Ấn tượng Đại lộ Đông - Tây

Nút giao thông Nguyễn Hữu Cảnh, Đại lộ Đông Tây, TP Hồ Chí Minh.

Từ vòng xoay Quách Thị Trang trước mặt chợ Bến Thành đi theo đường Phó Đức Chính về phía Bến Chương Dương, trước mặt bạn sẽ hiện ra một tuyến đường mới đầy ấn tượng. Đây là đường ven kênh phía Tây thuộc Đại lộ Đông - Tây. Toàn tuyến dài 13,375 km, rộng từ 40 m đến 60 m, với sáu làn xe, bắt đầu từ miệng hầm phía quận 1 đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8, Bình Tây, huyện Bình Chánh rồi nhập vào quốc lộ 1A. Kể từ khi được đưa vào sử dụng từ ngày 2-9-2009, tuyến đường này rút ngắn một nửa thời gian đi từ trung tâm quận 1 tới quốc lộ 1A ở huyện Bình Chánh so với việc đi bằng những con đường khác. Nhưng, điều có ý nghĩa hơn là tuyến đường phía Tây này đã làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan, môi trường bên dòng kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, vốn là những xóm nghèo của hơn 7.000 hộ dân sống trong những túp lều lụp xụp, nhếch nhác, đóng cọc lấn chiếm lòng kênh đen. Giờ đây, từ bờ bên này nhìn sang bờ bên kia là cả một khoảng không gian rộng mở. Xa xa là những khu nhà chung cư cao tầng thi nhau mọc lên ở quận 4. Đặc biệt, khi dự án môi trường nước hoàn thành với các trạm xử lý nước được đặt ở hai bên bờ, dòng kênh này sẽ trở nên trong sạch, phục vụ cho các tuyến du lịch bằng thuyền trên kênh rất hấp dẫn. Được biết tuyến đường này đã được thành phố đặt tên là Đại lộ Võ Văn Kiệt. Đại lộ Đông - Tây cũng gây ấn tượng mạnh mẽ, với tuyến đường mới Thủ Thiêm ở phía Đông. Tuy chỉ dài 8 km, bắt đầu từ cửa hầm phía Thủ Thiêm, chạy qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 rồi kết nối với Xa lộ Hà Nội ở nút giao thông Cát Lái, nhưng ít có tuyến đường nào ở thành phố lại rộng 100 m với sáu làn xe được xây dựng công phu và hiện đại như tuyến đường này. Đến nay, toàn bộ phần kết cấu hạ tầng nền đường đã hoàn thành. Ngày 15-9-2010, đoạn đường 2,5 km từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao thông Cát Lái đã được đưa vào sử dụng, góp phần giảm ách tắc giao thông trên tuyến huyết mạch này. Những chiếc cầu trên công trình này cũng gây ấn tượng mạnh cho người dân TP Hồ Chí Minh. Trong số gần 20 chiếc cầu và cầu vượt, ấn tượng nhất là những cây cầu vượt ở các nút giao thông: Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A và các chiếc cầu: Khánh Hội, Cam Mét, Chữ Y, Chà Và... uốn lượn qua các kênh với kiến trúc hiện đại, đẹp mắt. Nhưng hạng mục quan trọng nhất chính là đường hầm chui qua sông Sài Gòn. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình ngầm qua sông không phải thi công bằng công nghệ đào kín thông thường. Quy trình xây dựng, lắp đặt đường hầm này khá phức tạp. Để đúc bốn đốt hầm, mỗi đốt nặng 27.000 T, dài 92,5 m, rộng 33 m, cao chín mét, vách tường dày một mét, người ta phải xây dựng một bể đúc sâu 9,4 m rộng tới 60.000 m2 bên bờ sông Nhà Bè, tận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Nguyên liệu dùng để đúc bốn đốt hầm này được lựa chọn rất kỹ: xi-măng hạ nhiệt thấp, với chất phụ gia được nhập từ Ô-xtrây-li-a. Người ta phải dùng nước đá cục nhỏ được sản xuất theo tiêu chuẩn riêng tại công trường để làm nước trộn bê-tông. Sau hơn ba năm thi công, kiểm tra và căn chỉnh, bốn đốt hầm đã được đúc xong. Bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6-2010, một sự kiện gây ấn tượng mạnh mẽ cho người dân Sài Gòn diễn ra trên sông Sài Gòn: bốn đốt 'hầm khủng' lần lượt được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch về địa điểm xây hầm vượt trên sông Sài Gòn. Dọc theo khúc sông dài 22 km, một đội quân hùng hậu do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài làm tổng chỉ huy với hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nhân viên thuộc 25 cơ quan và 15 phương tiện thủy (có lúc cả máy bay trực thăng) được triển khai rầm rộ, chặt chẽ, khoa học và an toàn. