Ẩn họa “xe mù” chở vật liệu xây dựng

Chuyện ở “phố phu tôn”

(Cadn.com.vn) - Những hiểm nguy rình rập từ việc dùng “xe mù”, xe tự chế chở vật liệu xây dựng (VLXD), đặc biệt là những tấm tôn quá khổ đã được cảnh báo từ lâu nhưng chỉ đến khi 2 vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Hà Nội thì câu chuyện này trở nên nóng. Tại Đà Nẵng, chính quyền và ngành chức năng đã thực hiện nhiều đợt cao điểm để xử lý, kết quả mang lại cũng khá tích cực, nhưng theo đại diện Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố thì cần phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn.

Câu chuyện xe chở tôn, chở VLXD gây tai nạn khiến 2 người tử vong ở Hà Nội đang được nhiều người quan tâm. Đội ngũ những người chuyên chở VLXD bằng “xe mù”, xe tự chế của Đà Nẵng không thực sự đông đúc và trở thành “hung thần” giống như Hà Nội nhưng cũng là mối lo sợ của người tham gia giao thông trên mọi cung đường. Dãy nhà số lẻ của đường Điện Biên Phủ lâu nay vẫn được nhiều người gọi là “phố tôn” với nhiều cơ sở cung cấp lượng lớn tôn cho các công trình xây dựng. Đội ngũ những người sử dụng xe ba gác, xe máy tự chế chở tôn có lương hoặc chạy sô theo khách hàng cũng vì thế mà được gọi là “phu tôn”. Ngồi chờ việc trên chiếc xe bò, ông Võ Mai (trú Q. Thanh Khê) cho biết, trong đội quân chở tôn thì một số người được chủ cơ sở trả lương theo tháng, còn lại khi chở hàng tới nơi chủ nhà nào thoáng thì cho vài ba chục nghìn, còn không thì đến ly nước cũng không có. “Như tui, mỗi tháng có lương 3 triệu đồng. Hầu hết thời gian là thường trực ở đây, có khách đặt hàng là bốc tôn lên xe rồi chạy. Mùa xây dựng thì công việc đều đều nhưng đến mùa mưa thì đói. Thành phố cấm đó, vì xe không đủ điều kiện lưu thông, lại kéo thêm cái xe bò phía sau, chở hàng quá khổ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Nhưng không có việc chi làm cũng phải cày bừa mà kiếm sống” - ông Mai tâm sự.

Không có “lương cơ bản” như ông Mai, hầu hết phu tôn hành nghề theo kiểu gọi đâu chạy đó nên công việc cũng phập phù. Có khi các cơ sở gọi cháy máy, “bể sô” nhưng cũng nhiều lúc ngồi không cả ngày. Họ tìm việc ở những cửa hàng nhỏ lẻ không ký hợp đồng hoặc chờ những khi các cửa hàng lớn nhận nhiều đơn đặt hàng mà lao động cơ hữu không đủ đáp ứng gọi “hợp đồng vụ việc”. Ông Nguyễn Văn Vinh (trú Hòa Phong, Hòa Vang) cho biết, cũng như xe ôm, ngày đều thì đủ ăn, cũng có ngày trúng đậm nhưng tính lại rồi cũng chỉ đủ bù cho những ngày ngồi uống cà-phê, nói dóc rồi về. Mùa mưa thì xe trùm mền.

Phương tiện hành nghề của các phu tôn thường là bộ đôi xe máy + xe bò. Khi vận chuyển thì tôn hay các loại VLXD được chất lên xe bò, thay vì người kéo thì nó được cột lên phía sau xe máy. Hầu hết xe máy dùng để chở tôn thường không đảm bảo an toàn kỹ thuật và được “độ” nhiều chi tiết để tăng sức kéo hoặc dễ “lắp ráp” với kết cấu của xe bò. Nhiều xe không đèn, không còi, không đăng kiểm, không đăng ký, thậm chí là trơ khung nên vẫn được gọi là “xe mù”. Không chỉ vi phạm về an toàn kỹ thuật mà trong lúc vận chuyển, hầu hết các xe này đều chở quá khổ, bảo vệ rất sơ sài. Khi nhắc đến những vụ tai nạn thương tâm do xe chở tôn gây ra ở Hà Nội, nhiều người lý giải là do không bọc ở hai đầu tôn, phóng nhanh vượt ẩu, thiếu quan sát. “Biết nguy hiểm, vi phạm giao thông nhưng tụi tui hạn chế bằng cách trùm kín hai đầu tôn, chạy chậm một tí. Chứ giờ bắt bỏ nghề thì biết làm chi mà sống” - ông Nguyễn Văn Vinh tâm sự.

Xe chở VLXD quá khổ, quá tải nên cần một xe máy “trợ lực” đi kèm...

...và tôn được chất lên xe bò, sau đó cột vào “xe mù” chở đi mà không được cột bảo vệ có thể gây tai nạn bất ngờ dẫn đến hậu quả thương tâm cho người đi đường. Ảnh: Công Khanh

Phải xử lý triệt để

Để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự như tại Hà Nội vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, các địa phương phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô-tô 2 bánh, xe mô-tô 3 bánh và các loại xe tương tự tại địa phương; đẩy mạnh công tác TTKS, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định gây mất TTATGT trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2015, thành phố đã quyết liệt xử lý đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Lực lượng CSGT đã mở đợt kiểm tra chuyên đề, tạm giữ hàng trăm phương tiện mà lâu nay ta vẫn gọi là “xe mù”. Đầu năm nay cũng đã xử lý 48 trường hợp. Tình hình cơ bản ổn định nhưng chưa được triệt để. Đối với loại phương tiện này thì không nói trước được điều gì, khi lưu thông trên đường nó luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng và có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào. Theo ông Cường, những người chở VLXD bằng xe tự chế đều là lao động nghèo, coi đây là nguồn thu nhập chính, vì vậy việc xử lý trong thời gian qua chưa triệt để do du di. “Dù vậy, chúng tôi đã tham mưu thành phố và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT tiếp tục kiểm tra, xử lý triệt để đối với loại phương tiện này để đảm bảo tình hình TTATGT trên địa bàn thành phố” - ông Cường khẳng định.

Tại lễ chào cờ giao ban toàn lực lượng đầu tháng 10, Đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc CATP Đà Nẵng đã yêu cầu Phòng CSGT tiếp tục chuyên đề xử lý nghiêm các trường hợp xe máy, xe mô-tô kéo, chở hàng cồng kềnh, cản trở và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Theo Đại tá Lê Văn Tam, Đà Nẵng đã thực hiện chuyên đề này từ năm 2015 và tạm giữ, xử lý tương đối hiệu quả các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Tuy vậy, để xử lý triệt để thì lực lượng CSGT kể cả các quận, huyện phải tiến hành tuyên truyền mạnh mẽ hơn, kiểm tra thường xuyên hơn, xử lý quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng “xe mù” mang nguy hiểm rình rập, đe dọa đến sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/66_155640_a-n-ho-a-xe-mu-cho-va-t-lie-u-xay-du-ng.aspx