo, làm hoa giả, cắt tóc gội đầu. Có em phát triển tốt còn theo học các trường bên ngoài, có em học trung cấp, đại học nhưng số này rất ít.

Sau giờ học, các em trở về với sinh hoạt bình thường. 120 em sống trong 5 ngôi nhà, mỗi nhà đều có bảo mẫu chăm sóc. 8 bảo mẫu ở đây đều là người địa phương, sống gần Làng Hữu nghị Việt Nam.

Ở trên lớp các em được học các kĩ năng tự phục vụ như đánh răng, rửa mặt, gội đầu... - đây là các kĩ năng tự phục vụ bản thân nhưng các em không biết làm cái nào trước, cái nào sau chính vì vậy các em phải học từng kĩ năng nhỏ, xong về phòng ở áp dụng. Tuy nhiên, nhiều em vẫn phải cần sự giúp đỡ của các bảo mẫu.

Trước giờ ăn, các em ngồi bên nhau trò chuyện bằng kí hiệu riêng rất bình yên

Những ngày trở trời, một số em đau nhức, khó chịu đến nỗi không muốn ăn cơm dù được các bạn sinh viên tình nguyện tận tình chăm sóc

Bé Phạm Văn Mạnh đã biết mang bát, đũa của mình từ phòng ở xuống phòng ăn tập thể, bé rất hiếu động, cứ thấy máy ảnh lại cười hết cỡ

Bé Nguyễn Hoàn Năm (9 tuổi) chào bảo mẫu trước khi theo mẹ về nhà. Mẹ của bé là Vũ Thị Xuân cho biết, ngày nào cũng đưa con từ nhà ở Trung Văn (Hà Nội) đến học, tối đón về, bé bị chậm phát triển do di chứng của bố, bố của bé đi bộ đội từ năm 1974, năm 1976 xuất ngũ nhưng vẫn bị dính chất độc hóa học.

Làng Hữu nghị Việt Nam được thành lập theo nguyện vọng của những người trước đây đã từng có những suy nghĩ và việc làm sai trái đối với Việt Nam, đã thức tỉnh lương tâm, ân hận và muốn được hợp tác góp phần xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân trong chiến tranh trước đây. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai.

Vào năm 1988, lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau 13 năm kết thúc chiến tranh, ông George Mizo - một CCB Mỹ tham chiến ở Việt Nam - có nguyện vọng xây dựng một biểu tượng của sự hàn gắn, hợp tác và hòa giải. Đầu những năm 1990, Làng Hữu nghị Việt Nam được thành lập và đón những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam đầu tiên về đây chăm sóc.

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/anh-cuoc-song-nhung-em-be-o-lang-da-cam-huu-nghi-c46a787295.html