Ẩn họa trong biệt thự cổ từ lời kêu cứu của nghệ sĩ Chiều Xuân

Lời kêu cứu của hai mẹ con nghệ sĩ Chiều Xuân không chỉ từ một gia đình, một đám cháy, mà còn là của của hàng ngàn căn biệt thự cổ ở thủ đô.

Cách đây hơn một năm, ngày 22/9/2015, căn biệt thự cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ, cướp đi 2 mạng người. Kể từ trước khi vụ sập nhà xảy ra, và đặc biệt là sau vụ tai nạn ấy, vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân sống trong những khu biệt thự cổ có tuổi đời hàng trăm năm ở Hà Nội đã được “gióng” lên khá mạnh mẽ. Nhưng rồi, không hiểu vì sao, hồi chuông ấy cứ chìm dần vào quên lãng.

Và rồi, ngày 23/10 vừa qua, lại một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu biệt thự cổ trăm tuổi ở số 65 Nguyễn Thái Học , nơi đang có 20 hộ dân sinh sống, trong đó có gia đình NSƯT Chiều Xuân. Đây cũng từng là nơi ở của các danh nhân, như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, họa sĩ Phan Chánh, Trần Đông Lương, Văn Giáo, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Thanh Hương...

Những ngôi biệt thự cổ ở Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đổ sập

Vụ hỏa hoạn tuy không có thiệt hại về người, nhưng một lần nữa hồi chuông báo động sự nguy hiểm của ngôi biệt thự cổ lại được gióng lên, khẩn thiết hơn, cấp bách hơn.

Cũng giống như hàng trăm ngôi biệt thự cổ khác ở Hà Nội, đây là biệt thự được xây trước năm 1954, thuộc diện được bảo tồn nhóm 2. Tuy nhiên, nhiều năm nay, ngôi nhà đã bị sửa chữa, cơi nới sai mục đích, sai kết cấu, gây nguy hiểm tiềm ẩn cho ngôi nhà và những người dân sống bên trong.

KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc Hà Nội cho rằng: “Hơn 1.500 biệt thự cổ từ thời Pháp có tuổi đời đã hơn trăm năm, trong đó rất nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài những ngôi nhà có giá trị kiến trúc đặc biệt, hoặc những công trình có liên quan đến lịch sử, di tích cần được bảo tồn nguyên trạng; những ngôi nhà cổ khác đều đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, nên được đánh giá, phân loại để tư vấn cho cơ quan quản lý sớm có kế hoạch sửa chữa, di dời, đảm bảo an toàn đời sống cho người dân”.

Năm 1994, TS. Đào Ngọc Nghiêm - nguyên KTS trưởng TP. Hà Nội là người trực tiếp tham gia xây dựng đề án “Quản lý quỹ nhà biệt thự TP. Hà Nội” trình UBND thành phố, đã kiến nghị phải giữ lại trên 500 biệt thự có giá trị, trong đó có ngôi biệt thự 65 Nguyễn Thái Học, nơi từng được gọi là “Nhà danh nhân”. Hiện tại, có khoảng 100 nhân khẩu đang sống tại ngôi biệt thự cổ này.

Từ tháng 7/2013, HĐND TP. Hà Nội đã ra nghị quyết, trong đó nêu rõ biện pháp thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, thành phố lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, việc thực hiện nghị quyết trên vẫn gần như chưa được triển khai.

“Ai là người cứu lấy chúng tôi, những người dân lương thiện nhỏ bé. Ai cứu lấy một địa chỉ văn hóa và lịch sử của Hà Nội hay để đến khi nó sập xuống như nhà ở Trần Hưng Đạo mới “vào cuộc”, “rút kinh nghiệm” và lại chìm như biết bao vụ việc khác…”.

Lời kêu cứu của hai mẹ con nghệ sĩ Chiều Xuân trên mạng xã hội sau vụ hỏa hoạn ở 65 Nguyễn Thái Học không chỉ là cho một gia đình, một đám cháy, mà đó còn là lời kêu cứu của hàng ngàn căn biệt thự cổ ở Thủ đô./.

Vũ Thư/Báo TNVN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/an-hoa-trong-biet-thu-co-tu-loi-keu-cuu-cua-nghe-si-chieu-xuan-564852.vov