Anh có thích nước Mỹ không?

Thoạt nghe chẳng thấy có gì liên quan đến chúng mình cả, thế mà em đã khóc suốt đêm khi đọc cuốn sách này và nhớ lại chuyện tình của anh và em.

Ngày ấy, em cũng như Trịnh Vi, cô gái 17 tuổi hồn nhiên, trong sáng và tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu đầu đời. Cá tính Trịnh Vi có cái gì đó rất gần em thủa đó. Ngày ấy em cũng từng nghĩ như cô ấy rằng: "Tớ là ai, tớ là thiên hạ vô địch Ngọc Diện Tiểu Phi Long, có cái gì tớ không giành được chứ?" Anh ngày ấy, chẳng giống ai trong hai nhân vật Lâm Tĩnh và Trần Hiếu Chính cả, anh chỉ giống họ ở cách rời xa em không một lời giải thích (Lâm Tĩnh) và lấy đi của em tình yêu đầu đời cuồng nhiệt và say đắm (Trần Hiếu Chính). Ngày xưa ấy, em cũng lẽo đẽo đi theo anh như Trịnh Vi đi theo Lâm Tĩnh, yêu anh đến mụ mẫm và nghĩ rằng nếu thiếu anh cuộc sống chẳng còn mảy may một chút ý nghĩa gì (như tình yêu của Trịnh Vi dành cho Trần Hiếu Chính). Anh đối với em: vừa có dịu dàng, ân cần, chu đáo, người lớn của Lâm Tĩnh, nhưng cũng có lúc xa vời vợi, khó hiểu như của Trần Hiếu Chính. Ngày xưa ấy, mỗi khi anh đánh đàn và hát cho em nghe một bài hát của Trịnh Công Sơn, em thấy mình là người con gái hạnh phúc nhất thế gian và tình yêu của chúng mình lãng mạn nhất thế gian này anh ạ. Em, cô gái chưa tròn 18 tuổi, được tỏ tình vào một chiều mưa, bên hiên nhà xưởng, dưới gốc cây nhãn già (không phải cây Hòe), sau khi nghe anh hát: "Chiều mưa cuối tuần, mưa bay lất phất và mây trắng giăng giăng... Nàng tiên giáng trần giang đôi cánh trắng giờ đang đứng bên anh... Em ơi! Nếu mà trời gọi về thì tiên có về không?". 6 tháng bên nhau, không nhiều hơn những cái nắm tay run rẩy, những bài tình ca tự đệm đàn tự hát tặng nhau, những cái nhìn như muốn thiêu cháy cả hai đứa... chỉ có vậy, không nhiều hơn, vậy mà sao em yêu anh nhiều đến thế, yêu đến độ tưởng chết đi được khi anh ra đi không nói một lời. Anh ạ... Cảm xúc của Trịnh Vi khi Lâm Tĩnh rồi Trần Hiếu Chính bỏ nàng lại một mình để đi Mỹ, gộp lại cũng chỉ như cảm xúc của em khi anh ra đi. Hụt hẫng, đau khổ, tan nát cõi lòng, mất hết niềm tin, câm lặng tê tái... Trịnh Vi ôm chân anh bạn Lâm Tĩnh khóc như mưa gió, còn em đứng dưới trời mưa, ngửa mặt lên trời mà khóc. Cuộc đời Trịnh Vi luôn gắn với hình ảnh ánh trăng, còn em là những cơn mưa anh ạ. Anh biết không: Cảm giác của Trịnh Vi khi hỏi các ứng viên câu: "Anh có thích nước Mỹ không?" chính là cảm giác của em mỗi khi nghe lại bài hát cũ. Cuối cùng, Tân Di Ổ đã để Trịnh Vi và Lâm Tĩnh được ở bên nhau, còn anh và em mãi mãi không được đi chung trên đường đời. Dẫu rằng khi anh quay về, khi anh đã có sự nghiệp, anh đã muốn chúng mình nối lại tình cảm, nhưng em đã không thể vị tha được như Trinh Vi anh ạ. Lúc đó em đã không thể tha thứ cho mình và cả cho anh. Giờ đây cả hai chúng mình đều thành đạt, đều có một gia đình êm ấm, nhưng sao em vẫn hận mình đã không giữ được anh bên mình. Sao mỗi khi đọc một câu chuyện có hoàn cảnh giống như chúng mình ngày xưa em vẫn... khóc. Anh à, em muốn anh đọc cuốn sách này, em muốn anh cảm nhận được nỗi đau của em khi anh ra đi, để anh hiểu phần nào lý do em đã không chấp nhận anh quay trở lại. Giờ đây, sau hơn 20 năm, nhìn lại câu chuyện thủa ban đầu, em thấy Tân Di Ổ nói đúng: Giống như cố hương là nơi con người ôn lại thuở hàn vi, tuổi xuân là quãng thời gian để con người nhớ nhung, hoài niệm, khi bạn ôm nó vào lòng nó sẽ chẳng đáng một xu, chỉ khi bạn dốc hết nó, quay đầu nhìn lại, tất cả mới có ý nghĩa - những người từng yêu và làm tổn thương chúng ta, đều có ý nghĩa đối với sự tồn tại tuổi xuân chúng ta. Nếu ai chưa đọc cuốn sách này, hãy tìm đọc, đây là một cuốn sách hay. Với những người đã qua rồi tuổi trẻ, có thể thấy một chút gì của mình trong đó. Với những ai mới chập chững bước vào đời, có thể học được rất nhiều điều trong đó.

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/van-hoa/20110103024158317/anh-co-thich-nuoc-my-khong/