An nghỉ nơi nào

Minh họa của họa sĩ họa sĩ Đỗ Phấn.

Người chết được chôn cất tại đây, trong những ngôi mộ xếp hàng thẳng tắp, bê tông sạch tinh, cỏ giả cắt xén gọn gàng. Mọi thứ đều ngăn nắp. Tử nhân được chôn cất sau khi sắp đặt kế hoạch cẩn thận. Những cái chết thứ tự, không chồng chất lên nhau.

Ông biết không, tôi nghe người ta nói họ chôn thi thể giữa bốn bức tường. Thật không tưởng tượng nổi. Thân xác nên trở về, tan thấm vào lòng đất, không phải như vậy sao?

Ông có nhớ Seifu từng nói với chúng ta chuyện gia đình ông ấy phải bốc mộ người thân ở Yosef vì nó nằm trên trục đường mới đang xây dựng tại Addis không? Hài cốt cha, mẹ, cả hai anh em, Seifu nhặt nhạnh hết. Thành phố mới chiếm cả chỗ của người chết.

Ông luôn than vãn. Nghĩ lại, tôi cũng thế. Có lẽ cả thế hệ chúng ta đều than vãn.

Ông về đất bất ngờ như lúc sinh ra. Tôi nhớ ông kể tôi nghe mẹ không biết đã mang thai ông cho tới khi bào thai bắt đầu ngọ nguậy đấm đá trong bụng. Bà cứ nghĩ ông sẽ chào đời khi những đóa adey abeba (tên một loài hoa ở Châu Phi) nở vàng rực rỡ nơi nơi. Bà cũng tin ông là cậu bé và thế nào cũng cất tiếng khóc đầu tiên vào năm mới. Bà ấy chỉ đúng một nửa. Ông ra đời sớm, trong những cơn mưa cuối năm. Mẹ ông lúc ấy đang ngồi chơi ở nhà người hàng xóm. Bà phải vội vã về nhà để hạ sinh ông.

Đó là năm 1940. Mẹ ông tin dù phát xít Ý có chiếm Ethiopia, gia đình bà vẫn an toàn. Điều bà mong muốn nhất là sinh con trai tại nhà cha chồng. Dây rốn con trai bà cũng nhất định phải được chôn ở đấy. Tiếc là mẹ không kịp về đến nhà. Dù vậy, bà vẫn giữ dây rốn của con trai và chôn ở nơi con trai bà thuộc về. Bà ấy còn nhớ đất nơi đào hố chôn nhau rất xốp. Bà đã chẳng vất vả gì. Đất hiền hòa ôm lấy phần máu thịt người mẹ gửi trả. Bà biết đất đã chấp nhận ông. Bà ngời ngợi lòng tin kháng chiến thành công, phát xít Ý sẽ bị đuổi khỏi Ethiopia.

Chúng ta thân thiết với nhau nhiều thập kỷ. Ông đột ngột bỏ đi khi mọi chuyện bắt đầu trở nên ồn ã. Biểu tình và cách mạng nơi nơi. Nhà lãnh đạo bỏ trốn, bị lật đổ và ám sát. Ông ra đi trước khi đất nước thay đổi, trước cả khi mọi thứ chưa thay đổi.

Không có ông, đôi khi tôi trò chuyện với người khác, đôi khi tự lẩm bẩm. Thỉnh thoảng tôi chợt nghĩ, nếu còn sống, ông sẽ nói gì.

Thời gian vẫn trôi. Giờ là mùa lửa. Lúc nào cũng cháy, cháy và cháy. Chúng tôi phải dọn dẹp những gì còn sót lại. Chẳng có gì mới. Nhưng vẫn có rất nhiều điều chúng ta có thể hàn huyên. Thế giới bất an mà ông thì không nhìn thấy điều đó.

