Án lệ, những điều chưa biết

Trong dự án Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, mới đây TAND Tối cao đã đề xuất cho phép được xét xử theo án lệ nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa tán thành.

Để hiểu thế nào là án lệ và tác động của nó, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu loạt bài với phân tích của nhiều chuyên gia pháp lý. Theo nhiều chuyên gia luật học, án lệ là đường lối áp dụng luật pháp của các tòa án về một vấn đề pháp lý đã trở thành tiền lệ để các thẩm phán theo đó xét xử trong những trường hợp tương tự về sau. Án lệ là gì? Nói nôm na, xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự. Ở nước ngoài, khái niệm án lệ còn được gọi là tiền lệ pháp. Theo đó, những bản án, quyết định giải quyết vụ việc trong các tập san án lệ trở thành khuôn mẫu, trở thành cơ sở để tòa đưa ra phán quyết trong những vụ việc có tình tiết, vấn đề tương tự sau đó. Tiền lệ pháp ở nước ngoài còn là quá trình làm luật của tòa trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới khi xét xử. Án lệ ở Việt Nam Ở chế độ cũ trước năm 1975, Bộ Tư pháp đã xuất bản án lệ theo định kỳ ba tháng. Ấn phẩm đăng tải những trích dẫn về quan điểm hay định hướng xét xử trong các bản án của Tối cao pháp viện, Tòa hành chính, Tòa thượng thẩm... Những bản án này là căn cứ pháp lý để xét xử cho những tranh chấp tương tự về sau. Sau giải phóng, giữa năm 2005, TAND Tối cao đã công bố toàn bộ các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao từ năm 2000 đến 2004. 103 quyết định về dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động được tập hợp đầy đủ trong một tập hơn 400 trang. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa công nhận án lệ trong hoạt động xét xử. Ảnh minh họa: HTD Lúc đó, tại cuộc họp giới thiệu về việc xuất bản này, lãnh đạo VKSND Tối cao nhìn nhận đây là nguồn tài liệu quan trọng để các thẩm phán tham khảo khi giải quyết các vụ án tương tự. Cạnh đó, việc người dân được tiếp cận với các quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao giúp họ có được thông tin để vận dụng, giải quyết những vấn đề của mình. Lãnh đạo TAND Tối cao cũng cho rằng trong bối cảnh nước ta không áp dụng án lệ trong xét xử thì các thẩm phán hoàn toàn có thể tham khảo cách giải quyết của các bản án đã được xuất bản này trong những vụ án mà mình thụ lý, giải quyết. Các dạng án lệ Pháp luật Việt Nam hiện hành không công nhận việc xét xử theo án lệ. Tuy nhiên, nhiều người nhận xét án lệ vẫn đang tồn tại ngầm dưới một số hình thức. Đầu tiên, phổ biến nhất là những văn bản tổng kết hướng dẫn nghiệp vụ xét xử hằng năm của TAND Tối cao để tạm gỡ các vướng mắc trong công tác xét xử của cấp dưới. Văn bản này có thể là thông tư liên tịch của TAND Tối cao với các bộ, ngành liên quan, hay nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao… Thứ hai là việc chọn lọc xuất bản một số quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phục vụ cho xét xử, nghiên cứu khoa học và cho đông đảo người dân biết, vận dụng hay tham khảo. Đối với loại này thì phải chọn lọc các bản án có tính chất hướng dẫn, nhất là về đường lối xét xử. Thứ ba là việc các cơ quan tố tụng trung ương tổng hợp các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm vào chung một quyển để xuất bản định kỳ hoặc hằng năm. Thứ tư là các cuốn sách, các bài phân tích, bình luận về sự việc, chứng cứ, yếu tố pháp lý trong các bản án. Trước đây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về án lệ, Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương từng cho biết một số nước sử dụng các bản án của tòa cấp trên như hướng dẫn, tức cứ trường hợp tương tự thì giải quyết tương tự. Còn ở ta, các bản án phải được tổng hợp, đúc kết hằng ngày, nếu có khúc mắc thì đưa ra văn bản hướng dẫn rồi nâng lên thành luật. Nhiều chuyên gia cho rằng các văn bản hướng dẫn xét xử này chính là một dạng án lệ mà các tòa địa phương luôn vận dụng trong công tác xét xử của mình, nhất là trong lĩnh vực dân sự. Công khai bản án Tháng 4-2010, TAND Tối cao đã cho ra mắt cổng thông tin điện tử (http://www.toaan.gov.vn) để công bố các quyết định giám đốc thẩm nhằm mục đích công khai bản án theo tinh thần cải cách tư pháp. Hiện tại, trang web đã đăng tải 247 quyết định giám đốc thẩm, chủ yếu từ năm 2003 đến 2006 và cập nhật một số quyết định mới của các năm 2009, 2010. Ngoài ra, một trang web khác (http://e-lawreview.com) cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hồi tháng 5-2008. Trang web chứa đựng những bản án được sắp xếp theo loại tranh chấp cùng bài tranh luận của luật sư… Người đọc cũng có thể phát biểu ý kiến trong mục ý kiến công dân và viết bài gửi cho website để xây dựng nền pháp quyền Việt Nam. Án lệ ở nước ngoài Ở nhiều nước trên thế giới, việc công bố bản án được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng rãi bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet. Đối với các nước theo hệ thống luật chung Anh-Mỹ (Common Law), những bản án điển hình được tuyển chọn, đăng tải trong các báo cáo tổng hợp án lệ (Law Report) và trở thành án luật (Case Law) là một nguồn pháp luật. - Ở Mỹ, khi xét xử các hành vi vi phạm luật và các tranh chấp nảy sinh từ luật, các tòa án cần phải diễn giải luật bằng các bản án trước đó của tòa cùng cấp hoặc cao hơn. Đây được gọi là nguyên tắc theo quyết định trước hay đơn giản gọi là án lệ, tiền lệ pháp. Nếu phải đối mặt với các án lệ bất lợi, bị đơn sẽ tìm cách phân biệt sự khác nhau giữa vụ việc của mình với những vụ việc trước đó. Sau đó tòa án cấp cao hơn sẽ tìm cách giải quyết mâu thuẫn này để bổ sung cho án lệ hoàn chỉnh hơn. - Ở Pháp, gặp trường hợp pháp luật quy định không rõ ràng, không đầy đủ, thẩm phán vẫn phải tuyên án nếu không muốn bị kiện vì phủ nhận công lý. Lúc này, thẩm phán sẽ dựa vào án lệ để đưa ra phán quyết. - Ở Thụy Sĩ, trong trường hợp không có luật thành văn hoặc luật tục tương tự thì thẩm phán có quyền quyết định tuân theo những nguyên tắc mà họ đặt ra. Một khi đã hành động như nhà lập pháp, thẩm phán phải chứng minh bằng những nguyên tắc luật pháp... VI TRẦN - THANH TÙNG

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100926111929467p0c1063/an-le-nhung-dieu-chua-biet.htm