Ăn năn trên đường trốn nã

Họ phạm tội nhưng không đủ dũng khí để đối diện với hình phạt của pháp luật nên trốn chạy. Trên con đường trốn nã, ngoài những khó khăn thường ngày thì họ phải đối mặt sự giày vò của lương tâm…

Cao Xuân Quát tại tòa sơ thẩm.

Cạo trọc đầu, lên chùa sám hối

Năm 2013, chàng kỹ sư Cao Xuân Quát (SN 1990, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kết hôn với Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1990) rồi một cháu trai khỏe mạnh ra đời cùng năm. Gia đình khấm khá, cuộc sống cứ bình lặng trôi, 2 vợ chồng cũng không bao giờ cãi vã, to tiếng với nhau. Chiều 19/12/2014, làm việc nhà xong, hai vợ chồng lên tầng “tâm sự” thì xảy ra mâu thuẫn, chị Trang nói: “Tao ở với mày mấy năm rồi, tao đi lấy thằng khác”. Vài giây sững sờ, Quát cầm ghế gỗ đập vào đầu vợ khiến chiếc ghế vỡ đôi.

Bị đánh, người vợ gục xuống nền nhà nhưng cố van xin: “Chồng tỉnh lại đi, vợ đây mà”. Đáp lại, Quát vớ chân ghế đập tiếp vào đầu vợ rồi lấy chiếc khăn tắm siết cổ Trang. Thấy vợ đã tử vong, Quát dùng chăn phủ kín thi thể bị hại, tắm rửa sạch sẽ rồi cạy tủ lấy 50 triệu của bố mẹ và điện thoại của vợ đi uống rượu. Tàn cuộc nhậu, đối tượng mở Facebook của vợ thì biết vụ việc đã bị phát hiện. Không vội chạy trốn, Quát đến phố Lê Thanh Nghị chơi điện tử tới gần sáng rồi ra bến xe Nước Ngầm bắt xe khách vào Nghệ An.

Đối tượng di chuyển liên tục từ Nghệ An vào Huế, TPHCM rồi Lâm Đồng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Quát khai, tới đâu anh ta cũng lên chùa cầu siêu cho vợ và cạo trọc đầu nhằm sám hối. Thậm chí, Quát lên Facebook viết lời tự thú và ăn năn về hành vi giết vợ của mình. Trốn chạy là vậy nhưng Quát không quên đứa con khi nhắn tin nhờ bạn mua sữa cho cháu bé. Cuối năm 2014, được sự động viên của bố mình, Quát đầu thú và nhận án chung thân tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5/10/2016.

Tại tòa, Quát khai vợ chồng anh ta không có mâu thuẫn gì lớn nhưng không hiểu sao Quát lại ra tay sát hại vợ. Nói lời sau cùng, Quát quay xuống mẹ vợ rưng rưng tạ lỗi: “Con vẫn yêu vợ con lắm, muốn chịu hình phạt của pháp luật. Nếu có cơ hội con xin chịu trách nhiệm”. Trước đó, với ánh mắt vô hồn, mẹ vợ của Quát xin tòa xét xử đúng người đúng tội và không đòi hỏi bồi thường. Bên ngoài, đứa con gần 4 tuổi của Quát vẫn vô tư chơi đùa. Những người trong gia đình cố bế cháu bé chạy theo khi Quát được dẫn giải ra.

Vợ chồng Hạnh - Thùy tại tòa.

Bỏ con, ôm bụng bầu bỏ trốn

Ngày 8/11/2016, một bà lão dẫn theo 2 cháu bé đến trước cửa TAND TP Hà Nội năn nỉ bảo vệ để họ có thể vào trong. Sau đó, bà ngậm ngùi gửi các cháu cho họ hàng, bởi cửa pháp đình quy định không cho người dưới 16 tuổi vào. Bố mẹ của các cháu là Mai Thị Mỹ Hạnh (SN 1977), Phạm Văn Thùy (SN 1972, ở Long Biên, Hà Nội), hôm đó bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Diễn biến phiên tòa cho thấy, vợ chồng Thùy vốn kinh doanh vật liệu xây dựng và vận tải hàng hóa nhưng lời lãi không bao nhiêu. Hạnh bàn với chồng chuyển hướng kinh doanh bất động sản và đáo hạn ngân hàng dù trong tay không đồng vốn.

Liều mình, Hạnh vay của những người thân với cam kết trả lãi rất cao. Ban đầu, những người cho vợ chồng Hạnh vay tiền được trả lãi đều đặn nên quyết định “bơm” thêm tiền cho nữ quái. Từ năm 2009 đến cuối 2011, Hạnh cùng chồng đã lợi dụng sự tin tưởng của 5 người để chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng.

Tại tòa, Hạnh khai mình lấy tiền của mọi người để buôn bán bất động sản hoặc cho vay lại rồi hưởng lãi suất chênh lệch. Do làm ăn thua lỗ, Hạnh buộc phải lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Hai vợ chồng bị bắt theo lệnh truy nã vào cuối năm 2015.

Khi bắt đầu trốn khỏi nơi cư trú, Hạnh đang mang thai đứa con thứ ba nên 2 người trốn về quê nội ở Hải Dương, thuê một căn nhà để sinh nở. Mẹ tròn con vuông, họ gửi con cho ông bà nội nuôi rồi tiếp tục trốn vào Bình Phước.

Trước vành móng ngựa, cặp vợ chồng nói, trong thời gian trốn nã, họ rất ăn năn, chỉ mong thời gian quay ngược lại để làm ăn lương thiện, chăm sóc mẹ già, con nhỏ… Hướng về các bị hại, Hạnh nức nở: “Có trời chứng giám, đây là do em làm ăn thua lỗ chứ không bao giờ em muốn lừa của các chị”. Đáp lại, các bị hại cũng mong tòa cho cặp vợ chồng sớm được trở về với xã hội để chăm sóc các con.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt 15 năm tù cho Hạnh và 8 năm tù cho Thùy. Nghe tuyên án, mẹ của các bị cáo sụp xuống khóc. Bà nói sụt sùi: ngoài thương con, bà còn không biết lo cho các cháu thế nào khi bố mẹ chúng vướng vòng lao lý.

Đối tượng di chuyển liên tục từ Nghệ An vào Huế, TPHCM rồi Lâm Đồng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Quát khai, tới đâu anh ta cũng lên chùa cầu siêu cho vợ và cạo trọc đầu nhằm sám hối. Thậm chí, Quát lên Facebook viết lời tự thú và ăn năn về hành vi giết vợ của mình. Trốn chạy là vậy nhưng Quát không quên đứa con khi nhắn tin nhờ bạn mua sữa cho cháu bé. Cuối năm 2014, được sự động viên của bố mình, Quát đầu thú và nhận án chung thân tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5/10/2016.

Xuân Ân

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/phap-luat/an-nan-tren-duong-tron-na-1134241.tpo