Giờ tôi già ngấm. Tôi thậm chí nhiều tuổi hơn cả ông khi qua đời bốn năm trước. Ông biết tôi có ý gì đúng không. Đã rất lâu rồi mà tôi vẫn ngỡ như chỉ mới hôm qua.

Lội bộ lên đồi để thăm ông ngày càng là chuyện khó khăn với tôi. Quan cảnh vẫn khô khan và nề nếp thế. Ông đang nằm nơi cao nhất. Chỗ ấy dường như cũng na ná Entoto (ngọn núi ở Ethiopia). Nơi này chỉ thích hợp cho đám trẻ khỏe chân tới thăm. Ơn Chúa là Tsion quyết định đặt ông trong ngôi mộ thẳng đứng. Nếu bà ấy đặt ông nằm ngang như nhiều ngôi mộ xung quanh, khi tới thăm, tôi biết tạm nghỉ nơi nào? Không có cây cối che nắng cho ông, cũng chẳng có chỗ nào thoải mái cho tôi ngồi. Tôi phải mang theo ghế. Hãy tưởng tượng tôi nom thế nào khi lôi chiếc ghế dọc đường đến thăm ông.

Trông tôi già lắm ông ạ. Tôi luôn được giảm giá tối đa mà không cần kiểm tra. Cuối tuần trước, tôi lên xe buýt và thanh toán tiền vé. Tôi trả đủ mức quy định nhưng tài xế lại nhìn tôi và bảo “Ông chỉ cần trả 50 xu là được”. Tôi ngơ ngác cho đến khi ngồi xuống và một ông khác, nhìn còn già hơn tôi, gật đầu như muốn chào đón đến với thế giới lão bách niên.

Tôi không nhớ mình già. Tôi vẫn thích được mọi người gọi là Gash Wondimu.

Ông đều đặn thức dậy mỗi sớm trong suốt bảy mươi năm. Ông luôn cầu nguyện Thiên Chúa sẽ ban cho mình cái chết nhẹ nhàng.

Tôi không hiểu tại sao ông làm thế. Tôi không muốn nói về cái chết, đặc biệt là cái chết của chúng ta. Nhưng tôi đoán mọi thứ đã thay đổi.

Ashenafi vừa chết hôm qua. Ông ấy bệnh và ra đi như dự đoán. Hình như cứ mỗi vài tháng, tôi lại nhận được điện thoại báo ai đó qua đời.

Tsion và Selam bận nấu ăn. Những bà vợ của chúng ta đang trở thành đầu bếp chuyên nghiệp nấu cơm cho tang lễ. Tôi ở trong phòng ngủ cho đến khi rời nhà nên không phải ngửi mùi hành tây hắc xì, cái mùi chỉ cần khẽ lướt qua mắt thôi, việc đầu tiên muốn làm bằng được là vơ lấy tấm vải nào đó. Tôi chẳng biết tại sao tôi lại bận tâm chuyện đấy. Tôi ra khỏi nhà rồi lập tức đến thăm ông. Tôi tin là ông có thể ngửi thấy tôi ở nơi ông yên nghỉ này.

Họ là những phụ nữ xinh đẹp, vợ chúng ta ấy, ông nhỉ. Trông họ cứ như cặp chị em song sinh. Nhưng bây giờ, khi nhìn kỹ Selam, tôi thấy các nếp nhăn. Bước chân ngày càng nặng nề của bà ấy thì thầm mách bảo thời gian trôi đi được thật nhiều.

Tsion và Selam thôi không còn nhuộm tóc nữa. Tôi hỏi tại sao, Selam bảo không muốn lừa dối, thời gian cho ra sao thì để vậy. Những sợi xám bạc ấy hóa ra lại hợp khi sánh vai với tôi. Bà ấy cũng già rồi nhưng vẫn duyên dáng lắm.

