Ẩn ý sau chương trình vũ trụ bí mật triệu đô của Trung Quốc

Những bước tiến lớn trong ngành khoa học vũ trụ của Trung Quốc không chỉ giúp quốc gia này dần giành vị thế số 1 của NASA mà còn giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế chính trị, ngoại giao và kinh tế trên thế giới.

Vụ phóng tàu Thần Châu 11 tại khu vực phía tây Trung Quốc hồi tháng trước đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chương trình phát triển vũ trụ quốc gia của Bắc Kinh cũng như tham vọng đưa tàu vũ trụ không người lái lên Mặt trăng và thậm chí là Sao Hỏa. Bước tiến lớn của Trung Quốc cũng đang đe dọa vị thế số 1 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất đối với NASA khi Bắc Kinh đề ra tham vọng đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2036 và sau đó là sao Hỏa. Nhưng trên hết, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng các sứ mệnh vũ trụ sẽ tạo ra cơn sóng phát triển công nghệ hàng đầu trong thế kỷ 21 tại Trung Quốc như robot, hàng không và trí tuệ nhân tạo.

Hai phi hành gia Trung Quốc thực hiện chuyến bay trên tàu Thần Châu 11 hồi tháng 10.

Tổng giám đốc Trung tâm Khoa học vũ trụ quốc gia Trung Quốc, ông Wu Ji cho biết phần lớn chương trình phát triển vũ trụ của Trung Quốc được giữ bí mật. Theo ông này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang xem xét đề xuất của các nhà khoa học về việc tăng đầu tư gấp 3 lần cho các chương trình nghiên cứu khoa học như lắp thêm kính thiên văn nhằm theo dõi dòng nước luân chuyển trên Trái đất và cải thiện khả năng định vị vệ tinh với sự tham gia của các công ty quốc doanh và tư nhân. Trước đây, chính phủ Trung Quốc thường chỉ chú trọng đầu tư cho các dự án liên quan tới chính trị hoặc có giá trị thực tế tức thì như phát triển tên lửa, vệ tinh quân sự, tàu chiến và máy bay không người lái.

Trong khi đó, kế hoạch 5 năm hiện thời của Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được "những thành tựu căn bản" trong ngành khoa học và "dẫn đầu trong công cuộc phát triển công nghệ vũ trụ tối tân". Cụ thể, chiến lược kinh tế trọng tâm của Trung Quốc kêu gọi 70% chi tiết công nghệ chủ chốt như bán dẫn và phần mềm, sẽ do chính nước này sản xuất vào năm 2025.

Để đạt được kỳ vọng trên, ông Wu và hàng chục nhà nghiên cứu Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ tăng khoản tiền đầu tư cho ngành khoa học vũ trụ từ mức 4,1 tỷ nhân dân tệ (695 triệu USD) trong giai đoạn 2011- 2015 lên ít nhất 15,6 tỷ nhân dân tệ (2,26 tỷ USD) từ năm 2026 – 2030. Số tiền mà các nhà khoa học Trung Quốc đưa ra sẽ vượt khoản ngân sách 5,6 tỷ USD của NASA.

Đầu tư khoa học vũ trụ

Đối với Trung Quốc, phát triển khoa học vũ trụ đi kèm với phát triển vũ khí. Cụ thể, năm 2007, Trung Quốc đã bắt đầu cho thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh. Hiện tại Trung Quốc cũng đang mạnh tay chi tiền cho các dự án khoa học như phóng vệ tinh lượng tử lớn nhất thế giới và kính thiên văn nghiên cứu vật chất tối hồi năm ngoái.

Con số chính xác mà chính phủ Trung Quốc chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học vũ trụ vẫn còn là ẩn số nhưng rõ ràng hiện tại các nhà phân tích Mỹ đã tỏ ra lo ngại việc Bắc Kinh sẽ nhanh chóng tiến xa khi NASA ngừng dự án nghiên cứu. Trong khi đó, NASA đã cho dừng chương trình phát triển tàu vũ trụ và bỏ rơi kế hoạch đưa phi hành gia quay trở lại Mặt trăng. Hiện NASA chỉ cam kết duy trì hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cho tới năm 2024.

