An toàn lao động cho công nhân: Không có chứng chỉ, không được làm việc

Nhằm đảm bảo an toàn lao động tại công trường xây dựng, ngày 19/5, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội cùng các đơn vị đã tổ chức Hội thảo 'An toàn lao động tại công trình-nhu cầu và giải pháp'.

Đây là một trong những nội dung của dự án hỗ trợ dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, vấn đề an toàn lao động cho nguồn nhân lực tại các công trình xây dựng cũng là một trong những vấn đề người lao động quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Xuất phát từ thực trạng người lao động tham gia lao động không qua đào tạo an toàn, đã gây nên những hậu quả đau lòng, nhiều vụ tai nạn lao động đã xảy ra và cướp đi tính mạng của nhiều công nhân.

Thông qua chương trình này, sẽ góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình của người lao động. Đây là hành trang kiến thức quan trọng hàng đầu cho người lao động.

 Người lao động được trang bị kiến thức chuyên môn về an toàn lao động xây dựng.

Người lao động được trang bị kiến thức chuyên môn về an toàn lao động xây dựng.

Hội thảo lần này có ý nghĩa lớn, nhằm đưa ra những phương pháp đào tạo, trang bị kỹ năng, phương pháp phòng chống tai nạn cho người thợ trong quá trình làm việc tại công trường xây dựng.

Có kỹ năng này, nguồn nhân lực được đào tạo an toàn xây dựng cũng sẽ tự tin hơn trong công việc, có nhiều cơ hội việc làm dễ dàng hơn.

Dự án này được thực hiện từ năm 2015- 2018, với nguồn vốn hỗ trợ trên 38,5 tỷ đồng từ các tổ chức doanh nghiệp Plan Internationa, Hyundai E &C, Hyundai motor company và Koica.

Với mong muốn mang đến cơ hội nghề nghiệp tốt nhất cho 10 nghìn thanh niên yếu thế. Đối tượng thụ hưởng của dự án này là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 2 trường: Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị.

Dưới sự tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trên, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã được đầu tư cho xưởng huấn luyện An toàn lao động và vệ sinh lao động, với nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng các yêu cầu đào tạo.

Giáo viên của trường được các chuyên gia về an toàn lao động trực tiếp huấn luyện và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở đó, trường đã được Cục An toàn lao động cấp phép huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của Luật lao động.

Người lao động phải được đào tạo thực hành về phương pháp phòng chống tai nạn trong xây dựng.

Với nền tảng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo về an toàn lao động đạt chuẩn này, việc đào tạo an toàn lao động cho nguồn nhân lực theo dự án này được thực hiện đúng kế hoạch, đạt chất lượng đảm bảo an toàn lao động.

Từ tháng 8/2005 đến nay, đã có hơn 2000 lượt học sinh, sinh viên và người lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo về an toàn, vệ sinh lao động theo đúng tiêu chuẩn, quy định của Cục an toàn vệ sinh lao động(Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Theo Nghị định 44/2016/CP của Chính phủ về an toàn, vệ sinh lao động, tất cả người tham gia lao động đều phải được đào tạo về an toàn và vệ sinh lao động và được cấp chứng chỉ theo quy định của Cục an toàn vệ sinh lao động- Bộ Lao động Thương binh Xã hội.

Theo đó, đối với các đơn vị sử dụng người phải cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Đối với người lao động không có chứng chỉ đào tạo về an toàn lao động, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng người không được phép để nguồn nhân lực này làm việc.

Thông qua hội thảo này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ hướng tới tất cả các học sinh học nghề đều được đào tạo an toàn lao động, vệ sinh lao động ngay từ khi các em mới vào trường. Đây sẽ là môn học bắt buộc với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo dự án, dự kiến đến năm 2018 sẽ có khoảng 5000 lượt người lao động được học chương trình này miễn phí.

Thu Thủy

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/an-toan-lao-dong-cho-cong-nhan-khong-co-chung-chi-khong-duoc-lam-viec-d43538.html