Bốn năm qua rồi, Tsion vẫn mặc áo đen. Mọi người khuyên bà không nên mặc nữa nhưng Tsion chẳng nghe ai. Bà ấy cứng đầu hệt như ngày ông bỏ bà ấy lại. Đám trẻ nài nỉ, không hiểu tại sao Tsion mặc màu đen cả năm. “Đó là quyền của ta”, Tsion trả lời. “Ông ấy là chồng ta. Có gì không tốt khi ta vẫn còn thương nhớ”.

Tháng trước Tsion và đám con cháu cãi nhau một trận to. Đám nhỏ muốn tới viếng ông vào ngày sinh nhật ông nhưng Tsion lại quên mất. Lũ nhóc trách Tsion chỉ nhớ ngày ông chết mà không nhớ ngày ông chào đời. Chuyện như thế làm sao chấp nhận nổi.

Tôi cầu nguyện được chết như ông.

Tôi sẽ ra đi thế nào nhỉ? Tôi hy vọng không có gì khác biệt giữa tôi và ông.

Samri về nhà với tờ rơi in chữ màu đỏ đậm, “Thời đại Cách mạng”. Tôi giở ra, thấy có đoạn trích từ Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Mao chủ tịch ngữ lục, cả trích dẫn từ Malcolm X, George Jackson và vài người tôi chưa nghe nói tới.

Tôi hỏi cái gì thế này, con bé trả lời “Một thanh niên phát cho con trên đường phố. Anh ta nói gì đó về cách mạng”. Tôi thắc mắc sao con bé lại nhận tờ giấy. Có phải nó tin những gì chàng trai đó nói không? “Con chỉ muốn tỏ ra lịch thiệp thôi. Dù là cộng sản hay dân chủ, con chẳng biết gì về nó”.

Tôi có thể nói với con bé có một thời cha mẹ tin tưởng. Đất nước ta đang đấu tranh, con có thể góp công, góp sức. Dù không đang trên mảnh đất quê hương, chúng ta vẫn có thể góp phần vào cuộc chiến. Tôi cũng có thể nói với nó sự thật về cái chết của chú và dì nó. Nhưng tôi không nói. Tôi để yên cho con bé ăn cơm vì nhìn nó có vẻ mệt mỏi quá.

Tôi sẽ nói với con gái chuyện này vào lúc khác.

Nhà hàng đóng cửa. Nó đứng lạc lõng trong góc phố như bộ xương khô với mảnh giấy ghi “cho thuê” dán trên cửa sổ. Từ khi ông qua đời, tôi không trở lại nhà hàng này nữa. Mỗi lần lái xe qua, tôi đi thật chậm, mắt dõi bên trong. Mọi thứ vẫn thế. Vết nứt trên bức tường màu trắng vẫn có thể nhìn thấy từ trong xe. Nữ phục vụ mặc đồ giống nhau, váy hồng, tạp dề trắng. Ghế gỗ có chỗ ngồi bọc vải màu xanh lá cây nâu xỉn vì thời gian. Ba bức tranh treo trên tường, một bức hình cô gái nhỏ chơi đùa trên thảm cỏ, một bức họa ngọn núi băng soi bóng xuống hồ nước, bức còn lại là chân dung ca sĩ Frank Sinatra. Đây là nơi chúng ta thường đến mỗi khi muốn tâm tình với đồng hương.

Lần nào đi ngang tôi cũng hy vọng nữ phục vụ sẽ là người khác. Tôi tưởng tượng mình bước vào, được chào đón bởi những người không biết tôi và ông. Tôi ngồi vào bàn chúng ta hay ngồi, gọi món ông hay gọi.

“Chào cô. Vâng, tôi sẵn sàng rồi đây. Cho tôi cà phê đen và trứng tráng pho mát nhé. Tôi biết giờ không phải bữa sáng nhưng tôi chỉ muốn món trứng thôi. Cà phê phải nóng và mới đấy, thật tươi và nóng. Tôi không cần khoai tây đi kèm món trứng tráng. Vui lòng đừng mang khoai tây ra”.

Nhưng nữ phục vụ vẫn là người cũ. Tôi không bao giờ bước vào nữa.

