An sinh ở đâu?

Trong một tháng, người dân Hà Tĩnh và Quảng Bình hai lần chạy lụt do thủy điện xả nước. Chết người, tổn thất kinh tế, cuộc sống bị đảo lộn.

Tiếp theo đó là hàng loạt thủy điện ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cũng đồng loạt xả lũ, người dân vùng hạ du sông Ba Hạ không kịp trở tay. Rồi gần đây nhất, ngày 4-11, đập Đa Nhim (Lâm Đồng) cũng xả lũ khiến 1.000 ha rau màu của nông dân ở huyện Đơn Dương mất trắng, không có khả năng hồi phục.

Nhưng đó lại chính là điều mà họ phải chịu đựng từ năm này qua năm khác như thể là một thứ “kiếp nạn” không có cơ may thay đổi.

Đã quá muộn để nói đến chuyện cân đối lợi ích giữa phát triển thủy điện với an sinh (thậm chí an nguy) của người dân hay tác hại sâu xa đến môi trường. Hệ lụy từ thủy điện là chắc chắn xảy ra, thực tế không thể thay đổi. Vậy thì đâu là những kế sách giúp người dân ứng phó với lũ, phục hồi kinh tế?

Ngay như đơn giản là tạo ra cơ chế truyền thông kịp thời như một thứ trách nhiệm bắt buộc nhưng có vẻ như điều đó không được những nhà đầu tư thủy điện và địa phương lưu tâm. Sau khi đợt lũ giữa tháng 10-2016 nhấn chìm hơn 30.000 ngôi nhà ở Quảng Bình, Hà Tĩnh làm trên 30 người chết, có một vị quan chức địa phương đã trần tình rằng mưa lũ gây cúp điện, nhà dân lại ở cách xa nhau nên khó phát loa báo động để dân biết chạy lũ.

Người dân chỉ biết tự báo động khi lũ đến bằng cách la làng, đánh kẻng và kéo chuông nhà thờ. Phương thức truyền thông rất… “truyền thống” đó nói lên rằng dân cũng chẳng chờ đợi hay tin tưởng gì sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng - những người lẽ ra phải có trách nhiệm. Trên mỗi ngôi nhà vùng lũ ở Tuyên Hóa hay Hương Khê đều có một “chuồng cu” để leo lên trú lúc nước dâng khẩn cấp. Nhưng nếu nước còn dâng nữa, đe dọa tính mạnh thì từ già đến trẻ chỉ biết dỡ mái nhà kêu cứu hay chờ cứu hộ. Cảnh người già, trẻ nhỏ dỡ ngói ngó ra đồng nước mênh mông đầy âu lo ấy đâu phải tới năm nay mới diễn ra. Nó từ lâu đã trở thành một hình ảnh có sức truy vấn mạnh mẽ về bản chất, mục tiêu phát triển mà những người hoạch định chính sách không có quyền lờ đi.

Rừng bị tàn phá hàng loạt vì thủy điện là một trong những tác nhân gây mất cân bằng sinh thái, khí hậu biến đổi; tiếp đến, cơ chế vận hành thủy điện theo những quy trình đúng với người vận hành nhưng để lại hệ lụy lớn cho người dân dẫn đến một điệp khúc: mưa lớn - ngập - xả diễn ra hằng năm. Nguồn lợi, nhà đầu tư bỏ túi, thiệt hại thì dân nghèo chịu.

Quyết định “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5-12-2011 có đề cập đến mục tiêu cụ thể là “Đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Nghĩ gì về các khái niệm “an ninh năng lượng”, “an ninh nguồn nước”, “an sinh xã hội” ở văn bản trên đặt trong bối cảnh mà hàng loạt những con đập thủy điện đang gây ra cho dân nghèo miền Trung?

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/an-sinh-o-dau-20161105224821338.htm