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đã phải nghiên cứu, sử dụng các số liệu thủy văn trên sông Sài Gòn trong suốt 100 năm qua để tìm ra thời điểm thích hợp cho việc lai dắt các đốt hầm an toàn tuyệt đối. Đó là những lúc thủy triều trên sông gần như đứng yên để kéo đốt hầm ra khỏi bể đúc, khi ra sông thì thủy triều lên đủ mạnh để đẩy đốt hầm đi, về đến điểm tập kết thì dòng chảy không được quá mạnh. Việc khảo sát lòng sông cũng được thực hiện kỹ càng, bởi có những nơi lòng sông chỉ sâu 10 m với nhiều khúc quanh nguy hiểm dễ làm đốt hầm mắc cạn. Điều đáng mừng là cả bốn đợt kéo bốn đốt hầm đều an toàn tuyệt đối, rút ngắn thời gian dự kiến từ mười giờ xuống còn từ năm giờ rưỡi đến sáu giờ rưỡi. Việc lắp đặt lần lượt bốn đốt hầm cũng rất kỳ công. Để đặt một khối bê-tông khổng lồ xuống đáy sông có độ sâu từ 23 m đến 27 m trong điều kiện nước chảy xiết, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân phải thực hiện tới 21 bước trong vòng từ 15 giờ đến 20 giờ với sai số cho phép không quá 10 mm. Khi lắp đặt đốt hầm số 1, với khoảng nối cuối cùng chỉ còn 10 mm, anh em phải căn đi căn lại suốt sáu giờ liền. Nhưng khó khăn và căng thẳng nhất là lắp đặt đốt hầm thứ tư. Lúc này, khoảng không gian còn lại để thực hiện các bước lắp đặt chỉ còn lại 1,5 m để hợp long giữa đường hầm phía quận 1 với đốt hầm số 4. Nghĩa là việc lắp đặt đốt hầm cuối cùng phải xoay xở trong khoảng trống mỗi đầu chỉ có 0,75 m. Rất may là mọi chuyện đều kết thúc tốt đẹp. Ngày 21-9-2010, thành phố đã tổ chức hợp long chính thức thông đường hầm từ bờ bên này sang bờ bên kia. Cho đến thời điểm này, các đơn vị thi công đang khẩn trương đổ lớp bê-tông ở đáy các đốt hầm để tạo mặt bằng ổn định và độ bám cho các phương tiện giao thông. Việc đắp bù cát, đá cho hai bên sườn và hai bên đường cũng được tiến hành. Theo đồng chí Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP Hồ Chí Minh, việc thi công xây dựng hầm đã đạt gần 90%. Dự kiến cuối tháng 2-2011, toàn bộ phần xây dựng đường hầm sẽ hoàn thành. Việc còn lại là lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thông gió, PCCC, xử lý ô nhiễm, kiểm tra, quan trắc... và các công trình phục vụ như: trạm thu phí và thiết bị điều khiển, nhà thu phí, nhà bảo dưỡng, nhà kho... dự kiến vận hành thử vào cuối quý 2-2011. Ấn tượng bao trùm về công trình Đại lộ Đông - Tây là toàn tuyến đường từ nút giao thông Cát Lái đến điểm giao nhau với quốc lộ 1A tại huyện Bình Chánh giống hình một cánh chim đại bàng cất cánh. Tiếp nối công trình này, thành phố sẽ cho xây một đường từ điểm giao với quốc lộ 1A ở phía Tây kết nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và ở phía đông sẽ xây thêm đoạn đường kết nối Đại lộ Đông - Tây với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Và như thế, Đại lộ Đông - Tây sẽ là một gạch nối thông thương đúng nghĩa của hai vùng kinh tế: Miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Bước vào năm mới 2011, con đại bàng - Đại lộ Đông - Tây sẽ cất cánh, báo hiệu bước phát triển mới của TP Hồ Chí Minh. Đó chính là một bông hoa đẹp dâng lên Đại hội Đảng lần thứ XI.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/n-t-ng-i-l-ong-tay-1.284589