An ninh khu vực sẽ là tâm điểm của Hội đàm '2+2' Mỹ-Nhật

Sau một thời gian bị trì hoãn, cuộc hội đàm "2+2" giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 8 tới.

Cuộc gặp này được coi là cơ hội để hai quốc gia đồng minh bàn về một loạt các vấn đề liên quan tới quan hệ song phương và quan trọng hơn là sự phối hợp giữa hai nước nhằm đối phó với những thách thức an ninh nổi cộm tại khu vực.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc hội đàm "2+2" dự kiến diễn ra vào ngày 17-8 tới tại thủ đô Oa-sinh-tơn. Trên thực tế, Mỹ và Nhật Bản tìm cách thúc đẩy cuộc gặp "2+2" trong tháng 5-2017, song đã không diễn ra đúng như lịch trình mà hai bên mong muốn. Kế hoạch này chỉ được thông qua sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) và Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại I-ta-li-a cuối tháng 5 vừa qua.

Ông Rếch Tin-lơ-xơn (bên trái) và ông Ta-rô Cô-nô gặp nhau tại Ma-ni-la ngày 7-8. Ảnh: Scoopnest.com

Đáng chú ý, đây là cuộc hội đàm "2+2" đầu tiên giữa Mỹ và Nhật Bản kể từ khi Tổng thống Đô-nan Trăm lên nắm quyền, đồng thời cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nước theo cơ chế này kể từ tháng 4-2015. Hơn nữa, sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận quốc tế, bởi nó diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực đang leo thang căng thẳng liên quan đến chương trình tên lửa của Triều Tiên. Dự kiến, Ngoại trưởng Ta-rô Cô-nô (Taro Kono) cùng Bộ trưởng Quốc phòng I-chư-nô-ri Ô-nô-đê-ra (Itsunori Onodera) sẽ có mặt ở Oa-sinh-tơn để hội đàm với những người đồng cấp Mỹ gồm Ngoại trưởng Rếch Tin-lơ-xơn (Rex Tillerson) và Bộ trưởng Quốc phòng Giêm Ma-tít (Jim Mattis)

Theo hãng tin Kyodo, các quan chức của hai bên sẽ thảo luận về cách thức tăng cường đối phó với chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên, trong đó có khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tại Nhật Bản. Oa-sinh-tơn và Tô-ki-ô nhiều khả năng sẽ tái khẳng định tính cấp thiết của việc gia tăng sức ép đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa gần đây cũng như có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trong thời gian tới.

Về quan hệ song phương, hai bên sẽ đánh giá lại trách nhiệm của quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), cách thức phối hợp giữa hai nước nhằm "phản ứng trước môi trường an ninh khu vực đang thay đổi", cũng như thảo luận về vấn đề quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Được biết, trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) diễn ra tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin ngày 7-8, tân Ngoại trưởng Nhật Bản Ta-rô Cô-nô và Ngoại trưởng Mỹ Rếch Ti-lơ-sơn đã nhất trí tăng cường quan hệ liên minh song phương Mỹ-Nhật, vốn được cả hai bên nhìn nhận như nền tảng của hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và toàn thế giới nói chung. Trong khi đó, Sách Trắng quốc phòng năm 2017 của Nhật Bản, công bố ngày 8-8, đã nhấn mạnh rằng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản không chỉ vì lợi ích của Nhật Bản mà còn vì lợi ích của Mỹ, giúp Oa-sinh-tơn ứng phó nhanh hơn trước những vụ việc xảy ra bất ngờ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, việc tái bố trí căn cứ không quân Phư-ten-ma (Futenma) gây nhiều tranh cãi của Mỹ tại đảo Ô-ki-na-oa (Okinawa), miền Nam Nhật Bản cũng là vấn đề được quan tâm trong cuộc hội đàm quan trọng sắp tới tại Oa-sinh-tơn. Năm 1996, Nhật Bản và Mỹ lần đầu tiên công bố kế hoạch trao trả toàn bộ khu đất căn cứ quân sự Phư-ten-ma cho chính quyền tỉnh Ô-ki-na-oa để chuyển căn cứ này từ khu vực đông dân cư hiện nay tới một vùng duyên hải Hê-nô-cô (Henoko), cũng thuộc tỉnh Ô-ki-na-oa. Mặc dù vậy, đến nay kế hoạch tái bố trí này vẫn là vấn đề nan giải và mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ do sự phản đối quyết liệt từ chính quyền cũng như người dân tỉnh Ô-ki-na-oa.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/an-ninh-khu-vuc-se-la-tam-diem-cua-hoi-dam-2-2-my-nhat-514532