Về phần mình, mục tiêu quốc gia của Trung Quốc là tự thiết kế trạm vũ trụ và đưa phi hành gia lên Mặt trăng cũng như đưa tàu thám hiểm lên sao Hỏa vào năm 2022. Tham vọng của Trung Quốc đã buộc một nghị sĩ Mỹ đặt ra câu hỏi "Liệu nước Mỹ sẽ bị thua Trung Quốc trong cuộc đua vũ trụ?"

"Mục tiêu toàn diện của Trung Quốc là hưởng lợi kinh tế, chính trị và ngoại giao từ chương trình phát triển vũ trụ", Bloomberg dẫn lời ông Dennis Shea, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung nhận định.

Trong khi đó, phó Chủ tịch Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington, ông James Lewis cho rằng: "Trung Quốc sử dụng vũ trụ để giành ưu thế chính trị và mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh là thể hiện vị thế".

Đề xuất tăng thêm chi phí nghiên cứu khoa học được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại sau hàng thập niên chứng kiến tăng trưởng vượt bậc. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt 6,7% trong 3 quý đầu năm nay và đây là con số tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990, hoạt động xuất khẩu cũng sụt giảm trong 7 tháng liên tiếp.

Kính viễn vọng radio lớn nhất thế giới với đường kính 500 m tại tỉnh Quý Châu của Trung Quốc.

Thành tựu khoa học

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những thành tựu vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học vũ trụ khi kể từ năm 1970, Bắc Kinh đã cho phóng hơn 100 vệ tinh kiểm soát thiên tai và thời tiết, viễn thông và định vị.

Hồi tháng Chín, sau 22 năm nghiên cứu, Trung Quốc cũng đã cho ra mắt kính viễn vọng radio lớn nhất thế giới tại tỉnh Quý Châu mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình mệnh danh là "Con mắt của Trung Quốc trên thiên đường". Với đường kính 500 m, chiếc kính này có thể tìm kiếm sóng radio nằm ngoài thiên hà nhằm giúp các nhà khoa học hiểu thêm về hiện tượng vũ trụ và cả phát hiện dấu vết người ngoài hành tinh.

Theo kế hoạch trong năm 2020, Trung Quốc sẽ cho phóng một vệ tinh nghiên cứu dòng chảy của nước trên Trái đất bằng cách đo độ ẩm của đất, độ mặn nước biển và hiện tượng bốc hơi trên bề mặt đại dương. Vệ tinh này của Trung Quốc gần giống với "Sứ mệnh quan sát dòng nước" mà Mỹ và châu Âu thực hiện nhằm đưa ra dự báo về tình trạng ngập lụt và hạn hán nhằm duy trì an ninh lương thực.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển mạng lưới định vị vệ tinh Bắc Đẩu nhằm thay thế Hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Theo tổ chức phi lợi nhuận Space Foundation tại Colorado của Mỹ, Trung Quốc muốn đưa 35 vệ tinh Bắc Đẩu hoạt động bao phủ khắp thế giới vào năm 2020.

Còn hiện tại, Bắc Đẩu đang giúp cải thiện an ninh chống xâm nhập và tiếp cận vào các chương trình của quân đội Trung Quốc đồng thời dẫn đường cho khoảng 40.000 tàu cá hoạt động trên Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới mà Trung Quốc đang ngang nhiên xâm chiếm chủ quyền.

Còn theo chính phủ Trung Quốc, hơn 30 quốc gia trên thế giới hiện đang sử dụng các dịch vụ từ vệ tinh Bắc Đẩu của nước này.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/an-y-sau-chuong-trinh-vu-tru-bi-mat-trieu-do-cua-trung-quoc-post214781.info