Anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú: 'Tôi phản đối việc bỏ Tết cổ truyền'

"Ai ghét Tết, muốn bỏ Tết thì cứ việc đưa nhau đi trốn Tết. Tôi vẫn cứ yêu đến tha thiết những ngày giáp Tết, đêm giao thừa và cả những ngày đầu năm mới" - Anh "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú khẳng định.

Hình ảnh mọi người bên bánh chưng ngày Tết xưa rộn rã tiếng cười đùa.

Thời gian đến Tết Nguyên đán chỉ còn đến ngược từng ngày nhưng đến thời điểm hiện tại có nhiều quan điểm trái chiều về việc có nên gộp Tết dương lịch và Tết âm lịch làm một hay không. Theo quan điểm nhà văn trẻ Tuệ Nghi đưa ra cách đây ít ngày : “Đã đến lúc chúng ta bỏ Tết cổ truyền”. Bởi, "Hà cớ gì đạo đức xã hội càng xuống cấp, kinh tế thì thụt lùi, Tết thì ngày càng “nhạt” mà cứ phải khăng khăng “giữ hồn”?" - Nhà văn Tuệ Nghi bày tỏ.

Anh "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú khẳng định quan điểm của bản thân trước cuộc tranh cãi nảy lửa gộp Tết ta với Tết tây.

Xung quanh vấn đề này, mới đây, anh "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú - người giữ mục tư vấn trên báo Hoa học trò sau anh “Chánh Văn” đời đầu tiên Đoàn Công Lê Huy đưa ra quan điểm đối lập thông qua một bài viết được chia sẻ trên trang facebook của mình. Bài viết này có lời tựa: "Xin đừng giết nốt cái Tết sót còn!" của Hoàng Anh Tú có nội dung như sau:

"Một năm còn lại bao nhiêu ngày lễ mang ý nghĩa và bản sắc người Việt, của riêng người Việt? Hay rồi ta sẽ chỉ còn hân hoan với Valentine, với Halloween, với Noel, Black Friday, Ngày của Mẹ, Ngày của Cha...

Hôm qua, trong chương trình "Tết nay còn bại bao nhiêu?" của Diễn đàn Văn học Nghệ thuật (sẽ phát 10h sáng mùng 2 Tết trên VTV1), tôi và 2 khách mời nữa cùng tranh luận và chia sẻ quan điểm của mình về Tết cổ truyền. Tôi thừa nhận rằng Tết nay đã khác Tết xưa. Thừa nhận rằng nhiều thứ đã nhạt nhòa. Cổ súy người ta chọn cách đi du lịch trốn Tết. Than thở về cái cách người lớn tạo ra "thuốc độc" lì xì trong đầu con trẻ. Thậm chí đứng về phía những người "giảm thiêng liêng" của Tết bằng quan điểm: Cúng gì cho các cụ? Cúng những thứ mình sẽ ăn chứ không cúng theo quy ước cổ truyền kiểu mâm ngũ quả phải là 5 loại quả không được có hạt. Tôi cũng nói mình thậm ghét bánh chưng. Ghét câu đối. Đặc biệt là ghét những thứ chữ Việt giả chữ Hán. Tôi thấy những thứ đó mới là thủ phạm khiến nhiều người trẻ trong đó có tôi: ghét và sợ Tết".

Nhưng. Nhưng nếu bỏ Tết cổ truyền thì tôi phản đối. Nói như nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Chừng nào người ta bỏ đi cái ban thờ gia tiên, thần linh thì khi đó có thể bỏ Tết. Chừng nào chúng ta còn Tết, chúng ta còn Việt. Tết không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa những người đang sống mà nó còn là cuộc gặp gỡ với những người đã khuất...

Tết nhạt vì ai? Muôn năm hoa đào vẫn màu đó, vạn năm hoa mai vẫn rạng rỡ thế kia sao kêu Tết nhạt? Có những thứ biến tướng như tục lì xì, như rượu chè liên miên, như cờ bạc khắp lối, như lễ hội nối nhau dài dằng dặc là bởi chính ta đã nhìn nó móp méo đi bằng những định kiến của mình. Cái đó là phải tự mình răn mình, tự mình từ chối sao lại đổ lỗi cho Tết? Như cái kiểu đổ lỗi cho mạng mẽo làm người ta sống ảo. Như cái kiểu kết tội facebook làm người với người xa nhau vậy!

Văn hóa là thứ "sống", nó biến đổi dần theo thời gian, thời đại. Chẳng thể cứ ép nó nguyên mẫu 100 năm trước thế nào 100 năm sau phải vẫn vẹn nguyên như thế. Nhưng cái cốt lõi của Tết, giá trị của Tết thì còn nguyên giá trị. Xưa người ta có thể ăn Tết 15 ngày, cả tháng thì nay dù Tết chỉ còn 3 ngày cũng có sao? Miễn là 3 ngày ấy chúng ta có đủ lòng trọn vẹn hưởng Tết...

Lời kết cho bài viết "Xin đừng giết nốt cái Tết sót còn", anh "Chánh Văn" đưa ra lời khẳng định: "Ai ghét Tết, muốn bỏ Tết thì cứ việc đưa nhau đi trốn Tết. Tôi vẫn cứ yêu đến tha thiết những ngày giáp Tết, đêm giao thừa và cả những ngày đầu năm mới!".

Cư dân mạng xôn xao đưa quan đưa ra quan điểm sau bài viết của anh "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú.

Sau khi đăng tải, bài viết của anh “Chánh Văn” đời thứ 2 trên báo Hoa học trò ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, đa số các ý kiến đều tỏ ra đồng tình với quan điểm không thể bỏ Tết cổ truyền của Hoàng Anh Tú. "Em cũng vậy không bao giờ bỏ Tết. Cái không khí hương vị các món bánh mứt, cái bận rộn dọn dẹp nhà cửa, ban thờ, bếp núc...tất cả đã không thể nào phai. Đặt biệt cái thời khắc chuyển giao năm mới làm cho mình cảm giác được lớn khôn và bước thêm thử thách" - facebooker Bến Tam Thương chia sẻ.

Còn facebooker Lê Thu Trang bày tỏ: "Chả hiểu sao em vẫn mong đến Tết, dù Tết đến phải chuẩn bị rất nhiều thứ, tốn kém rất nhiều tiền, dù đến giao thừa là hai vợ chồng dằn dỗi nhau vì "năm nay đón giao thừa bên nào", dù hết mùng một là cảm thấy hết Tết rồi, nhưng cứ qua Tết là lại mong Tết năm tới rồi. Em cũng ủng hộ giữ Tết âm lịch".

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/anh-chanh-van-hoang-anh-tu-toi-phan-doi-viec-bo-tet-co-truyen-739096.html