Áng hùng văn bất hủ khi Tổ quốc lâm nguy

Cách đây tròn 70 năm, ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi của Người thể hiện ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Kim Liên

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Bác Hồ viết trong bối cảnh rất khẩn trương, ngặt nghèo khi thực dân Pháp bộc lộ rõ dã tâm gây chiến và xâm lược nước ta bằng sức mạnh quân sự bất chấp các thỏa thuận trước đó.

Ngày 16/12/1946, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương họp tại Hải Phòng đã quyết định thực hiện “một năm đảo chính” về quân sự, đặt Chính phủ Pháp tại Pari trước sự đã rồi bằng việc gia tăng các hoạt động khiêu khích, gây sức ép ngay tại Hà Nội.

Cụ thể, thực dân Pháp gây ra vụ tàn sát dân thường ở phố Yên Ninh - Hàng Bún ngày 17/12/1946; chúng liên tiếp gửi tối hậu thư buộc ta phải giao quyền giữ trật tự, trị an ở Hà Nội, buộc tự vệ, công an của ta phải giao nộp vũ khí… Nếu không, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.

Tất cả các động thái trên của Pháp là nhằm ép ta đến mức không chịu được, phải nổ súng trước, từ đó, chúng lấy lý do đó vu cáo chúng ta gây ra cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước.

Trước bối cảnh đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” rất ngắn gọn nhưng Bác viết rất cẩn trọng, từ ngữ nào chưa toát lên được tinh thần như một bài hịch thì Bác bỏ đi, từ nào tối nghĩa, không rõ nghĩa, Bác cũng bỏ đi cho nên chúng ta thấy bút tích của Bác viết đè lên nhiều chỗ.

Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm sâu vào tâm khảm mỗi người dân, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân ta.

Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lý do nhân dân ta phải đứng lên kháng chiến.

Người viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! chúng ta phải đứng lên”. Chỉ bằng một đoạn viết ngắn như vậy, Người đã giải thích cho toàn dân hiểu rõ chúng ta rất mong muốn hòa bình, thiết lập tình hữu nghị, sự hợp tác với Chính phủ và nhân dân Pháp, nên chúng ta đã có những nhân nhượng, cam kết. Nhưng vì đối phương chủ trương gây chiến, nhân dân ta không còn con đường nào khác là buộc phải đứng lên để chống lại chiến tranh phi nghĩa của Pháp.

Bên cạnh đó, Người đã diễn giải một cách mộc mạc, dễ hiểu nội dung quan điểm toàn dân kháng chiến khi kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc”. Như vậy, chủ trương tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, trong đó mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm, đường phố là một pháo đài, tận dụng triệt để sức mạnh của toàn dân tham gia kháng chiến để tạo nên một so sánh lực lượng hơn hẳn, áp đảo kẻ thù, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát một cách đầy đủ, gọn rõ: Hễ là người Việt Nam thì phải tham gia kháng chiến.

Trong lời kêu gọi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày một cách giản dị và hào hùng về đường lối, quan điểm của cuộc chiến tranh toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến khi viết: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có gươm, có súng thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, giáo mác. Ai cũng phải ra sức đánh thực dân Pháp”. Vì đây là một cuộc chiến tổng lực, cần phải đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, trên mọi lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, ngoại giao, để tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn hơn địch để giành thắng lợi.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời kêu gọi dành riêng cho bộ đội, tự vệ, dân quân, bởi đây là lực lượng chủ lực, nòng cốt, quyết định thành công: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”.

Kết thúc Lời kêu gọi, Người khẳng định một niềm tin tất thắng thuộc về nhân dân ta khi viết: “Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Sự khẳng định này tưởng chừng như đơn giản nhưng để đạt được điều đó, Người đã xác định trước với toàn dân là cuộc chiến đấu sẽ diễn ra vô cùng khó khăn gian khổ với nhiều hy sinh, tổn thất. Đây là sự chuẩn bị tinh thần rất cần thiết cho quân và dân cả nước trước khi bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến với niềm tin tất thắng vào sự nghiệp chính nghĩa.

Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cách đây đã 70 năm, nhưng tiếng gọi thiêng liêng ấy vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, trong ý thức bảo vệ Tổ quốc của thế hệ hôm nay và mai sau. Lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc cùng với ý chí, hành động đánh giặc cứu nước của dân tộc ta đã để lại bài học quý giá.

Lời kêu gọi ấy cũng là lời cảnh báo các thế lực xâm lược rằng mỗi khi đất nước Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một dân tộc nhỏ bé nhưng với ý chí, quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, chúng ta có đủ sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Kim Liên

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-tri/ang-hung-van-bat-hu-khi-to-quoc-lam-nguy/294530.vgp