Tôi luôn biết chúng ta rồi sẽ chết ở đây.

Tôi nhớ ông từng quay lại Ethiopia sau khi rời đi ba mươi hai năm. Tôi hiểu biểu hiện trên khuôn mặt ông vì đó cũng là những gì tôi thấy khi soi mình trong gương 5 năm sau đó. Ông còn nhớ những gì đã nói khi gặp lại nhau trong nhà hàng này không? Ông va phải một phụ nữ sống trong khu phố ông lớn lên. Cô ấy nhắc ông phải thật cẩn trọng vì ông có thể bị giết nếu để người khác phát hiện ông trở về. Nhưng, khi cô ấy quay đi, ông nghe được cô ấy lẩm bẩm “Dù thế nào, ít nhất cũng được chết trên đất nước mình”.

Chúng ta nói với nhau mọi chuyện. Vậy mà chuyến về quê ấy, ông không nói với tôi bao nhiêu.

Khác lắm phải không? Thành phố đã khác, tất cả đều khác.

Tôi biết những gì ông muốn nói. Nó không phải của chúng ta nữa. Nó không còn là những gì chúng ta nhớ.

Ông cũng nhận ra những gì tôi gặp khi tôi trở lại. Những kỷ niệm chúng ta ghi khắc năm này qua năm khác chỉ còn trong ký ức. Về sau, chúng ta không còn nói với nhau về chuyện hồi hương. Chúng ta thậm chí phải chiến đấu khốn khổ khốn nạn để gìn giữ những kỷ niệm.

Tôi ốm. Bác sĩ bảo tôi chỉ còn sáu tháng để sống. Chuyện ấy đã từ ba tháng trước.

Selam muốn chúng tôi tới Debre Libanos (nhà thờ ở Ethiopia). Bà ấy ngủ mơ thấy chúng tôi ở tu viện. Selam nói thấy hai vợ chồng ngồi với các tu sĩ trong không gian tĩnh lặng hoàn toàn. Sự tĩnh lặng ấy chỉ bị gián đoạn khi có tiếng cầu nguyện. Đôi mắt tôi khép hờ, môi tôi lẩm nhẩm. Selam tin giấc mơ của mình là điềm báo cho thấy chúng tôi phải trở về nơi đó và nhận nước thánh.

Đám trẻ muốn tôi ở lại đây. Chúng lo lắng cha sẽ chết khi không có chúng bên cạnh. Chúng cũng lo khoảng cách địa lý không cho phép chúng thường xuyên thăm viếng mộ tôi.

Tôi có thể lên kế hoạch cho cái chết của mình từ bây giờ. Tôi có thể chết ở quê hương nếu tôi muốn. Tôi cũng có thể chết ở đây, đất nước tôi sống từ khi trưởng thành, nơi tôi nhìn về quê nhà, mòn mỏi ngóng đợi sự thay đổi và, cuối cùng, thay thế bằng cái chết. Không có chỗ cho thân thể tôi ở Addis này. Vùng đất này cũng chưa bao giờ có được tôi. Nó không thuộc về tôi và tôi không thuộc về nó.

Người nhập cư như chúng ta sẽ an nghỉ nơi nào khi chết đi?

Tôi nên về thôi. Mặt trời bắt đầu lặn và những đám mây đang kéo đến. Có vẻ sắp mưa. Tôi không biết liệu ngày mai có thể đến thăm ông nữa không. Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm tái ngộ. Có lẽ chúng ta lại gặp gỡ ở thành phố chúng ta biết, đất nước chúng ta hay. Có thể chúng ta cũng gặp lại gia đình mình qua những ký ức của đất, thứ nâng đỡ chúng ta suốt bao năm.

VŨ THỊ HUẾ

dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

TRUYỆN NGẮN CỦA AGAZIT ABATE (ETHIOPIA)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/an-nghi-noi-nao-616693.bld