An toàn là trên hết

Nếu các cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Ý chính xác, châu Âu có thêm lý do lo lắng sau 2 cú sốc liên tiếp từ sự kiện Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và việc tỉ phú Donald Trump sắp vào Nhà Trắng.

Cử tri Ý nhiều khả năng bỏ phiếu bác bỏ đề xuất cải cách hiến pháp để trừng phạt chính quyền của Thủ tướng Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu dự kiến diễn ra ngày 4-12. Kết cục này có thể dẫn đến sự ra đi của ông Renzi.

Không chỉ là chuyện nội bộ của Ý, cuộc trưng cầu là phép thử mới nhất cho sự trỗi dậy dường như không thể ngăn chặn được lúc này của chủ nghĩa dân túy ở phương Tây. Một số người thậm chí còn lo ngại thất bại của ông Renzi sẽ gây ra thảm họa cho khu vực đồng euro (eurozone) nói riêng và cả châu Âu nói chung.

Cũng trong ngày 4-12, dư luận còn theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống Áo để xem liệu ông Norbert Hofer, thủ lĩnh Đảng Tự do cực hữu chống người nhập cư, có làm nên chuyện hay không. Còn tại Pháp, cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 đang nóng bởi ứng viên cực hữu Marine Le Pen.

Tờ The Guardian (Anh) vẽ ra viễn cảnh đáng lo ngại trong 12 tháng tới: Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đối mặt hơn 10 cuộc trưng cầu ý dân, bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống, trong đó nhiều sự kiện có sự tham gia của các đảng dân túy, hoài nghi châu Âu. Không ít người tin rằng những gì đã xảy ra ở Anh, Mỹ giờ đây có thể xảy ra ở châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel Ảnh: Reuters

Tương lai EU chắc chắn là mối bận tâm không nhỏ của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà công bố quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp gần đây. Quyết định này càng thêm ý nghĩa bởi dù gì thì nước Đức dưới sự lãnh đạo của bà Merkel đã trở thành đầu tàu dẫn dắt châu Âu đương đầu không ít thách thức, như vấn đề nợ, khủng hoảng di dân, chiến sự Ukraine, cuộc đối đầu với Nga… Những ai mong muốn một EU yên ổn, đoàn kết như trước hiện chỉ còn biết trông chờ vào mỗi bà Merkel.

Điều trớ trêu là chính 2 cơn địa chấn chính trị ở London và Washington đã giúp “hồi sinh” uy tín của bà Merkel sau 18 tháng khó khăn vì chính sách mở cửa đón nhận người tị nạn, dẫn đến sự bùng phát của chủ nghĩa dân túy và làn sóng tội phạm phân biệt chủng tộc trong nước. Các chuyên gia nhận định người Đức đang muốn yên ổn sau khi chứng kiến sự bất ổn về địa chính trị phủ bóng nhiều nơi. Nói cách khác, nếu ông Trump theo đuổi chính sách “nước Mỹ là trên hết” thì người Đức mong đợi “sự an toàn là trên hết” - một xu hướng đủ để bảo đảm chiến thắng cho bà Merkel trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Đi xa hơn, một số người còn gọi bà Merkel là “nhà lãnh đạo của thế giới tự do” hoặc “người cuối cùng bảo vệ phương Tây tự do”. Có lẽ họ rút ra điều này sau khi chứng kiến bà ra điều kiện với nhân vật mới đắc cử tổng thống Mỹ. Sau khi chúc mừng, bà Merkel nói sẽ hợp tác chặt chẽ với ông Trump dựa trên cơ sở những giá trị dân chủ, tự do, tôn trọng luật pháp và phẩm giá của con người. Đây được xem là phản ứng dành cho chiến dịch tranh cử gây tranh cãi và chia rẽ của ông Trump.

Dĩ nhiên, mối quan hệ với ông chủ Nhà Trắng kế tiếp không phải là sự bận tâm duy nhất của bà Merkel trong trường hợp bà tiếp tục lãnh đạo nước Đức thêm một nhiệm kỳ nữa. Một bài toán nhức đầu không kém là quan hệ căng thẳng giữa EU và Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Còn trong nước, theo tờ The Wall Street Journal, bà Merkel phải làm nhiều hơn nữa để giải tỏa nỗi lo của một bộ phận dân chúng về chính sách mở cửa với người nhập cư, từ đó ngăn chặn đà tiến của đảng dân túy cánh hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD).

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/an-toan-la-tren-het-201612032236367.htm