Ấn tượng Quốc hội: Thiếu tiền và chuyện 'gà đẻ trứng vàng'

Bộ Tài chính, lãnh đạo TP.HCM tranh luận vốn, ĐBQH không cho dùng lợi nhuận PVN bù Nghi Sơn... là thông tin Quốc hội nổi bật trong ngày.

"Gà đẻ trứng vàng"

Tại phiên thảo luận về tình hình ngân sách năm 2016, dự toán năm 2017, các ĐBQH TP.HCM tiếp tục nêu quan điểm về tỉ lệ điều tiết để lại cho TPHCM giảm còn 18% kể từ năm ngân sách 2017.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) phân trần, thành phố phải có nguồn lực để đầu tư. Theo đó, Thành ủy TPHCM đã có báo cáo gửi Bộ Chính trị, đề nghị để được tăng điều tiết.

“TPHCM đồng ý việc giảm tỷ lệ ngân sách để lại nhưng phải ở mức độ sao không gây ảnh hưởng đến TPHCM, không thể đột ngột cắt giảm 5% (từ 23% xuống còn 18%) được. Mà 1% thu ngân sách của TPHCM cũng là số tuyệt đối rất lớn, mất một khoản như vậy, thành phố rất khó mà thực hiện nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội 10” – bà Tâm đề cập đến bài toán đầu tư một cách thông minh để “con gà tiếp tục đẻ trứng vàng” đã nói đến những ngày qua.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh VNN

Đáp lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi rất chia sẻ với các địa phương, rất hiểu câu chuyện con gà đẻ trứng vàng và coi các địa phương trọng điểm như nuôi gà, cần cho ăn để tiếp tục đẻ ra nhiều trứng hơn nhưng chúng ta cũng phải có trách nhiệm với các địa phương khó khăn mà đa phần chính là những phần phên dậu của tổ quốc” – Bộ trưởng Tài chính khẳng định đã cố gắng xử lý tối đa vấn đề để xây dựng phương án công bằng nhất với các địa phương.

Ông Dũng phân trần, TPHCM hay Hà Nội cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ TƯ như tăng định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý môi trường, đảm bảo an sinh, an ninh trật tự…

Năm 2017, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội dành khoản 14.450 tỷ đồng từ việc cổ phần hóa DNNN để hỗ trợ thêm các tỉnh thành bị cắt điều tiết ngân sách để đảm bảo mức giảm không quá lớn. Theo đó, tính ra, TPHCM cũng chỉ giảm từ 23% xuống 18% chứ không phải 17% như yêu cầu điều tiết.

Tỷ lệ này cũng được cân đối với dự toán mức tăng thu năm 2017 của thành phố lớn nhất cả nước sẽ ở mức 20% so với năm 2016. Như thế, ở tỷ lệ điều tiết 18%, mức chi ngân sách bình quân theo đầu dân của TPHCM năm tới vẫn cao hơn mức chi bình quân của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Không thể dùng lợi nhuận của PVN bù cho Nghi Sơn

Cũng tham gia thảo luận về nội dung ngân sách, tài chính, ĐBQH Trần Quang Chiểu nêu vấn đề liên quan tới chính sách đối với Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Theo ông Chiểu, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn/năm, trong khi đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm. Vốn đầu tư của nhà máy này thì 75% là của nước ngoài, Tập đoàn dầu khí (PVN) chỉ có 25% góp bằng tiền đất.

Ông Chiểu cho rằng, có hai vấn đề trong cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn ảnh hưởng đến nền kinh tế và ngân sách.

Đó là PVN phải bao tiêu 100% sản phẩm cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong bất luận trường hợp nào.

ĐBQH Trần Quang Chiểu phát biểu tại nghị trường. Ảnh VnEconomy

"Giao cho PVN tiêu thụ 100% sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn là phi thị trường. PVN cũng là một doanh nghiệp, một đơn vị, một tập đoàn kinh tế không thể phải bao tiêu 100% sản phẩm cho một doanh nghiệp khác trong thời hạn 10 năm", ông Chiểu nói.

Về thuế, sau một số tính toán với điều khoản cụ thể tại cam kết ông Chiểu nói, lấy giá nhập khẩu của tháng 3/2016 là giá thấp nhất thì một năm PVN cũng phải bù cho Nghi Sơn sơ bộ khoảng 3544 tỷ. Nếu lấy giá của năm 2013 tại thời điểm Chính phủ ký cam kết thì 1 năm phải bù cho Nghi Sơn 5800 tỷ là tối thiểu, và khoản này được bù không thỏa đáng.

"Theo Hiến pháp năm 2013 thì Chính phủ không có quyền ký để bù thuế nhập khẩu và dùng lợi nhuận ngân sách nhà nước qua PVN bù cho đơn vị này", ông Chiểu nhấn mạnh.

Đề nghị Chính phủ sớm giải trình với Quốc hội, ông Chiểu nói: đất nước ta nghèo như thế này không thể có chuyện dùng lợi nhuận của PVN bù cho Nghi Sơn -doanh nghiệp có 75% là có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều chỉnh lương mỗi năm 7-8%: Cần tính toán lại

Theo Nghị quyết kế hoạch tài chính quốc gia 2016 - 2020 nói điều chỉnh tiền lương bình quân khoảng 7% đến 8%/năm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng "phải tính toán lại".

Ông Lợi lập luận, khu vực sản xuất kinh doanh thì xác định tiền lương tối thiểu theo 4 vùng và 1/1 hàng năm điều chỉnh để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, đii với khu vực cán bộ, công chức nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên và điều kiện kinh tế - xã hội tăng lên thì điều chỉnh, không nằm trong cải cách tiền lương.

Ấn tượng Quốc hội: Nghị trường "nóng" vì chuyện tham nhũng

Điều chỉnh 7-8%/năm theo ông Lợi chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải bản chất.

Ông Lợi nhấn mạnh muốn cải cách chính sách tiền lương thì Chính phủ phải quyết tâm cao, giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và áp lực của thị trường.

Theo ông Lợi, 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 500 ngàn công chức, viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu thì phải tính khoán chi theo kết quả đầu ra.

Chế độ tiền lương chung công chức với nhau mà 18 loại phụ cấp, người có thâm niên, người không có, công chức ngành này có phụ cấp cao hơn công chức ngành khác là không được ông Lợi nhìn nhận là một sự bất hợp lý.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/an-tuong-quoc-hoi-thieu-tien-va-chuyen-ga-de-trung-vang-3322122/